Thứ năm, Tháng mười một 21, 2024

“Tuyên chiến” với còi xe

Chánh Tài -

Từ lâu, tiếng còi xe inh ỏi trên các đường phố đông đúc, bụi mù mịt ở thủ đô New Delhi, đặc biệt vào những giờ cao điểm, chẳng khác nào cơn ác mộng tra tấn người dân ở nơi đây mỗi ngày. Tiếng còi xe không chỉ gây mệt mỏi, căng thẳng mà còn có nguy ra gây giảm thính lực cho người lưu thông trên đường.

Dong-Ki-Sot-An-Do-2Các tình nguyện viên của Quỹ những người bảo vệ trái đất tham gia một cuộc vận động kêu gọi không bóp còi xe. Ảnh: earthsaviours.in

Ravi Kalra, một nhà hoạt động xã hội 46 tuổi ở New Delhi đã không khoanh tay làm ngơ trước nạn ô nhiễm tiếng ồn này. Năm 2008, ông thành lập Quỹ những người bảo vệ trái đất (Earth Saviours Foundation) với sứ mệnh giúp đỡ những hoàn cảnh kém may mắn và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, quỹ còn phát động chiến dịch “Không bóp còi” nhằm vận động người dân, cảnh sát và chính phủ chung tay giải quyết tình trạng bóp còi xe thiếu ý thức.

“Tôi đã lái xe hơn 28 năm và chưa bao giờ tìm ra lý do để sử dụng còi và cũng chưa bao giờ gặp tai nạn. Tôi đã đi nhiều nước trên thế giới và thấy rằng người dân ở đó không bóp còi một cách tùy tiện.

Kalra đã tự bỏ tiền túi ra để in 500.000 tấm nhãn có in dòng chữ Do Not Honk (Không bóp còi). Sau đó, ông huy động lực lượng tình nguyện ra đứng ở các giao lộ để chờ xe dừng và xin phép các tài xế cho phép dán các tấm nhãn này lên kính chắn gió hoặc tấm cản đuôi xe của họ. Dần dần, qua nhiều năm, số lượng xe được dán tấm nhãn này tăng mạnh.

Nhằm tạo sự chuyển biến tích cực cho vấn đề ô nhiễm tiếng ồn trên đường phố, bên cạnh tổ chức các cuộc vận động kêu gọi ý thức của người dân, trong nhiều năm qua, Ravi Kalra còn ghé thăm nhiều cơ quan cảnh sát và chính quyền để hối thúc họ thực hiện các biện pháp hạn chế tình trạng người dân bóp còi xe bừa bãi. Ban đầu, cảnh sát và các cơ quan chính quyền tỏ ra hờ hững với các kiến nghị của một người vác tù và hàng tổng như ông.

Nhưng trước những nỗ lực không mệt mỏi của Kalra, họ bắt đầu dần lắng nghe ông và tạo điều kiện cho ông tổ chức các cuộc vận động không bóp còi. Ông đã thuyết phục được chính phủ lấy ngày 1 tháng 1 hàng năm làm Ngày không bóp còi.

Cảnh sát New Delhi cũng bắt đầu xử phạt nghiêm các tài xế bóp còi xe trong các trường hợp không cần thiết. Thủ hiến các bang Bihar, Punjab và Haryana đã ngỏ lời mời Kalra đến các thành phố thủ phủ của các bang này để thực hiện các chiến dịch không bóp còi. Năm 2013, tờ Wall Street Journal đăng bài viết về ông với tựa đề Cuộc vận động không bóp còi của Đông Ki Sốt Ấn Độ.

Tuy nhiên, đối với Kalra, cuộc chiến chống còi xe vẫn còn là chặng đường dài. Ông ghi nhận nhiều người dân hiện nay vẫn không nhận thức được rằng còi xe chỉ nên sử dụng trong các trường hợp khẩn cấp, chứ không phải cảnh báo các xe trước mặt né ra để họ di chuyển nhanh hơn. “Tiếng ồn khó chịu trên đường phố có thể tác động xấu đến sức khỏe và thái độ của con người, khiến họ bực bội, tăng huyết áp, mệt mỏi, mất thính lực, mất trí nhớ”, ông nói.

Ông cho biết nhiều tài xế bóp còi vô tội vạ vì không nhận thức được tác hại của ô nhiễm tiếng ồn, phần lớn họ bóp còi chỉ vì thiếu ý thức văn minh. Ông cho rằng để giải quyết triệt để vấn nạn tiếng ồn còi xe, cần phải giáo dục nhận thức của mọi người ngay từ khi họ còn ngồi trên ghế nhà trường bằng cách đưa vào sách giáo khoa các bài học về bóp còi xe.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối