Hoàng Nhung
Khi có căn nhà mới, anh Quang Thông (nhà ở quận Phú Nhuận, TPHCM) đã ra cửa hàng nội thất mua một tủ thuốc gia đình bằng gỗ tốt, thiết kế làm ba tầng với nhiều ngăn khác nhau. Anh cho biết trước đây vợ anh thường bỏ chung tất cả các loại thuốc vào một ngăn tủ, vừa không đẹp mắt vừa dễ “gây họa” vì nhầm thuốc nếu không để ý.
Nhỏ nhưng cần thiết
Theo anh Thông, tủ thuốc nhiều ngăn để sắp xếp thuốc của người lớn ở một tầng riêng, trẻ em ở tầng riêng, mỗi người một ngăn. Với em bé, các loại thuốc phải được dán nhãn, ghi chú ở ngoài về hạn dùng và chỉ định, phải để riêng một tầng. Ngăn tủ thuốc bổ, thực phẩm chức năng phải được đặt ở một tầng riêng. Và đặc biệt, tủ thuốc phải được treo cao hơn tầm với của trẻ nhỏ. “Mình muốn mua tủ thuốc này lâu rồi nhưng đợi làm xong nhà thì sắm luôn, vừa tiện dụng vừa phù hợp không gian thiết kế của nhà mới”, anh Thông nói.
Không chỉ riêng anh Thông, nhiều gia đình hiện nay cũng nhìn thấy được những tiện ích và tầm quan trọng của tủ thuốc nên bỏ vài trăm ngàn đồng để mua một cái tủ xinh xắn. Gia đình có điều kiện còn bỏ ra cả tiền triệu mua tủ thuốc được thiết kế phù hợp với không gian của ngôi nhà. Thực tế tại các cửa hàng bán đồ nội thất về dụng cụ y tế và các đơn vị sản xuất, nhu cầu mua sắm tủ thuốc hiện nay đang gia tăng. Nhiều khách hàng ngày càng khó tính khi lựa chọn tủ phù hợp với công năng và tính thẩm mỹ trong ngôi nhà của mình. Bà Lê Thị Diệu, đại diện Công ty TNHH Chấn Thái Sơn (TPHCM) chuyên sản xuất các loại tủ thuốc gia đình, trường học và các cơ sở y tế cho biết, hiện nay người tiêu dùng rất quan tâm đến mẫu mã và kiểu dáng của sản phẩm tủ thuốc y tế. Theo bà Diệu, đa số khách hàng đến mua mẫu sản phẩm có sẵn của công ty, trừ một số gia đình có điều kiện, khó tính đặt công ty thiết kế theo mẫu mã phù hợp với diện tích và không gian của ngôi nhà. Trường hợp của các tổ chức thì thường phục vụ cho nhu cầu lớn hơn như dùng cho trường học, nhà thuốc tây, nhà thuốc trong bệnh viện…
Tủ thuốc trên thị trường hiện nay có giá bán từ 180.000 đồng đến hơn 1,5 triệu đồng, tùy theo chất liệu và kích cỡ của sản phẩm. Có thể kể đến tủ thuốc gia đình hai cửa làm bằng gỗ, được bán với giá 275.000 đồng. Tủ nhựa loại nhỏ nhãn hiệu Tomi Duy Tân (215.000 đồng), tủ thuốc inox Chấn Thái Sơn (285.000 đồng), tủ thuốc gỗ Kim Thành (1.509.000 đồng), tủ nhôm treo loại thường (khoảng 400.000 đồng)… Cũng theo bà Diệu, tủ thuốc gia đình được thiết kế nhiều ngăn để người tiêu dùng sắp xếp thuốc và các thiết bị y tế một cách khoa học hơn, tiện dụng hơn. Như tủ Chấn Thái Sơn có thiết kế bốn ngăn, trong đó ngăn trên cùng và ngăn giữa dùng để những lọ thuốc nhỏ dạng viên, ngăn bên phải dùng để những lọ thuốc dạng dung dịch, ngăn dưới cùng phù hợp cho để bông băng cá nhân…
Hướng dẫn sử dụng từ bác sĩ
Theo phó giáo sư, dược sĩ Nguyễn Hữu Đức, trường Đại học Y dược TPHCM, tủ thuốc gia đình nên chia làm nhiều ngăn khác nhau. Nếu trong gia đình có trẻ dưới năm tuổi, tủ thuốc cần có một ngăn riêng dành cho trẻ. Cụ thể, theo ông Đức, vì trẻ ở độ tuổi này hay bị sốt nên tủ thuốc cần có nhiệt kế và một số loại thuốc giảm đau, hạ sốt cũng như thuốc trị ho, trị đau bụng… Trong đó, nhiệt kế nên dùng loại điện tử thay cho loại bằng thủy ngân bởi loại nhiệt kế này khi bị vỡ có thể gây nhiều nguy hiểm (cả về vật lý lẫn hóa học). Tiếp theo, một ngăn khác cũng để riêng các dụng cụ y tế cho trẻ như rơ lưỡi, dụng cụ hút mũi, bông, băng, cồn, gạc, thuốc sát trùng, nước ô xy già, cồn 70 độ, thuốc mỡ trị phỏng, kéo, kẹp, băng buộc, băng cá nhân, dầu gió, nước muối sinh lý để nhỏ mũi, nhỏ mắt…
Với gia đình có người thường xuyên chơi thể thao cần có thêm túi chườm, kem thoa giảm đau, phòng khi bị chấn thương, đau khớp. Gia đình có người lớn tuổi cần trang bị thêm máy thử đường huyết, máy đo huyết áp... Các loại thuốc đường tiêu hóa (tiêu chảy, táo bón, đầy hơi, khó tiêu), than hoạt tính…
Trên cánh cửa tủ thuốc nên ghi rõ danh mục các loại thuốc và đồ dùng y tế có trong tủ để dễ kiểm soát. Nếu thuốc có bao bì, nên giữ trong bao bì kể cả bảng hướng dẫn sử dụng. Tất cả các loại viên rời đều phải đựng trong chai, lọ sạch có nắp đậy và các chai lọ này đều phải dán nhãn ghi rõ tên thuốc.
Theo tư vấn từ các đơn vị bán hàng cũng như ý kiến của bác sĩ, tủ thuốc nên treo lên tường, chỗ khô ráo, không bị ánh nắng chiếu vào. Phần lớn các trường hợp ngộ độc thuốc xảy ra là do bất cẩn trong việc tồn trữ, sử dụng thuốc tại gia đình. Những sự cố này có thể tránh được nếu cất giữ thuốc tốt, không để trẻ con lấy được và khiến người lớn nhầm lẫn. Chính vì vậy, tủ thuốc cần đặt ở vị trí trẻ không với tới được, hoặc nếu trẻ có khả năng với tới thì tủ phải có khóa với chìa khóa được cất ở nơi chỉ riêng những người lớn trong gia đình biết. Việc này rất quan trọng vì trẻ em thường tò mò, có thể tìm và nếm thử thuốc dẫn đến gây ngộ độc rất nguy hiểm.
Tủ thuốc phải gọn gàng, ngăn nắp và luôn được kiểm soát. Mỗi thành viên trong gia đình có thể để thuốc ở những nơi khác để tiện việc uống thuốc, nhưng sau khi lấy xong phải cất đúng chỗ, thu về một mối và kiểm tra. Thường xuyên lau sạch tủ thuốc, những cặn bẩn dây rớt ra khi sử dụng. Với những thuốc đã hết hạn hoặc lâu không sử dụng cần phải loại bỏ ngay.