Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024

Từ kênh Chợ Gạo nghĩ về du lịch đường 14D nối Việt Nam – Lào – Campuchia – Thái Lan

(SGTT) - Mấy hôm đọc báo thấy thành phố Đà Nẵng có trưng cầu ý kiến quy hoạch phát triển khu vực cảng hàng không quốc tế và cảng biển Liên Chiểu, tôi nghĩ ngay đến việc cần thông tuyến đường 14D để có thêm nguồn hàng xuất khẩu từ Thái và Lào qua ngõ này.

Đọc các tài liệu xưa cũ để tìm một mình chứng cho việc đầu tư trước thu lợi sau, thì thấy không một ví dụ nào điển hình hơn kênh Chợ Gạo ở miền Tây cả. Pháp đã cho đào thủ công con kênh này từ năm 1876 khi nhận thấy thấy nhu cầu vận chuyển lương thực và hàng hóa ngược lại từ ĐBSCL lên Sài Gòn là rất lớn. Tuyến kênh dài 28km nối sông Tiền với sông Vàm Cỏ gần 150 năm vẫn hoạt động rất tốt với tần suất chuyên chở hơn 1.500 chuyến xà lan qua lại mỗi ngày, và có thể nói đây là tuyến nội thủy trọng yếu nhất cả nước vậy.

Hai tỉnh Quảng Nam và Sekong đã chính thức khai trương cặp cửa khẩu quốc tế Nam Giang - Dak Tà Ọoc.

Rồi quay lại tìm tài liệu về hai tỉnh Champasak và Sekong của Lào để đọc, rồi tìm thêm thông tin về tỉnh Ubon bên Thái, nơi giáp biên với Pakse đang rất phát triển nhờ các dự án đầu tư tới hàng chục tỉ đô từ Trung Quốc thì được anh Nguyễn Võ Quang - nguyên phụ trách lãnh sự Pakse, cho biết sáng nay hai tỉnh Quảng Nam và Sekong của Lào đã chính thức khai trương cặp cửa khẩu quốc tế Nam Giang - Dak Tà Ọoc rồi.

Vì rằng bây giờ từ Đà Nẵng lên Pakse không phải đi đường vòng ra Đông Hà, lên Lao Bảo, tới ngã ba Sê Nô rồi vòng ngược lui hết 700km cả thảy nữa, mà băng thẳng đường 14D qua Dak Chưng lên Sekong, qua ngã ba Thà Tèng đổ đèo Paksong giữa cao nguyên Bolaven là tới, hết cả các đoạn là 392 km, chỉ xa hơn Đà Nẵng đi Quy Nhơn có chút xíu mà thôi.

Đường 14D không khác gì tuyến Kênh Chợ Gạo nhưng là "kênh Chợ Gạo quốc tế".

Nếu như Tây Nguyên của Việt Nam là vùng nông sản và cây trồng công nghiệp cung cấp đầu vào nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu thì cả một vùng diện tích đất đai tươi tốt cực kỳ rộng lớn bên phía Lào - bao gồm các tỉnh Sekong, Ataupu, Champasak và Saraval - nằm ngay sau lưng Quảng Nam - Đà Nẵng có thể là vùng nguyên liệu động lực cho hai tỉnh thành này phát triển công nghiệp chế biến gỗ và nông sản xuất khẩu hoặc tiêu thụ nội địa.

Còn chưa nói đến, từ Pakse vượt cửa khẩu Vang Tao là đến ngay Ubon Ratchathani, một tỉnh lớn có nền kinh tế đứng thứ năm Thái Lan với dân số tới 1,85 triệu người, hoặc từ Champasak đi Srungtreng của Campuchia rồi lên thành phố du lịch Xiêm Riệp rất gần, nơi nổi tiếng toàn thế giới bởi quần thể đền đài Angkor Wat.

Thành phố Pakse của Lào.

Một bản đồ tứ giác du lịch đang được hình thành với lần lượt các đỉnh là Đà Nẵng - Hội An - Mỹ Sơn; Champasak - Wat Phuo - Siphandone; Ubon - Pha Taem và Siêm Riệp - Angkor Wat nằm trong một chu vi chỉ 700km trên khắp 4 nước Đông Nam Á có lẽ là một trải nghiệm mà bất cứ du khách nào cũng thích thú!

Thật là một cung đường chiến lược với nhu cầu phát triển kinh tế và du lịch cho Đà Nẵng - Quảng Nam và cả Thừa Thiên Huế vậy.

Nguyễn Đình Hoàng Quân

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối