Chủ Nhật, Tháng Một 26, 2025

Truyền dạy đạo đức cho robot

Hoàng Xuân Phương-

Robot rồi sẽ sống chung với con người, làm việc với con người, hòa nhập vào cộng đồng nên người ta thấy cần đặt ra việc truyền dạy đạo đức cho robot.

Tiến sĩ Amy Rimmer, 29 tuổi, đang công tác ở trường Đại học Cambridge (Anh Quốc) ra lệnh cho chiếc Jaguar Land Rover tự lái đến đón. Cô bước vào xe, nhấn nút xanh và rồi mọi chuyện còn lại do chính chiếc xe là một robot tự động thực hiện, từ lăn bánh, bật đèn, xuống phố, chọn lối đi và thực hiện tất cả những việc còn lại cho đến khi Rimmer xuống xe bước vào chỗ hẹn.

HXP4201-2--robot-chia-se-tinh-cam-va-an-nguyRobot nay sống với con người, chia sẻ tình cảm và sự an nguy với con người.

Nhưng giả sử chiếc Jaguar Land Rover gặp phải tình huống hoàn toàn bất ngờ khi hai em bé từ nơi nào đó chạy ra đường và phía bên kia lại là một người khác đang đi tới. Chiếc xe không thể tự hủy để tránh tai nạn chết người, mà nó phải chọn tai nạn nào giữa một trong hai trường hợp và cả sự an toàn của người ngồi trên xe. Đó chính là lúc nó thực hành bài học đạo đức, bởi khác với sự lúng túng của con người khi cầm lái, robot lúc này rất tỉnh táo. Tiến sĩ Rimmer chính là người đứng đầu dự án xe tự lái Jaguar Land Rover này và cô cho biết vấn đề mà xe tự lái, một thứ robot với công nghệ trí khôn nhân tạo, chưa thể sớm xuất hiện trên đường phố không phải ở chỗ cơ khí hay điện tử mà ở câu chuyện về đạo đức. Phải tìm được cách truyền dạy đạo đức cho những phương tiện tự lái thì mới yên tâm giao phó công việc chuyên chở cho chúng.

Người ta biết rằng và người ta cũng kiểm chứng được rằng những chiếc xe tự lái làm việc tốt hơn gấp nhiều lần những phương tiện do con người cầm lái, và chính sự mong mỏi giảm bớt tai nạn giao thông mà các kế hoạch sản xuất xe tự lái đang được đẩy nhanh. Nhưng với con người, đó là đạo đức và trách nhiệm trong khi với robot đó là một sự chọn lựa giữa phương án đạo đức này với phương án đạo đức khác. Vậy ai sẽ làm ra những quyết định đạo đức này? chính phủ, nhà sản xuất, hay chủ nhân của chiếc xe?. Câu hỏi này không mới vì trước đây đã có những vụ tranh cãi quyết liệt về loại vũ khí tự động theo đó ai chịu trách nhiệm đạo đức cho hành vi của nó? Và khi vấn đề chưa phân định được thì thế giới buộc phải cấm sản xuất loại vũ khí robot tự động giết người này.

Vấn đề mà đơn vị nghiên cứu đạo đức học robot của DeepMind, vốn là một công ty trí khôn nhân tạo Anh Quốc được chuyển nhượng cho Google kể từ năm 2014, phải làm là tìm ra các tiêu chí chọn lựa các phương án đạo đức và những nguyên tắc thực thi phương án đó. Trong sáu chủ đề mà đơn vị nghiên cứu này phải hướng dẫn có sự trung thực, trong sáng và riêng tư, cùng sự công bằng và khả năng bao hàm tác động kinh tế. Cuộc nghiên cứu hứa hẹn khá nhiều điều gay go vì không chỉ phải đối phó với những vấn đề đạo đức kỹ thuật của xe tự lái mà còn là cả những mối quan hệ của robot với con người, lẽ dĩ nhiên trong cái độc lập mà robot với trí khôn nhân tạo được lập trình thì còn có việc tôn kính cấp trên và sự tôn trọng nhân phẩm, sự riêng tư của những con người khi tiếp xúc hay làm việc chung.

Việc gấp rút triển khai một bộ phận nghiên cứu đạo đức học cho robot không đơn giản là một dự án kinh doanh tư vấn cho các nhà sản xuất robot cũng như những doanh nghiệp sử dụng robot cập nhật tiêu chí đạo đức cho hệ thống từng năm, tùy vào những diễn biến phát sinh, mà còn là để đối phó với những khuyết điểm của chính DeepMind. Với sự đồng ý của quỹ y tế London NHS Trust, năm 2015 cơ quan giám sát về quyền riêng tư của Anh Quốc đã tiến hành một cuộc điều tra theo đó kết luận bộ phận chăm sóc sức khỏe của DeepMind đã vi phạm luật liên quan đến sự bảo vệ riêng tư của 1,6 triệu người qua việc thực hiện những bản báo cáo y tế toàn phần của từng cá nhân mà không cho họ biết hay được sự đồng ý của họ. Như vậy, phạm trù đạo đức học robot rất lớn chứ không đơn thuần là những trường hợp cá biệt.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối