Chủ Nhật, Tháng mười hai 1, 2024

Từ chối bia rượu sao cho có duyên?

(SGTT) - Không trước tết thì trong ba mùng, ra Giêng… thế nào cả nam lẫn nữ không “bị” hoặc “được” mời dăm ba ly rượu. Người biết quan tâm sức khỏe sẽ a lê hấp, từ chối ngay những buổi nhậu mất thời gian mà còn gây ra nhiều hệ lụy. Thế nhưng gật đầu thì dễ, lắc đầu mới khó.

Làm thế nào để tự chủ bản thân, uống có chừng mực và từ chối lời nài ép của chiến hữu mà không gây mích lòng? Sài Gòn Tiếp Thị đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ - Bác sĩ Bùi Chí Thương, người khá nổi tiếng trên mạng xã hội với những bài viết mang tính học thuật nhưng đầy duyên dáng, về chủ đề này.

SGTT: Bác sĩ đánh giá như thế nào về văn hóa rượu bia ngày tết?

- TS.BS Bùi Chí Thương: Thói quen uống rượu bia ngày tết dường như đã tạo ra kiểu “văn hóa” rượu bia khiến người Việt mình có thói quen cứ gặp nhau hay tiệc tùng là lại uống bia rượu. Những ngày lễ tết, số lượng người tử vong đều rất nhiều khiến ngày vui bỗng hóa buồn. Cá nhân tôi không thích uống rượu bia nên hoàn toàn phản đối tình trạng nhậu nhẹt chè chén.

Rõ ràng, rượu bia có hại nhiều hơn lợi, trước hết, uống bia rượu say xỉn chạy xe ngoài đường sẽ có nguy cơ gây tai nạn, mà tệ nhất là tử vong. Người ra đi rồi để lại gánh nặng cho gia đình nếu đó là người còn trẻ, có khả năng lao động, đem lại kinh tế cho gia đình. Ngoài ra, xã hội cũng chịu gánh nặng khi những người còn lại không có khả năng lao động phải phụ thuộc vào trợ cấp xã hội.

Ngoài ra, còn có trường hợp bạo hành gia đình bởi những người uống rượu vào sẽ thay đổi hành vi, do não bộ bị ảnh hưởng khiến họ không biết đúng sai, trở nên nóng tính, về nhà đánh vợ con hoặc “động tay động chân”, gây xích mích với người khác khi ra đường.

Không ít nam giới tự hào về tửu lượng của mình, cho rằng đàn ông là phải uống rượu bia giỏi. Người không uống hoặc xin về sớm thường sẽ bị trêu chọc. Bác sĩ nghĩ như thế nào về chuyện tửu lượng làm nên đấng nam nhi?

- Người ta tự hào về tửu lượng bởi họ nghĩ nam giới hơn nhau ở chỗ uống nhiều hay ít, tửu lượng cao thì mới là đẳng cấp cao, là đàn ông đích thực. Tuy nhiên, theo tôi, điều đó chẳng qua là sĩ diện hão, tưởng rằng nốc cạn ly bia, được tung hô thì mới chứng tỏ bản thân mạnh mẽ.

Kiểu suy nghĩ này chỉ có ở những người thiếu suy nghĩ, gặp thất vọng trong cuộc sống và không được công nhận. Thực chất, uống càng nhiều là càng dại bởi vì uống càng nhiều thì càng hại gan, thận. Do đó, niềm tự hào này rất sai lầm. Người hiểu rõ những hậu quả khôn lường của bia rượu sẽ uống ít hoặc không uống.

Bản lĩnh của phái mạnh là có khả năng làm trụ cột, có uy lực của người che chở cho gia đình và có hành động làm gương cho gia đình thay vì niềm tự hào uống được nhiều hay ít vô nghĩa.

Nhưng cũng không dễ nói “không” khi được mời vào dịp Tết phải không, thưa bác sĩ?

- Đúng là rất khó để nói “không” mà không bị mất lòng khi những người bạn vẫn thường ép nhau một ly, hai ly trên bàn nhậu… Tuy nhiên không phải lúc nào tình trạng say xỉn, quá chén cũng là do ép nhau vì trên thực tế có những người thực sự thích uống bia rượu và uống nhiều. Một người uống có chừng mực, có kiểm soát thường từ chối bằng cách thảo luận trước, chẳng hạn, đồng thuận trước rằng anh em mình chỉ uống vui vẻ, uống chơi, ai uống được bao nhiêu thì uống, không ép uổng bởi uống nhiều quá sẽ gây hại.

Chúng ta phải hiểu, quyền ép hay mời rượu là quyền của người ta, quyền từ chối là quyền của mình do đó không nên cả nể, người nào mời bia rượu cũng đều uống. Người như vậy là người không có khả năng kiểm soát bản thân. Tôi khi về quê cũng đều bị ép uống, những lúc đó tôi thường cứng rắn nói rằng chúng ta gặp nhau để trò chuyện, tâm sự chứ không phải để uống rượu do đó cần giữ sự tỉnh táo để nói chuyện. Khi chúng ta quyết đoán như vậy, người mời sẽ tự hiểu ý và những lần sau không ép uống nữa.

Dù vậy cũng không thể phủ nhận rằng ngày tết có vẻ như rôm rả hơn khi có một vài cốc bia, cốc rượu. Vậy theo bác sĩ, có giải pháp nào thay thế bia rượu không?

- Tôi không nói rằng chúng ta nên cấm rượu bia hoàn toàn, ý tôi là đừng uống tới say xỉn, nôn mửa. Uống một hai cốc bia vì tình nghĩa, nói chuyện tâm sự là điều hoàn toàn có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, cần có chừng mực, giữ sự tỉnh táo để nói chuyện.

Để thay thế rượu, bia những dịp hàn huyên bạn bè thì có nhiều cách, tùy vào mỗi người. Chẳng hạn, uống cà phê, trà hay nói chuyện không cũng đâu có sao. Đi cà phê còn rẻ hơn uống bia rượu mà (cười).

Nhiều người không thích phụ nữ “chén thù chén tạc” trên bàn nhậu. Còn bác sĩ nghĩ sao ạ?

Tôi cho rằng phụ nữ uống rượu bia sẽ có nhiều mặt hại hơn đàn ông bởi họ có nguy cơ bị quấy rối, dễ rơi vào tình trạng dễ bị tấn công vì không còn khả năng tự vệ.

Nếu người phụ nữ sa đà vào rượu bia thì gia đình của họ dễ gặp rối, bếp lửa nguội lạnh, thiếu hạnh phúc. Đó là chưa kể đế chuyện uống rượu bia cũng làm ảnh hưởng đến sắc đẹp của phụ nữ, ảnh hưởng tới gan, làm xấu da.

Bác sĩ có lời khuyên gì cho mọi người để tận hưởng một cái tết trọn vẹn mà không phụ thuộc vào rượu bia?

- Lý tưởng nhất là không uống rượu bia, tuy nhiên, nếu có uống thì cần có chừng mực. Cần hiểu rõ, người nào biết từ chối rượu bia mới là người có bản lĩnh. Và thật ra, không nên lấy cớ nể mặt hay vì tình nghĩa mà ép nhau uống nhiều dịp tết, bởi chính uống nhiều mới gây mất kiểm soát bản thân, dẫn đến gây gổ, đánh nhau, làm đổ vỡ tình thân.

Xin cám ơn bác sĩ!

Thiên Nhiên

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối