Thứ ba, Tháng mười hai 3, 2024

Tưởng rằng đã yên

NHƯ QUỲNH -

Niềm tin của người mua nhà lại một lần nữa bị thử thách khi thị trường bất động sản, cụ thể là phân khúc căn hộ, vừa có thêm hai dự án nữa vướng vào những rắc rối mà phần thiệt thòi đang hướng về những người từng được gọi là “thượng đế”.

Có lẽ sẽ chẳng có ai bỏ tiền tỉ ra mua nhà để rồi một ngày nào đó lại phải hoang mang trước thông tin bị đuổi ra khỏi chính căn nhà mình đã mua. Thế nhưng, điều đó đang diễn ra đối với hàng trăm cư dân tại hai dự án ở quận Tân Bình, TPHCM gây xôn xao mấy ngày qua.

Vụ thứ nhất là chung cư The Harmona, dự án đã hoàn thành với 580 căn hộ. Hai năm qua, nhiều người mua đã dọn vào ở và đang chờ chủ đầu tư làm giấy chủ quyền nhà. Đùng một cái, cư dân nhận được thông tin ngân hàng siết nợ và họ có nguy cơ bị đuổi ra khỏi nhà. Đây là câu chuyện giữa chủ đầu tư và ngân hàng trong vấn đề quan hệ tín dụng. Cụ thể, chủ đầu tư thế chấp “sổ đỏ” tại ngân hàng để lấy tiền làm dự án, nay chưa trả hết các khoản nợ nên ngân hàng siết nợ. Người mua nhà bỗng trở thành nạn nhân, bị lôi vào vòng rắc rối nợ nần mà họ không vay.

Trong lúc vụ việc trên chưa kịp lắng xuống thì vụ thứ hai lại nổ ra, cụ thể là dự án Bảy Hiền Tower nằm cách đó không xa. Và một lần nữa, người mua nhà lại là nạn nhân của những sai phạm mà họ không gây ra. Theo báo cáo của Sở Xây dựng TPHCM, công trình này chưa hoàn thành hệ thống điện, nước, phòng cháy chữa cháy, hệ thống thang máy và thang bộ cũng chưa hoàn chỉnh. Việc đưa cư dân vào sinh sống sẽ có nguy cơ cao về cháy, nổ và tai nạn. Thế nhưng, chủ đầu tư đã bàn giao căn hộ cho khách hàng. Một số người đã dọn vào ở, song đang có nguy cơ phải dọn ra, ít nhất cho đến khi chủ đầu tư khắc phục những sai phạm.

Thực ra, hai vụ việc trên không mới, chỉ nối dài thêm những rắc rối đã từng diễn ra trong lĩnh vực bất động sản. Có lẽ ít có sản phẩm nào được bán khi nó chưa hoàn thành. Luật pháp hiện hành cho phép chủ đầu tư bán căn hộ hình thành trong tương lai khi dự án mới chỉ có cái móng, nghĩa là cả người bán và người mua đều chưa thấy sản phẩm.

Thực tế cho thấy, người mua nhà luôn đối mặt với những rủi ro tiềm ẩn, từ mối lo chủ đầu tư chiếm dụng vốn, chây ỳ không thực hiện dự án, bàn giao nhà không đúng tiến độ, chất lượng công trình kém, đến vấn đề đáng ngại nhất là pháp lý dự án. Ngay cả khi nhận được nhà, đã dọn vào ở, tưởng rằng đã yên ổn nhưng rắc rối vẫn tìm đến người mua.

Giới luật sư khuyên người mua nhà trước khi ký hợp đồng nên kiểm tra giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng của dự án, đồng thời thỏa thuận rõ về thời điểm căn hộ được cấp giấy chủ quyền. Song, với quan hệ mua bán dựa trên niềm tin, khó có thể nói trước được điều gì.

Bài trước
Bài tiếp theo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối