BÌNH AN -
Trong đề án chuyển giao công nghệ xuống các bệnh viện tuyến dưới từ các bệnh viện hạt nhân, việc giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên bước đầu được ghi nhận đã có kết quả phần nào, tuy nhiên cũng chưa giải quyết được vấn đề một cách căn cơ.
Tại hội nghị “Tăng cường đề án bệnh viện vệ tinh, giảm quá tải bệnh viện” diễn ra ngày 10-7 vừa qua tại TPHCM, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, sau hai năm thực hiện đề án bệnh viện vệ tinh, hiện đã có 48 bệnh viện vệ tinh nhận chuyển giao. Các công nghệ được 14 bệnh viện hạt nhân (chủ yếu tại Hà Nội và TPHCM) chuyển giao cho các bệnh viện vệ tinh là năm chuyên khoa gồm ung bướu, ngoại chấn thương, tim mạch, sản, nhi.
Theo bác sĩ Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM, trong hai năm qua, ngành y tế thành phố đã chuyển giao kỹ thuật cho 11 bệnh viện vệ tinh và 8 trung tâm Y tế Việt-Nga tại các tỉnh, thành lân cận. Hiện các bệnh viện tuyến dưới đã có thể thực hiện được các kỹ thuật tại chỗ đạt tỷ lệ trên 95%, như kỹ thuật cắt tử cung ngả âm đạo, mổ lấy thai, cấp cứu sản khoa, phẫu thuật cột sống, phẫu thuật chỉnh hình nhi, điều trị rắn cắn, xạ trị…
Theo ông Thượng, từ khi đề án bệnh viện vệ tinh được thực hiện, số bệnh nhân ở các bệnh viện tuyến dưới chuyển lên bệnh viện tuyến trên giảm khoảng 70%. Đơn cử như Bệnh viện Ung Bướu TPHCM đã thực hiện chuyển giao kỹ thuật cho Bệnh viện Nhân dân 175. Kết quả chuyển giao kỹ thuật xạ trị rất hiệu quả khi tại Bệnh viện Nhân dân 175 vào năm 2014 – năm hoàn thành chuyển giao, đã có 889 bệnh nhân chuyển từ Bệnh viện Ung Bướu sang điều trị so với năm 2013 là khoảng trên 500 người.
Cũng nằm trong đề án này, Bệnh viện Nhi đồng 2 (quận 1, TPHCM) chuyển giao kỹ thuật cho Bệnh viện Nhi Đồng Nai và Bệnh viện Đa khoa Ninh Thuận. Kết quả ban đầu cho thấy, Bệnh viện Ninh thuận trước đây chỉ sử dụng 79 giường bệnh nhưng nay đã tăng lên 110 giường. Số ca điều trị nội trú trước đây chỉ gần 5.000 ca/năm thì nay đã tăng lên gần 7.000 ca/năm; Bệnh viện Nhi Đồng Nai từ hơn 380.000 ca/năm điều trị ngoại trú nay tăng lên 411.000 ca/năm. Tỷ lệ chuyển tuyến lên các bệnh viện tại TPHCM là 4,78% của năm 2013 nay đã giảm còn 3,7%.
Mặc dù tình hình chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện vệ tinh đạt kết quả cao, nhưng các bệnh viện hạt nhân tại TPHCM vẫn trong tình trạng quá tải và đang chờ xây mới các bệnh viện nhằm giảm tải bệnh nhân. Bác sĩ Hà Mạnh Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 (quận 1, TPHCM), cho biết tình trạng quá tải ở Bệnh viện Nhi đồng 2 vẫn còn, gây khó khăn cho việc điều phối tham gia chỉ đạo tuyến. Bệnh viện Nhi đồng 2 chỉ giảm tải khi Bệnh viện Nhi Thành phố đi vào hoạt động.
Còn theo bác sĩ Lê Hoàng Minh, Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TPHCM, dù đã chuyển giao cho Bệnh viện Nhân dân 175, Bệnh viện quận 2, Bệnh viện Ung Bướu Cần Thơ, nhưng tình trạng quá tải bệnh viện vẫn còn trầm trọng. “Trong khi đó, dự án nâng cấp cơ sở của bệnh viện nằm trên đường Nguyễn Huy Lượng ở quận Bình Thạnh 10 năm nay vẫn chưa được triển khai. Dự án cơ sở 2 ở quận 9 nhiều lần khởi công hụt”, ông Minh nói.
Bên cạnh đó, tại hội nghị, nhiều lãnh đạo bệnh viện cũng cho hay các bệnh viện vệ tinh ở các tuyến dưới còn thiếu nguồn nhân lực cũng như trang thiết bị, gây khó khăn cho việc chuyển giao kỹ thuật. Đặc biệt, có đơn vị vừa nhận chuyển giao xong, bác sĩ liền xin lên bệnh viện tuyến trên làm việc.