Chủ Nhật, Tháng mười hai 1, 2024

Truyền cảm hứng khi hướng nghiệp

Thu Hương-

Từng ở tuổi học trò và trải qua cảm giác mơ hồ khi đứng trước lựa chọn nghề nghiệp, những người trẻ lập dự án hướng nghiệp mang tên Vouloir tại TPHCM đã mang đến một mô hình hướng nghiệp nhiều cảm hứng, gần gũi và trẻ trung.

Không giống những buổi tư vấn tuyển sinh thông thường với những người phụ trách đào tạo sẽ giới thiệu về ngành học, hướng nghiệp của Vouloir là những buổi nói chuyện về nghề nghiệp từ chính những người đã làm nghề.

Huongnghiep1-Không-gian-hướng-nghiệp-gần-gũi,-thoải-mái-của-Vouloir-tại-một-quán-cà-phê.-Ảnh-Thu-HươngKhông gian hướng nghiệp gần gũi, thoải mái của Vouloir tại một quán cà phê.  Ảnh: Thu Hương

Hướng nghiệp ở quán cà phê

Trong một quán cà phê ở trung tâm thành phố, hơn 30 bạn trẻ chủ yếu trong độ tuổi học sinh, sinh viên ngồi trước một diễn giả để nghe nói về nghề, về những phân vân khi đứng trước lựa chọn công việc tương lai.

Diễn giả là một phụ nữ trong trang phục cá tính, chị Anna Võ, giám đốc sáng tạo của một nhãn hàng trang sức có tiếng. Vừa hướng ánh mắt về màn hình đang trình chiếu bộ sưu tập trang sức mới nhất mang tên Juice me up, chị vừa nói về ý tưởng của mình: “Ý tưởng cho Juice me up là từ sở thích… ăn trái cây, từ hình ảnh, màu sắc của thanh long, măng cụt, dưa hấu, xoài để thể hiện tinh thần của bộ sưu tập”.

Sau đó, chị Anna giới thiệu quy trình chung để lên ý tưởng và hoàn chỉnh một dự án, từ bước phác thảo kế hoạch, bản vẽ kỹ thuật… Nhiều câu hỏi được các bạn trẻ tham dự gửi đến khách mời, như “vì sao chị chọn nghề này?”, “có lúc nào chị cạn kiệt ý tưởng không?”, “nếu không được gia đình ủng hộ thì em có nên đăng ký ngành học này không?”. Để trả lời, Anna kể về sở thích cắt may từ nhỏ, về công việc của một nhà thiết kế, việc gắn với thực tế để tìm cảm hứng. “Nhà thiết kế cần giỏi sáng tạo, nhưng để tồn tại cần phải biết về kinh doanh. Ví dụ, một bộ sưu tập có 20 mẫu thì 10 bộ để bán, 10 bộ không bán được nhưng phải ấn tượng để tạo sức hút truyền thông”, chị chia sẻ.

Trả lời thắc mắc của người tham dự về những khó khăn gặp phải, chị Anna cho biết khi cạn kiệt ý tưởng, chị thường dừng lại để làm điều gì đó mình thích như đi dạo để cân bằng mọi thứ. Chị cũng động viên người tham dự kiên trì theo đuổi ước mơ, dù đôi khi không được gia đình ủng hộ.

Câu chuyện của chị Anna Võ chỉ là một trong nhiều mảnh ghép về nghề nghiệp được chia sẻ ở các buổi nói chuyện do Vouloir tổ chức. Phần nói chuyện tiếp theo, người tham dự được nghe giám đốc một công ty thiết kế nội thất hướng dẫn cách vẽ và phối màu cho không gian cơ bản, và chỉ dẫn các bạn trẻ thiết kế hồ sơ giới thiệu bản thân sao cho ấn tượng. Sau buổi nói chuyện, một số bạn trẻ chia sẻ rằng bản thân chắt lọc được một số kinh nghiệm bổ ích, bớt bỡ ngỡ khi chọn nghề.

[box] Theo những người lập ra dự án, Vouloir còn trong giai đoạn đầu, vì vậy cả nhóm cố gắng chăm chút cho dự án ngày càng chuyên nghiệp, chỉn chu, giúp cho nhiều người trẻ định hướng tốt hơn cho nghề nghiệp tương lai. Chị Uyên cho biết, cái tên Vouloir được lấy từ câu quen thuộc của người Pháp “Vouloir c’est pouvoir”, tạm dịch “Muốn là được”. Đây vừa là khẩu hiệu của Vouloir, vừa là thông điệp mà nhóm muốn gửi đến người tham dự về sự quyết tâm vươn đến thành công.

Người quan tâm đến dự án và thời gian diễn ra các buổi nói chuyện này có thể truy cập trang Facebook Vouloir Project của nhóm. Trang cũng đăng tải những thông tin về nhiều ngành nghề giúp người đọc tham khảo. [/box]

Để chọn đúng ngành nghề

Vouloir ra đời và được điều hành bởi một nhóm người trẻ. Chị Hồ Lạc Vũ Uyên, sinh viên năm nhất Đại học Luật TPHCM, thành viên sáng lập, kể rằng dự án được thành lập từ kinh nghiệm của những người đã từng trải qua nỗi lo lắng khi chọn nghề. Trong đó, có người đăng ký ngành học vì đó là ngành thời thượng, dễ xin việc mà chưa có bất kỳ hình dung nào về công việc. Cũng có người bỏ ngành mình đang theo học để chọn ngành khác. Vậy là chị Uyên và các bạn nảy ra ý định tổ chức những buổi giới thiệu ngành nghề sinh động, người nghe có thể được trải nghiệm nghề nghiệp để tự tin vào sự lựa chọn của mình.

Tháng 9-2016, Vouloir ra đời và bắt tay tổ chức buổi nói chuyện đầu tiên về nghề báo với diễn giả là các phóng viên mời từ các cơ quan báo đài. “Buổi nói chuyện chỉ thu thêm khoản phí nhỏ để có thêm nước uống, trà, bánh cho người tham dự và chủ yếu là để họ có trách nhiệm hơn khi đăng ký tham gia. Khách mời cũng là những người tâm huyết, muốn chia sẻ với thế hệ trẻ nên đều nhận lời tham gia miễn phí”, chị Uyên kể. Chi phí cho mỗi buổi như vậy thường gói gọn trong 3-7 triệu đồng, chủ yếu là tiền thuê địa điểm.

Theo chị Uyên, những khách mời của dự án không chỉ là người truyền cảm hứng từ những buồn vui của một người làm nghề, mà còn là những nhà tuyển dụng tương lai để nói cho người tham dự về những tố chất mà họ tìm kiếm ở một người ứng tuyển. Từ đó, người tham dự biết cần phải học gì, rèn luyện gì để chuẩn bị cho công việc tương lai. Chị Anna chia sẻ, chị rất hào hứng nhận lời làm khách mời dù không hề có thù lao. “Các bạn trẻ thật sự chưa được định hướng tốt khi chọn ngành nghề theo học nên tôi muốn kể những câu chuyện thực tế từ một người làm nghề”, chị nói.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối