Thứ tư, Tháng mười hai 11, 2024

Tuyến buýt đường sông vẫn còn bất cập

Lê Anh -

Sau một tháng khai trương, tuyến buýt đường sông đầu tiên của TPHCM đang lộ ra những bất cập cần giải quyết. Số lượng tàu ít, cách phân bổ thời gian quay vòng tàu chưa hợp lý khiến hành khách phải chờ đợi quá lâu… Điều này khiến nhiều khách chưa hài lòng khi lần đầu trải nghiệm buýt sông.

Đi một lần cho biết

Ngày 25-11, tuyến buýt sông đi vào hoạt động, thu hút khá nhiều hành khách đi trải nghiệm phương tiện vận chuyển mới này. Thế nhưng, sau lần trải nghiệm, nhiều hành khách tỏ ra không hài lòng với cách tàu chạy như hiện nay.

Anh Tài, nhà ở phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TPHCM cho biết vào đầu tháng 12 anh đã đi làm thử bằng buýt sông. Dù đã xem kỹ lịch chạy tàu để ra bến đỡ mất thời gian, nhưng khi ra đến bến anh vẫn phải đợi mất gần 20 phút mới có tàu. Còn lúc về anh phải đợi 30 phút mới có tàu đi. Theo anh Tài, thời gian chờ đợi tàu còn lâu hơn thời gian tàu đi từ đầu bến đến cuối bến. Đây là điều chưa hợp lý.

Tính toán chi li hơn, vị hành khách này cho rằng đi buýt sông tốn nhiều tiền nên không phù hợp cho việc đi làm. Anh Tài nhẩm tính, mỗi lượt đi là 15.000 đồng, một ngày đi-về anh mất 30.000 đồng, nếu đi một tháng (trừ hai ngày nghỉ hàng tuần) thì anh mất 600.000 đồng. Trong khi đi xe máy, tiền đổ xăng chỉ từ 250.000 đến 300.000 đồng/tháng, không phải chờ đợi mà thời gian đi từ Thủ Đức lên quận 1 cũng tương tự như thời gian đi buýt sông.

Sau lần trải nghiệm, nhiều hành khách tỏ ra không hài lòng với cách tàu chạy như hiện nay. Ảnh: Lê Anh

“Tôi chỉ đi trải nghiệm một ngày cho biết, chứ buýt sông này khó dùng làm phương tiện đi làm vì còn nhiều bất cập. Những người đi làm cần đúng giờ, trong khi đó buýt sông lại bắt hành khách chờ đợi quá lâu”, anh Tài phản ánh.

Anh Chiến, ngụ quận Tân Phú, kể hôm 9-12, tranh thủ ngày thứ Bảy anh đưa cả gia đình đi trải nghiệm buýt đường sông. Thế nhưng, khi đến nơi, nhân viên bán vé cho biết đã hết vé đi các chuyến đi buổi sáng và chỉ còn vé chuyến 14 giờ 30. Anh và gia đình thất vọng ra về vì mất cả buổi sáng, từ đó đến nay gia đình anh cũng không quay lại nữa.

Người mua không được vé tỏ ra thất vọng đã đành, người có vé đi tàu cũng thất vọng không kém. Anh Vinh, ngụ quận 12 cho biết, mới đây anh cùng hai người bạn đi chuyến tàu lúc 9 giờ 45 phút ở bến Bạch Đằng. Tuy nhiên, khi đến Thủ Đức, hỏi nhân viên trên tàu thì phải đến 13 giờ chiều mới có chuyến trở lại bến Bạch Đằng. “Cứ tưởng đến đây rồi có tàu về liền ai ngờ phải đợi 3 tiếng đồng hồ, ở đây chẳng biết làm gì. Tôi cũng chỉ đi một lần cho biết chứ đi kiểu chờ đợi lâu như này ai không ai muốn đi”, anh Vinh phàn nàn.

Theo ghi nhận của Sài Gòn Tiếp Thị hôm 22-12, tại bến Bạch Đằng, tàu xuất phát lúc 9 giờ 30 và đến bến Linh Đông, quận Thủ Đức khoảng 10 giờ 15. Tuy nhiên từ bến Linh Đông, khách muốn quay lại bến Bạch Đằng thì phải đợi đến tới 13 giờ chiều mới có chuyến. Tại các điểm đón trả khách, cứ mỗi lần tàu cập bến, thủy thủ đoàn phải lên các điểm đại diện Cảng vụ Đường thủy nội địa để làm thủ tục cập và rời bến nên khá mất thời gian. Vì vậy, thời gian thực tế đi từ quận 1 đến Thủ Đức phải mất từ 45 đến 50 phút thay vì 30 phút như công bố của chủ đầu tư.

Hiện nay, đối tượng hành khách đi tàu chủ yếu là người lớn tuổi và một số khách du lịch chứ không phải là sinh viên hoặc công chức đi làm. Những người đi buýt sông chủ yếu để ngắm cảnh trải nghiệm đường sông.

Nên có vé tháng

Theo thống kê của Công ty TNHH Thường Nhật (chủ đầu tư), kể từ khi đưa vào khai thác cuối tháng 11, trung bình mỗi ngày tuyến buýt sông phục vụ gần 1.000 khách. Công ty này cho biết, lượng khách đi buýt sông trong những ngày qua chủ yếu là người dân đi trải nghiệm một lần cho biết, còn lượng khách đi theo lộ trình tuyến thường xuyên để đi làm thì chưa nhiều.

Ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật, cho rằng việc người dân đi buýt sông chủ yếu đi trải nghiệm là một điều bình thường vì đây là loại hình mới. Sau một thời gian, những người đi thường xuyên sẽ lựa chọn cho lộ trình của mình để thay cho đường bộ.

Về bất cập mà hành khách phản ánh phải chờ hơn 3 tiếng đồng hồ mới có chuyến tàu quay về bến Bạch Đằng, ông Toản cho biết, đây là tuyến buýt chạy theo lộ trình chứ không phục vụ riêng cho một nhóm hành khách chỉ muốn đi đến rồi quay về. Do vậy, khi hành khách đi buýt sông phải tìm hiểu trước lộ trình đi và giờ đi để thuận tiện cho công việc. Hơn nữa, những giờ thấp điểm như buổi trưa thời gian chờ tàu sẽ lâu hơn thời gian cao điểm.

Theo kế hoạch của Công ty TNHH Thường Nhật, tuyến buýt sông số 1 sẽ có 5 tàu, mỗi tàu 75 hành khách. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ đưa vào hoạt động 3 tàu, trong đó có 2 chiếc chạy thường xuyên, 1 chiếc dự phòng. Vì vậy, thời gian quay đầu tàu khá lâu.

Nhiều hành khách từng đi buýt sông cho rằng cần phải khắc phục những bất cập hiện nay thì tuyến buýt sông này mới tồn tại lâu dài. Anh Tài ở quận Thủ Đức cho rằng, để thu hút người dân sử dụng buýt sông đi làm thì nên bán vé tháng với mức giá tương đương vé xe buýt thì người dân mới sử dụng. Nếu giá vé vẫn đắt hơn so với đi xe máy thì rất khó để người đi làm đi buýt sông.

Ngoài ra, cần rút ngắn thời gian quay đầu tàu từ 15 đến 30 phút/chuyến. “Nếu tiếp tục để thời gian chờ tàu 3 giờ như hiện nay thì người dân chỉ đi trải nghiệm một lần rồi thôi” anh Tài phát biểu.

Trước những bất cập và đề xuất của hành khách, ông Nguyễn Kim Toản cho biết sẽ tiếp thu những phản ánh của hành khách để có điều chỉnh phù hợp trong thời gian tới.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối