NGUYỄN ĐƯỚC -
Mới đây tôi có mua hơn chục cuốn truyện tranh cổ tích Việt Nam và thế giới của nhà xuất bản Hồng Đức, mang về quê cho cháu tôi đang học tiểu học đọc trong dịp nghỉ hè.
Cầm đọc sơ một vài cuốn truyện tranh cổ tích, tôi thật sự ngạc nhiên vì nhiều từ ngữ bị nhà xuất bản viết sai chính tả hoặc bị viết thiếu câu chữ.
Cụ thể, tại cuốn truyện tranh cổ tích Việt Nam Hòn Vọng phu, trang 2 có đoạn “Cha mẹ đi làm đến tối mịt mới về” đã bị nhà xuất bản viết sai chính tả, thiếu mất chữ n, thành ra là “Cha mẹ đi làm đế tối mịt mới về”. Cũng tại trang 4, từ “đi lang thang, xin ăn đầu đường xó chợ” đã bị viết sai chính tả thành “đi lang thang, xin ăn đầu đường xóa chợ”...
Hay tại một số cuốn truyện tranh cổ tích thế giới cũng của nhà xuất bản Hồng Đức, có nhiều câu chuyện cũng bị viết sai chính tả hoặc bị thiếu câu chữ khiến trẻ đọc rất khó hiểu. Điển hình, tại câu chuyện cổ tích Hoàng tử ếch, tại trang 4, từ “tuy nhiên...” đã bị viết sai chính tả, thiếu chữ n, thành ra là “tuy hiên...”. Hoặc câu chuyện cổ tích Giai nhân và quái vật, tại trang 8, đã bị thiếu từ ngữ khiến trẻ đọc mà không hiểu cô gái nói gì: “Cha tôi đang ốm gần chết! Ôi tôi ao ước được cha lần nữa!” (Mà đáng lý ra là “Cha tôi đang ốm gần chết! “Ôi tôi ao ước được gặp lại cha lần nữa...”
Theo tôi, đối với những sách dành cho thiếu nhi, nhà xuất bản Hồng Đức cần cẩn trọng hơn trong việc biên tập, tránh để sai chính tả hoặc thiếu từ trong câu... khiến trẻ đọc rất khó hiểu.
Bởi lẽ, qua việc đọc các câu truyện tranh cổ tích Việt Nam hay thế giới, ngoài việc nâng cao hiểu biết cho trẻ, dạy trẻ về tình cảm gia đình, tình nhân ái... sách còn giúp trẻ học tập được cách dùng từ ngữ, chính tả.