Thứ ba, Tháng mười một 26, 2024

Tự động hóa… tạo thêm việc làm

Chánh Tài -

Những tiến bộ về tự động hóa bao gồm trong lĩnh vực robot và trí tuệ nhân tạo đang gây áp lực cho thị trường lao động với viễn cảnh máy móc sẽ đẩy nhiều người vào cảnh thất nghiệp. Song, một số chuyên gia cho rằng tự động hóa rốt cục sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn, theo The Wall Street Journal.

Trường hợp của ATM

tu-dong-hoa-tao-them-nhieu-viec-lam-1Tập đoàn Amazon khai trương thử nghiệm cửa hàng Amazon Go không có quầy thu ngân tại thành phố Seattle, bang Washington (Mỹ).

Mối lo máy móc “cướp” việc của công nhân là vấn đề thời sự sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ nhờ khai thác nỗi bất an về việc làm của các cử tri thuộc tầng lớp lao động.

Hôm 5-12, Tập đoàn Thương mại điện tử Amazon cũng giới thiệu cửa hàng Amazon Go không cần sử dụng nhân viên thu ngân. Ba ngày sau đó, Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump bổ nhiệm ông Andy Puzder, Giám đốc điều hành CKE Restaurants, công ty mẹ của các chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh Hardee’s và Carl’s Jr., vào ghế Bộ trưởng Lao động. Ông Puzder từng nói rằng các ki-ốt có trang bị màn hình cảm ứng để giúp thực khách tự đặt món giống như những ki-ốt mà chuỗi nhà hàng McDonald’s vừa giới thiệu gần đây sẽ giúp công ty của ông giảm bớt nhân công.

Các diễn biến trên rất đáng lo ngại song các bằng chứng trong thực tế lại cho thấy năng suất gia tăng nhờ tự động hóa và sáng tạo cuối cùng sẽ mang đến nhiều của cải hơn, hàng hóa rẻ hơn, sức chi tiêu của người dân tăng lên, và cuối cùng, sẽ tạo ra nhiều công việc hơn.

Có thể thấy rõ điều này qua sự xuất hiện của máy ATM. Theo chuyên gia kinh tế James Bessen, giảng dạy ở trường luật thuộc Đại học Boston (Mỹ), sự phổ biến của máy ATM giúp diện tích của các chi nhánh ngân hàng được thu nhỏ hơn và vì thế chi phí thuê mặt bằng cũng rẻ hơn. Nhờ vậy, các ngân hàng mở thêm nhiều chi nhánh hơn và rốt cục sẽ sử dụng nhiều nhân viên giao dịch hơn.

Kể từ khi máy rút tiền tự động (ATM) xuất hiện vào thập niên 1970, số nhân viên giao dịch tại các ngân hàng ở Mỹ đã tăng gấp đôi, Bessen nói. Ông kết luận việc làm và tự động hóa thường phát triển song hành với nhau.

Theo tiến sĩ David Autor ở Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), máy móc thực sự đang dần thay thế vai trò của con người, chẳng hạn trong lĩnh vực nông nghiệp và sản xuất. Tuy nhiên, ông cho rằng thực tế này sẽ không xảy ra trên tổng thể nền kinh tế.

Máy móc và con người bổ sung cho nhau

Hiển nhiên, trong quá trình tự động hóa, một bộ phận lớn người lao động sẽ bị mất việc. Vào năm 1900, 40% lực lượng lao động ở Mỹ làm việc trong ngành nông nghiệp. Ngày nay, con số này đã giảm xuống mạnh chỉ còn 2%. Lao động trong ngành sản xuất ở một số nước công nghiệp cũng đã giảm trong những thập niên gần đây khi máy móc dần thay thế vai trò của công nhân ở những công việc đơn giản. Tuy nhiên, tình hình an sinh xã hội tổng thể ở các nước này vẫn tiến triển.

Công nghệ đã và đang làm thay đổi chất lượng cũng như số lượng việc làm. Năm ngoái, Ian Stewart, nhà kinh tế trưởng ở Công ty Kiểm toán Deloitte (Anh) cùng một tác giả khác công bố một báo cáo nghiên cứu dựa vào dữ liệu điều tra dân số từ cuối thế kỷ 17 để đánh giá bản chất nghề nghiệp thay đổi như thế nào ở Anh, cái nôi của cuộc cách mạng công nghiệp.

Các tác giả nhận thấy từ đó cho đến nay số lượng công việc lương thấp lẫn lương cao đều tăng mạnh ở Anh. Chẳng hạn, thợ cắt tóc và nhân viên pha chế xuất hiện ngày càng nhiều. Bên cạnh đó, các công việc lương cao và mang tính chuyên môn như kế toán và y tá cũng tăng lên rõ rệt, phản ánh cấu trúc ngày càng đa dạng của nền kinh tế hiện đại.

Stewart cho biết điều nghịch lý là nhiều lĩnh vực thay đổi mạnh nhất nhờ công nghệ như ngành y và ngành tư vấn quản lý, lại tạo ra mức tăng trưởng việc làm lớn nhất. Stewart nói: “Những gì chúng ta đã chứng kiến là máy móc và con người đang bổ sung rất tốt cho nhau”.

Tái đào tạo để chuyển nghề

Tiến sĩ Autor ghi nhận kỷ nguyên sử dụng lao động hàng loạt trong ngành sản xuất vào thập niên 1960 và 1970 đã tạo ra nhiều việc làm tốt. Tuy nhiên, ông cho rằng kỷ nguyên này đang dần lùi xa.

Nhiều học giả, chuyên  gia công nghệ và kinh tế nhận định sự xuất hiện của robot kết hợp với trí tuệ nhân tạo sẽ khiến nhiều người mất việc vĩnh viễn.

Song, cây bút bình luận Christopher Mims của The Wall Street Journal đánh giá các tiến bộ gần đây về trí tuệ nhân tạo phần lớn chỉ áp dụng trong các lĩnh vực hẹp chẳng hạn như nhận diện hình ảnh và xử lý giọng nói.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Bessen cho rằng vấn đề không phải ở chỗ nguy cơ mất việc hàng loạt mà ở nỗ lực đào tạo chuyển nghề cho những người bị mất việc do tự động hóa.

Ông cung cấp một ví dụ lịch sử cho thấy tự động hóa đã tạo ra động lực đào tạo chuyển nghề cho thế hệ lao động tương lai: vào gần cuối thế kỷ 19, người dân ở các bang có nền kinh tế dựa vào nông nghiệp của Mỹ đối mặt với nguy cơ mất việc hàng loạt khi các nông trại tăng cường sử dụng xe cơ giới. Để đối phó, chính quyền các bang này đã tạo ra “phong trào trung học”, trong đó, bắt buộc trẻ phải đi học ít nhất là đến độ tuổi 16.

Phong trào này rất tốn kém vì các bang phải bỏ ra nhiều chi phí để xây dựng trường học mới và tuyển dụng thêm giáo viên. Tuy nhiên, nhờ vậy, Mỹ đã chuẩn bị được một lực lượng lao động có đủ năng lực để làm việc ở các nhà máy trong thế kỷ 20.

Một số nước đang dành nhiều nguồn lực hơn Mỹ cho các nỗ lực tái đào tạo những công nhân bị mất việc. Chẳng hạn như Đan Mạch đang phân bổ 4,4% GDP hàng năm hỗ trợ người thất nghiệp, cao gấp 25 lần so với Mỹ. Đan Mạch là một trong những nơi công nhân dễ dàng bị sa thải nhất nhưng phần lớn người mất việc đều tự tin họ có thể tìm việc làm mới. Hơn nữa, trong thời gian tìm việc mới, họ sẽ nhận được khoản trợ cấp hàng tháng lên đến 9/10 mức lương tháng trước đây của họ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối