Diệu Thuần -
Mới đây, nhiều người đi đường ngạc nhiên khi đi ngang địa chỉ 548, đường Cộng Hòa (quận Tân Bình, TPHCM) vì thấy tấm bảng đề ''Tủ sữa miễn phí” đặt trước một ngôi nhà.
Xuất phát từ thực tế công việc
Chiếc tủ chứa sữa mẹ của người cho, trữ đông và sẽ tặng cho những người mẹ nào cần nuôi con nhỏ.
Đó là sáng kiến của chị Lê Huyền Trang (28 tuổi), hiện đang làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em tại TPHCM. Theo chị, do công việc cũng như hiện đang nuôi con nhỏ hoàn toàn bằng sữa mẹ nên phần nào hiểu được tâm tư, nhu cầu của những bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ. “Ai cũng hiểu rằng, nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ rất tốt. Nó không chỉ giúp con phát triển mà giúp bé có chất đề kháng. Người mẹ nhiều sữa đã đành, còn có những người không có sữa là một vấn đề rất nan giải'', chị nói.
Chị Trang cho biết, trong quá trình làm việc, tiếp xúc với nhiều trường hợp, chị thấy nhiều người mẹ không có sữa cho con bú do đang bị bệnh hiểm nghèo nên việc nuôi con bằng sữa mẹ với họ thật khó khăn. Để con có đủ năng lượng tiếp tục phát triển, họ phải cho con uống sữa công thức. Thế nhưng, với những người bị bệnh, viện phí đã là vấn đề quá lớn nên việc mua sữa công thức cho con cũng là một vấn đề. “Có những người mẹ bị ung thư, viêm gan hay một căn bệnh quái ác nào đấy thì sữa kia con nào dùng được. Có trẻ lại bị dị ứng với sữa công thức nên mẹ chẳng biết nhờ đâu”, chị nói.
Cũng theo chị Trang, có những người mẹ tuyệt vời, trời cho dòng sữa dồi dào nên con họ dùng mãi mà không hết, phải vắt trữ đông. Có người một ngày vắt và trữ được cả lít, trữ mãi mà không dùng đến nên sữa lại hư đi. Thấy người lại cần tìm không ra người lại có mà không dùng, chị Trang vận động được kinh phí từ Công ty TNHH Thương mại dịch vụ thế giới Mẹ và Bé (TPHCM) để mở tủ sữa với mong muốn được làm nhịp cầu nối giữa người cần và người tặng sữa.
Nguồn sữa được cho là của những người mẹ có sữa dồi dào, không bị bệnh, đảm bảo chất lượng. Khi con của những người này không dùng hết, họ vắt trữ đông rồi gọi cho chị Trang đến lấy, mang về trữ hoặc mang đi cho người cần. “Bên công ty mình làm dịch vụ này bằng tư cách cá nhân mỗi người. Khi nhân viên đi chăm sóc bé, thấy gia đình nào có hoàn cảnh khó khăn thì mang sữa đến giúp”, chị cho biết.
Tất cả đang là thiện nguyện
Tấm bảng treo ngoài mặt đường để người đi đường nhìn thấy “tủ sữa mẹ miễn phí”.
Chị Trang cho biết, sau khi mở tủ sữa được một ngày, đã có một người mẹ ở quận 2 có lời muốn gửi đến cho 7 túi sữa đã trữ đông. Chị cho người đến lấy mang về để trong tủ trữ. “Người cho là một mẹ có sữa đặc. Em bé bú sữa mẹ hoàn toàn nhưng không hết sữa. Chị ấy vắt để vào túi dành riêng cho túi đựng sữa. Lúc đầu, chị ấy không biết làm sao cho đi các túi sữa. Biết bên Trang mở tủ sữa miễn phí, chị ấy gọi điện để cho. Chị ấy còn nhiệt tình cho luôn một bình sữa để tiện cho bé bú”, chị Trang kể.
Không chỉ thế, khi chia sẻ thông tin về tủ sữa trên Facebook cá nhân, chương trình này cũng nhận được nhiều sự ủng hộ. Có nhiều người mẹ còn đặt câu hỏi làm sao để cho đi phần sữa đang dư của mình. Lại có trường hợp người cho sữa ở quá xa so với Sài Gòn nên mong muốn chương trình đặt tủ sữa ở khu vực mình đang sinh sống để cho sữa.
Các mẹ cho sữa thì phải bảo quản sữa đúng cách, khi mang đi cho thì nên bỏ vào đá lạnh để trên đường vận chuyển sữa không tan. Nếu các mẹ không có điều kiện, bên Trang sẽ đi lấy. “Hiện Trang đã có mấy thúng lạnh mini để đi vận chuyển sữa rồi”. Mẹ nào cần cho và nhận sữa thì gọi cho bên Trang.
Trao đổi cùng chúng tôi, một bác sĩ đang công tác tại một bệnh viện phụ sản lớn ở TPHCM cho biết, tủ sữa miễn phí là một việc làm rất tốt và rất ý nghĩa. Nó không chĩ ý nghĩa cho các mẹ ít sữa mà còn cho các mẹ nhiều sữa tìm được nơi cho-nhận sữa tin cậy. Tại Thụy Sĩ có ngân hàng sữa mẹ để cung cấp sữa cho những người không đủ sữa hoặc không đủ điều kiện nuôi con bằng sữa mẹ. Họ nhận sữa của người cho và xét nghiệm để đảm bảo người hiến không mắc các bệnh truyền nhiễm. Sau đó, họ đưa sữa vào tiệt trùng, đóng gói, bảo quản trong điều kiện nghiêm ngặt. “Còn tại Việt Nam, các bà mẹ từ vắt sữa bỏ vào tủ lại đựng đồ ăn, rồi đem cho nhau nên tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ không an toàn cho sức khỏe của trẻ. Vì thế, khi nhận sữa của người cho thì nên tìm hiểu kỹ sức khỏe, nguồn sữa, điều kiện bảo quản”, vị này nói.