Thứ bảy, Tháng mười một 30, 2024

Tương lai xanh của ngành mỹ phẩm

(SGTT) - Ngành hóa mỹ phẩm của thế giới đang cố gắng tìm đến những cách làm độc đáo để thay thế các loại bao bì, vỏ chai, hộp dùng chất liệu nhựa.

Loại bao bì kim loại dùng lại nhiều lần bằng cách chỉ thay khay nhựa sinh học của hãng Kjaer Weiss.

Vỏ hộp hay bao bì nhựa gắn chặt với sự phát triển của kỹ nghệ mỹ phẩm và sản phẩm chăm sóc cá nhân, từ dầu gội đến kem dưỡng da và chất khử mùi. Ngành hóa mỹ phẩm vốn là ngành công nghiệp khổng lồ, trị giá đến 500 tỉ đô la Mỹ mỗi năm. Riêng tại Mỹ, số tiền chi ra cho việc sản xuất vỏ đựng bằng nhựa đã là 25 tỉ đô la. Điều gây đau đầu cho các nhà hoạt động môi trường là phần lớn số vỏ đựng bằng nhựa này không thể tái chế được. Có thể nói, nhựa đang được gắn chặt vào chuỗi cung ứng hóa mỹ phẩm đến mức mà những cố gắng hạn chế sử dụng chúng chắc chắn sẽ là một quá trình gian khổ.

Nỗ lực sáng tạo để thay đổi

Trước khi mà tác hại của nhựa thải vượt quá tầm kiểm soát, ngành mỹ phẩm cần phải thay đổi nếu không muốn hứng chịu những phản ứng tiêu cực từ xã hội, đặc biệt là từ người tiêu dùng. Sự thay đổi này bắt đầu từ việc thay thế bao bì, và bằng việc thay thế công thức sản phẩm từ lỏng sang đặc cùng dây chuyền cung ứng tương ứng.

Nhiều loại hình bao bì sản phẩm mỹ phẩm mới đang xuất hiện. Những thương hiệu quen thuộc vẫn giữ đường nét bao bì cũ, nhưng chất liệu bao bì nay đã khác. Các tập đoàn lớn như Unilever hay L’Oreal cho biết họ đang nỗ lực hoàn tất việc thay đổi bao bì cho những sản phẩm truyền thống. L’Oreal đặt mục tiêu làm cho 100% bao bì của họ có thể tái sử dụng hoặc có thể tự phân hủy vào năm 2025 và sản xuất 50% bao bì từ vật liệu tái chế. Tập đoàn này cũng thông báo họ đã tăng tỷ lệ nhựa tái chế trong bao bì tổng thể của họ lên 19% vào năm 2018 so với năm 2017.

Ngành hóa mỹ phẩm đã quá lệ thuộc vào nhựa kể từ giữa thế kỷ 20. Nay, để giảm bớt dấu ấn nhựa, các công ty buộc phải tìm đến những cách làm mới sáng tạo hơn. Lush Cosmetics làm ra những “bath bomb” (những quả bom trong bồn tắm), là những viên xà phòng tắm dạng rắn, có thể hòa tan nhanh chóng và sinh bọt tắm trong nước. Các công ty khác cũng phát triển các sản phẩm dạng rắn hoặc dạng bột để có thể sử dụng trong những chai lọ bằng thủy tinh, có thể dùng đi dùng lại nhiều lần.

Lush Cosmetics, công ty chăm sóc và làm đẹp cá nhân có trụ sở tại Vương quốc Anh, cũng mang đến những ý tưởng sáng tạo trong việc làm dầu gội đầu. Dầu gội có thành phần chủ yếu là nước, dạng lỏng hoặc sệt, do vậy cần được chứa trong một chai nhựa dùng một lần. Để không phải sử dụng chai nhựa, điều cần làm đầu tiên là phải loại bỏ nước trong dầu gội.

Cuối cùng, công ty đã đưa ra một công thức có chứa hầu hết các thành phần chính của dầu gội truyền thống, nhưng có thể sản xuất được dưới dạng rắn. Lush Cosmetics đã thành công trong việc làm ra những “thanh” dầu gội đầu. “Ban đầu, mọi người không hiểu cách sử dụng nó hay ngay cả chuyện thực sự nó là cái gì”, Giám đốc truyền thông của công ty, Brandi Halls, cho biết, “Nhưng rồi nhiều người cảm thấy rất hào hứng với ý tưởng sản phẩm của chúng tôi”.

Chiều hướng tích cực đáng khích lệ

Cùng với sự phổ biến của bao bì nhựa, những dòng sản phẩm dạng lỏng và gel là dạng mỹ phẩm dễ bắt gặp nhất. Nhưng nay, với chiều hướng hạn chế và cấm đoán sử dụng bao bì nhựa, ngày càng nhiều công ty suy nghĩ lại về cách thức chế tạo ra mỹ phẩm. Rhoda Trimingham, chuyên gia về thiết kế bền vững tại trường Đại học Loughborough (Anh), hy vọng đây sẽ là xu hướng chủ đạo trong ngành hóa mỹ phẩm thời gian tới. Cô nhấn mạnh: “Có rất nhiều sản phẩm, như dầu gội, dầu xả và kem dưỡng ẩm, có đến 90 hoặc 95% thành phần là nước. Cho nên, hệ thống phân phối sản phẩm thực ra chỉ giúp chuyển hàng triệu tấn nước đi khắp nơi. Việc này là lãng phí tài nguyên và năng lượng”.

Kjaer Weiss, một thương hiệu trang điểm của Đan Mạch, đã dành nhiều năm phát triển loại vỏ sản phẩm bàng kim loại sang trọng, có thể dùng lại nhiều lần. Mỹ phẩm được chứa trong các khay nạp bên trong có thể thay thế được, làm bằng nhựa phân hủy sinh học. Thương hiệu này hy vọng loại vỏ kim loại đẹp mắt này sẽ giúp thay đổi tâm lý “dùng xong vứt bỏ” của người tiêu dùng. Những điều chỉnh kiểu này cũng diễn ra đồng thời với nhận thức ngày càng nâng cao của người tiêu dùng và chính phủ về một cuộc khủng hoảng nhựa. Những lệnh cấm dùng nhựa sử dụng một lần cũng bắt đầu được nhiều nước áp dụng. Adam Gendell, Phó giám đốc Liên minh bao bì bền vững nói “Các thương hiệu trong việc đều nhất trí rằng nếu họ không cùng nhau khắc phục tình trạng rác thải nhựa, xã hội sẽ quay lưng lại với sản phẩm của họ”.

Hoàng Xuân Phương

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối