Thứ hai, Tháng mười hai 2, 2024

Tuổi trung niên với hội chứng cấn dưới mỏm cùng vai

Vào những lúc đổi mùa từ nóng sang lạnh hay từ mùa khô sang mùa mưa, tự nhiên bạn cảm thấy đau vùng vai gáy, đưa tay làm những động tác khó như gãi lưng, cài áo ngực… và cảm thấy đau nhói vùng vai. Nhiều người bước vào tuổi trung niên liên tưởng ngay đến thoái hóa cột sống cổ nhưng nhiều khi lại không liên quan gì nhau cả.

Không báo trước gì cả, cử động khớp vai sau một đêm bỗng không còn “mượt mà” như hôm trước, cảm giác đau mơ hồ ở vùng vai mà trước đó không bị té ngã hay chấn thương gì ở vùng vai. Một số người nói bị đau vai khi đưa tay ra sau gãi lưng hay cài móc áo ngực hay thấy đau buốt vai khi ném vật gì đó hoặc nâng khớp vai một cách đột ngột. Vài người khác thi thoảng thấy đau khớp vai về đêm khi nằm đè lên vùng vai này, đưa tay ra trước mặt thấy đau nhưng dong thẳng tay lên đầu lại hết đau.

Khoảng cách thu hẹp không phải lúc nào cũng tốt!

Những triệu chứng nói ở trên có liên quan đến hội chứng cấn giữa gân và xương ở vùng mỏm cùng vai. Về cấu trúc, khoang dưới mỏm cùng vai có phần mái là mỏm cùng - phần xương tạo nên hình dạng bờ vai - và phần sàn là chỏm xương cánh tay. Trong khoang này còn có nhóm gân trên gai và dưới gai chạy qua. Bình thường cơ thể sẽ có một túi dịch nằm giữa gân chóp xoay (trên gai và dưới gai và mỏm cùng vai) để các gân này trượt một cách nhẹ nhàng dưới mỏm cùng vai, giúp cử động khớp vai trơn tru. Khoảng cách từ chỏm xương cánh tay đến mỏm cùng vai trung bình khoảng 8-10 mi-li-mét. Vì một lý do nào đó khoảng cách này bị hẹp lại, khi đó gân chóp xoay sẽ bị cấn vào mỏm cùng gây nên hội chứng cấn giữa gân và xương hay hội chứng cấn dưới mỏm cùng vai. Vậy mới nói thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, khoảng cách lạc hậu - tiến bộ… là tốt nhưng không phải lúc nào chuyện thu hẹp cũng có ích.

Nguyên nhân của hội chứng cấn dưới mỏm cùng vai có thể là do:

  • Mỏm cùng hình móc.
  • Xơ hóa túi nhớt dưới mỏm cùng.
  • Thoái hóa gân chóp xoay làm giảm khả năng đè chỏm xương cánh tay xuống dưới.

Có nhiều phương pháp điều trị nhưng căn bản vẫn là điều trị nội khoa và tập vật lý trị liệu hạ vai, căng gân cơ chóp xoay. Có một vài các biện pháp hỗ trợ điều trị khác, như tiêm huyết tương giàu tiểu cầu vào khoang dưới mỏm cùng hoặc tiêm dịch khớp nhân tạo, sóng xung kích đánh vào điểm bám gân. Phẫu thuật là phương pháp cuối cùng khi tất cả các biện pháp trên đều thất bại.

Điều trị kết hợp vật lý trị liệu

Thông thường khi điều trị nội khoa, các bác sĩ sẽ cho bệnh nhân dùng các loại thuốc kháng viêm giảm đau không có corticoide hoặc có corticoide, giãn cơ… hoặc có thể thêm thuốc giảm đau đơn thuần nhằm giảm đau tốt hơn cho bệnh nhân. Tuy nhiên, tập vật lý trị liệu là hết sức quan trọng vì nó giúp nới rộng khoảng cách khoang dưới mỏm cùng rộng như cách chúng ta nâng trần nhà cao lên để tránh đụng đầu cho người ở trong nhà.

Theo đó, các bài tập hạ vai giúp làm tăng khoảng cách khoang dưới mỏm cùng và làm giảm cấn gân chóp xoay. Các bài tập căng gân sẽ giúp giảm hiện tượng viêm và thoái hóa gân chóp xoay. Có nhiều bệnh nhân khi bị hội chứng cấn dưới mỏm cùng vai cố gắng tập kéo ròng rọc nghĩa là tập giơ tay lên xuống nhằm vượt qua cơn đau nhưng điều này sẽ làm gân chóp xoay bị cấn vào xương mỏm cùng và có nguy cơ làm rách gân.

Tiêm vào khoang dưới mỏm cùng vai cũng là một trong những phương pháp điều trị hiện hành. Nhưng đây là một thủ thuật đòi hỏi sự vô trùng và phải do chính bác sĩ có chứng chỉ về tiêm gân, tiêm khớp thực hiện. Các dung dịch có thể tiêm vào khoang dưới mỏm cùng để điều trị hội chứng cấn dưới mỏm cùng bao gồm thuốc corticoide dạng tiêm, huyết tương giàu tiểu cầu và dung dịch dịch khớp nhân tạo.

Huyết tương giàu tiểu cầu của chính người bệnh có được bằng cách lấy máu (thường là từ 10-30 mi-li-lít) sau đó đem ly tâm trong máy chuyên dụng. Dung dịch này có nhiều chất kích thích tăng trưởng làm tăng sinh gân chóp xoay, giảm thoái hóa gân và giảm đau cho bệnh nhân. Liệu trình làm sẽ phụ thuộc vào bộ kít của từng nhà nghiên cứu.

Chúng ta cần thực hiện đúng các tư thế của bài tập vì có rất nhiều người tập gym bị sai tư thế khi nâng tạ có thể gây đau vùng vai.

Một vài nghiên cứu cho thấy khi tiêm dịch khớp nhân tạo vào khoang dưới mỏm cùng vai sẽ làm trơn cử động gân chóp xoay dưới mỏm cùng, làm giảm hiện tượng viêm trong gân và làm tăng sinh gân chóp xoay.

Một câu hỏi mà các bệnh nhân hay thắc mắc là có nên trộn corticoide vào huyết tương giàu tiểu cầu hoặc dịch khớp nhân tạo để tiêm một lần hay không? Câu trả lời là không nên vì chúng ta vẫn chưa biết có phản ứng gì khi trộn hai thứ vào với nhau hay không. Tuy nhiên chúng ta hoàn toàn có thể tiêm corticoide trước và tiêm huyết tương giàu tiểu cầu hoặc dịch khớp nhân tạo sau đó.

Trước đây khi chưa thịnh hành phương pháp nội soi, những bệnh nhân bị hội chứng cấn dưới mỏm cùng sẽ được mổ mở khi điều trị nội khoa thất bại. Nội soi khớp vai có nhiều ưu điểm, như cho phép các bác sĩ kiểm tra các tổn thương đi kèm trong khớp vai và khoang dưới mỏm cùng để xử lý luôn cùng một lúc, ít xâm lấn nên ít đau hơn mổ mở, thời gian nằm viện ngắn (có thể chỉ nằm bệnh viện một ngày), thời gian hồi phục mau hơn nhờ ít đau và ít tàn phá mô mềm so với mổ mở. Tuy nhiên, kỹ thuật này đòi hỏi các bác sĩ phải được đào tạo tốt.

Để tránh hội chứng cấn dưới mỏm cùng vai

Bệnh hay xảy ra vào tuổi trung niên vì ở tuổi này gân chóp xoay bị thóai hóa, bao hoạt dịch dưới mỏm cùng vai cũng bị xơ hóa nên sự cử động của gân chóp xoay dưới mỏm cùng sẽ không còn được trơn tru như khi ta còn trẻ.

Tập vận động khớp vai sẽ giúp tăng cường sức cơ chóp xoay để nhóm cơ này có thể “đè” được chỏm xương cánh tay xuống. Các bài tập cho gân cơ vùng vai nên được thực hiện từ nhẹ tới nặng, tránh trường hợp tập các động tác quá mạnh và quá nhanh. Chúng ta cần thực hiện đúng các tư thế của bài tập vì có rất nhiều người tập gym bị sai tư thế khi nâng tạ có thể gây đau vùng vai.

Các động tác khó của khớp vai như với tay lấy đồ vật hoặc đưa tay ra sau lưng cần được làm một cách cẩn thận và nhẹ nhàng. Khi tập thể dục nhất là tập thể hình, các động tác đẩy tạ ở tư thế khó nên bắt đầu bằng tạ nhẹ và tập nhiều lần hơn là tạ quá nặng. Nếu có thể hãy tập bài hạ vai với quả tạ mỗi ngày.

Một số động tác hoạt động của khớp vai hàng ngày có thể gây đau như làm việc tư thế tay giang hơn 30 độ, nhất là các bạn làm việc với máy tính, cần kê bàn phím lên cao để chúng ta có thể làm việc với tư thế cánh tay khép và xuôi theo thân mình. Tránh nằm nghiêng quá lâu trên một bên vai khi ngủ, nên có gối kê vùng vai để tránh bị cấn.

Một số bệnh nhân khi mới bị hội chứng cấn khoang dưới mỏm cùng đã tự tập bài tập kéo ròng rọc nhưng kết quả là càng tập càng đau nặng hơn. Bài tập này chỉ nên được thực hiện khi bác sĩ điều trị chỉ định tập.

Tóm lại, một khi cử động khớp vai ở tư thế nào đó chúng ta thấy nhói đau là chứng tỏ khớp vai có vấn đề, các bạn nên đi khám để bác sĩ xem nguyên nhân là gì để có phương án trị liệu và luyện tập. Việc phát hiện sớm nguyên nhân chèn ép dưới mỏm cùng và trị liệu sớm sẽ tránh cho chúng ta bị nặng hơn và đôi khi phải phẫu thuật.

BS Tăng Hà Nam Anh

Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, TPHCM

Theo KTSG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối