Thứ sáu, Tháng mười một 29, 2024

Truy xuất nguồn gốc thịt heo, nhiều thách thức

Vũ Yến-

Mới đây, Phó chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết nếu không có gì thay đổi, bắt đầu từ ngày 15-9 tới, heo có truy xuất nguồn gốc, đeo vòng nhận diện với đầy đủ thông tin mới được bán tại TPHCM. Đây là chủ trương của thành phố nhằm đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, mục tiêu này đang đặt ra những thách thức không nhỏ cho thành phố.

thitheoThịt heo được bán tại chợ đầu mối Hóc Môn, TPHCM.  Ảnh: Vũ Yến

Chợ đầu mối: lo

Ông Lê Văn Tiển, Phó giám đốc chợ đầu mối nông sản-thực phẩm Hóc Môn, cho biết thời gian từ nay tới 15-9 không còn nhiều, vì vậy việc triển khai đồng bộ quy định heo phải có truy xuất nguồn gốc mới được bán ở TPHCM là việc rất khó.

Ông Tiển cho biết, để việc triển khai đồng bộ quy định trên có kết quả, chợ Hóc Môn đã gửi một bản kế hoạch thực hiện khá chi tiết về Sở Công Thương TPHCM. Trong đó, chợ nêu rõ quy định chỉ được thực hiện tốt nếu làm được ba điểm.

Thứ nhất, phải giải quyết được khủng hoảng thừa thịt heo, cung cầu trở lại ổn định như trước, với lượng heo về chợ ổn định ở mức 5.000 con/ngày. Bởi nếu cung cầu không ổn định, giá heo hơi vẫn ở mức thấp thì người chăn nuôi sẽ vẫn gặp khó khăn. Khi đó, chi phí thêm cho việc tham gia vào đề án truy xuất nguồn gốc, đeo vòng nhận diện cho heo sẽ tăng thêm gánh nặng lên họ.

Thứ hai, chợ đầu mối Bình Điền đồng thời thực hiện quy định trên cùng với chợ đầu mối Hóc Môn. TPHCM có hai chợ đầu mối cung ứng thịt heo cho TPHCM, nên nếu một trong hai chợ không thực hiện nghiêm quy định thì heo chưa được đeo vòng nhận diện, truy xuất nguồn gốc sẽ chạy từ chợ nọ sang chợ kia.

Thứ ba, cơ quan chức năng cần bổ sung, chỉnh sửa nội quy chợ. Ngoài quy định về việc hàng hóa nhập chợ phải có nguồn gốc như đã có bấy lâu nay cần bổ sung nội quy hàng hóa đó phải “đảm bảo yêu cầu của các chương trình, đề án của thành phố phê duyệt”. Sở dĩ nên bổ sung nội quy chợ vì hiện nay heo chỉ cần có đầy đủ giấy tờ, hóa đơn là được phép bán ở chợ, bất kể heo đó có đeo vòng nhận diện truy xuất nguồn gốc đầy đủ hay không.

Ông Tiển cho biết, ở thời điểm không “giải cứu” thịt heo, trung bình mỗi ngày chợ Hóc Môn tiêu thụ 5.000 con heo, chợ Bình Điền tiêu thụ trên 2.000 con, đáp ứng được khoảng 80% nhu cầu tiêu thụ thịt heo của toàn TPHCM. Do vậy, nếu kiểm soát tốt nguồn heo ở hai chợ này thì phần nào yên tâm về chất lượng.

Một đại diện của chợ đầu mối Bình Điền (quận 8, TPHCM) cho biết, hiện nay các hộ kinh doanh thịt heo ở chợ đã đồng ý tham gia vào đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo. Tuy nhiên, vấn đề không nằm ở người bán mà nằm ở thương lái. Nhiều thương lái mua heo từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không tham gia vào đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo. Thêm nữa, người chăn nuôi nhỏ lẻ lại sinh sống ở những vùng không có sóng Wi-Fi, 3G để kích hoạt vòng nhận diện.

Cũng theo vị này, mới đây, khi Sở Công Thương cho phép thương lái đeo vòng nhận diện cho heo thì xảy ra tình trạng thương lái đeo đối phó, đeo vòng nhưng không có thông tin. Ban quản lý chợ lại không quản lý thương lái, hàng hóa của họ vào chợ đầy đủ hóa đơn, chứng từ vì vậy không thể không cho vào.

Bà Hoàng Thị Bích Hằng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai, cho biết khó khăn hiện tại khi tham gia vào đề án của TPHCM là nguồn heo tại tỉnh chủ yếu từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, quy mô gia đình. Không phải hộ chăn nuôi nào cũng có kinh phí để trang bị một số trang thiết bị, vòng nhận diện phục vụ cho việc thực hiện truy xuất nguồn gốc.

Theo bà Hằng, TPHCM nên thống nhất giao việc đeo vòng nhận diện cho nông dân và các cơ quan quản lý, ví dụ như quản lý thị trường ở địa phương. Không nên trao việc này cho thương lái bởi phát sinh những vấn đề như thương lái thu thêm tiền của người chăn nuôi, thậm chí có tình trạng thương lái đeo vòng nhận diện của trại này cho heo của trại khác nên việc truy xuất nguồn gốc sẽ không chính xác.

“Siết nguồn gốc thịt heo vào TPHCM là việc làm đúng đắn, có lợi cho cả người tiêu dùng lẫn người chăn nuôi. Tuy nhiên, thời điểm 15-9 có lẽ hơi cập rập, sợ không kịp”, bà Hằng nói.

 [box] Theo báo cáo sơ kết bốn tháng triển khai Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo của Sở Công Thương TPHCM, số cơ sở chăn nuôi đăng ký tham gia là 1.131. Trong số đó có 123 cơ sở thực hiện đeo vòng nhận diện khi bán heo với số lượng 251.290 con heo. Bên cạnh đó đã có 55 thương lái thực hiện đeo vòng nhận diện khi bán heo với số lượng 114.436 con heo. Như vậy, số lượng cơ sở chăn nuôi tham gia so với số đã đăng ký rất thấp, chỉ khoảng 11%.[/box]  

Nhà quản lý: lạc quan

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cho biết để áp dụng đồng bộ việc truy xuất nguồn gốc thịt heo, sở đang cùng với các chợ rà soát, hoàn chỉnh lại nội quy chợ, sau đó sẽ tập huấn cho tiểu thương. Điều quan trọng là phải làm rõ khái niệm như thế nào là hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ.

Theo ông Hòa, nếu hiện nay hàng hóa có nguồn gốc đa phần được hiểu là hàng hóa đó được mua ở đâu, ví dụ như mua ở chợ đầu mối Hóc Môn hay mua ở chợ đầu mối Bình Điền, được thể hiện bằng một tờ giấy hay hóa đơn bán lẻ viết tay, thì sắp tới phải làm rõ khái niệm này, phải ghi cụ thể trong nội quy chợ.

“Hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ tức hàng hóa phải truy xuất được tận cùng nguồn gốc. Ví dụ con heo đó được nuôi ở đâu, trang trại nào, quy trình ra sao, cho ăn thức ăn gì… Việc làm này sẽ góp phần minh bạch thông tin, đáp ứng nhu cầu được biết rõ thông tin của người tiêu dùng”, ông Hòa giải thích.

Song song đó, theo ông Hòa, thành phố sẽ làm việc với từng tỉnh, ký các hợp đồng hợp tác, cùng họ tổ chức lại các trang trại chăn nuôi, đưa các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vào các tổ hợp tác, quy hoạch lại nguồn hàng.

“Chúng tôi đã chuẩn bị, triển khai công việc cho thời điểm tháng 9 từ ngày 1-3-2017, và tôi nghĩ kết quả sẽ đáp ứng mong đợi”, ông Hòa kỳ vọng.

Theo ông Hòa, khi triển khai quy định, mọi đơn vị liên quan phải cùng vào cuộc, cùng có hệ thống chế tài đồng bộ thì mới mong có sự tác động, tạo nên kết quả tốt. Việc tạo ra nguồn heo an toàn, có truy xuất nguồn gốc không chỉ nhằm đảm bảo nguồn lương thực cho người tiêu dùng thành phố mà còn là nền tảng vững chắc để Việt Nam xuất khẩu sản phẩm ra các nước khác.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối