QUỐC ANH -
Chợ huyện Mỹ Tú (tỉnh Sóc Trăng) trong thời gian gần đây sáng nào cũng có vài điểm bán thân cây năn bộp. Loại cây này trước đây mọc hoang ở bưng biền nhưng nay đã được trồng và được chế biến thành nhiều món ăn đặc sản.
Ông Huỳnh Văn Lọ, một người bán đọt năn bộp tại chợ Mỹ Tú, cho biết mỗi ngày ông bán khoảng 50 bó loại này với giá 10.000 đồng/bó. Loại năn này ông thu mua của những người trồng ở huyện khác của tỉnh Sóc Trăng. “Một buổi chợ bán được 50 lọn (bó) thì tôi lời được 100.000 đồng. Đây là một loại rau sạch, xưa kia mọc hoang dại nhưng nay đã được người dân trồng và bán ra chợ như một đặc sản”, ông Lọ nói.
Theo lời những người bán năn, nguồn hàng của họ được mua từ nông dân các huyện trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Bà Diệu, một người bán quán ăn có món này tại Mỹ Tú, cho biết năn trộn gỏi gà rất đơn giản nhưng thực khách rất thích bởi nó lạ miệng. Đọt năn được chế biến thành nhiều món, ngoài gỏi gà có thể làm gỏi cá, gỏi thịt heo, thịt bò. Cũng theo bà, gọi là đọt nhưng thật ra là đoạn thân gần gốc cây, màu vàng nâu vì nhiễm phèn nhưng khi bóc ra lấy phần non thì có màu trắng ngà, nhẹ như xốp và dài chừng 30 cm.
Theo ông Lọ, trước đây, từ tháng 4 đến tháng 10 hàng năm, cây năn mọc nhiều ở vùng bưng biền các tỉnh miền Tây Nam bộ như Bạc Liêu, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Cà Mau. Ở chợ Ngã Năm, mỗi sáng sớm xuồng của người dân bán năn nhộn nhịp. Tuy nhiên, vì năn hiện nay không còn mùa như trước, nhiều nông dân đã cho xe cuốc đào ruộng sâu để trồng năn bộp.
Nhiều người dân ở thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) trồng năn ở phía trên ruộng còn phía dưới thả các loại cá nuôi. Theo ông Nguyễn Văn Minh, một nông dân chuyên trồng năn ở đây, với 5 công đất (0,5 ha) trồng năn bộp, thu hoạch luân phiên thì mỗi năm có thể có thu nhập 200-300 triệu đồng. “Công việc hơi cực ở khâu khai thác do phải thuê thêm người cắt, lựa năn và bó lại. Tuy nhiên với 5 công đất, trừ hết chi phí thuê mướn, mỗi năm có thu nhập khá cao”, ông Minh nói.
Ông Ngô Thái Chân, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng, cho biết đây là một cây cỏ hoang nhưng nay đã thành rau trong bữa ăn hàng ngày của nhiều người tiêu dùng. “Hạn chế của cây này là khai thác và ăn trong ngày. Vì vậy, dù nhiều nông dân trồng nhưng khó tiêu thụ ở địa phương khác mà chỉ ở các chợ trên địa bàn tỉnh”, ông nói.