Thứ tư, Tháng mười một 27, 2024

Uber thách thức tư duy truyền thống

Hoàng Xuân Phương

Nền kinh tế thế giới luôn thay đổi, và mỗi lúc một thay đổi nhanh hơn kể từ khi xuất hiện Internet với năng lực kết nối gần như vô tận. Nhưng các luật lệ quy định cho nền kinh tế lại thay đổi chậm hơn, kèm theo trình độ quản lý kinh tế ở mỗi nước, mỗi thành phố phải cần thời gian trải nghiệm...

Vấn đề không phải là sự xuất hiện những loại hình kinh tế mới mà là khoảng cách thời gian giữa sự thay đổi kinh tế và luật lệ. Chính vì thế mà các công ty tiên phong cho một xu hướng kinh tế mới, như Airbnb hay Uber trong trào lưu kinh tế chia sẻ (sharing economy) luôn gặp những thử thách.

Thành lập từ tháng 8-2008, và chỉ sau sáu năm lượng khách có được chỗ ở ngắn hạn đã vượt quá 20 triệu người với hơn 800.000 chủ tiện nghi đăng ký, rải rác trên 33.000 thị tứ tại 192 quốc gia. Brian Chesky, người sáng lập Airbnb cho biết phần lớn những người chủ cho thuê để lấy những khoản tiền nhỏ khấu hao nhà cửa hoặc bù đắp vào các khoản chi tiêu thiếu hụt.

Uber thành lập vào tháng 3-2009 và nay đang có mặt ở hàng trăm thành phố lớn nhỏ. Tại Việt Nam, dịch vụ Uber bắt đầu hoạt động thử nghiệm tại TPHCM từ tháng 7-2014, và đến tháng 11 thì xuất hiện tại thủ đô Hà Nội. Cái tên Uber và nhà sáng lập Travis Kalanick thường xuyên xuất hiện trên mặt báo từ vài năm nay, hoặc được ủng hộ, hoặc bị phản đối.

Thị trường nền tảng – sức sống mới

Nhà sáng lập Uber, ông Travis Kalanick.
Nhà sáng lập Uber, ông Travis Kalanick.

Trên thực tế cả dịch vụ chia sẻ phương tiện giao thông Uber và dịch vụ chia sẻ chỗ ở ngắn hạn Airbnb đang kết nối hai chiều, tạo nên một thứ thị trường nền tảng (platform market) không phải giữa cung và cầu, giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng, mà là giữa người thừa và kẻ thiếu.

Đây chính là loại thị trường nền tảng chia sẻ, xuất hiện như một mô hình kinh doanh giữa những con người bình dị không có khả năng đầu tư, ngoại trừ việc tạm thời nhường tiện nghi hay phương tiện mình đang sử dụng trong một thời gian ngắn để đổi lấy một chút lợi nhuận.

Làn sóng kinh tế chia sẻ với hàng trăm công ty được thành lập chỉ trong vài năm gần đây đang tạo nên sức sống mới cho nền kinh tế toàn cầu. Tờ Forbes cho biết hơn 3,5 tỉ đô la lợi nhuận chảy vào túi những người sử dụng các nền tảng chia sẻ trong năm 2013, và tốc độ tăng trưởng lên đến 25% mỗi năm, mặc dù phải đối mặt với những căng thẳng từ nền kinh tế cố hữu và những luật lệ bảo vệ nền kinh tế này.

Một báo cáo khác của Tập đoàn PwC cho biết tốc độ tăng trưởng kinh tế chia sẻ đang tăng dần, đạt đến 22 lần vào năm 2025, ứng với khoảng 335 tỉ đô la nếu chỉ tính trên những dịch vụ chia sẻ chính hiện nay là cho mượn tài chính, chỗ ở ngắn hạn, nhân viên văn phòng, và phương tiện vận chuyển. PwC cũng cho biết các ngành kinh tế chủ đạo khác như năng lượng, viễn thông và bán lẻ hiện cũng đang chuẩn bị tham gia vào thị trường mới này.

Tăng năng lực cạnh tranh

Kinh tế thế giới đang chuyển hướng, từ cạnh tranh sản phẩm hay dịch vụ sang cạnh tranh sinh thái và nền tảng. Uber đang tạo nên một nền tảng kết nối bằng Internet thay vì lập nên một ban điều hành cồng kềnh, kém hiệu năng. Vậy cái cạnh tranh thực sự giữa Uber với các công ty hay hiệp hội taxi là giữa nền tảng công nghệ với ban điều hành doanh nghiệp truyền thống, chứ không phải giữa những chiếc taxi với nhau hay đối tượng hành khách.

Một nền kinh tế lành mạnh là nền kinh tế chấp nhận sự cạnh tranh bình đẳng. Nhưng khi mà sự cạnh tranh đã chuyển từ những sản phẩm và dịch vụ sang những nền tảng thì ưu tiên đối với những công ty truyền thống hiện hữu là tái cơ cấu doanh nghiệp theo hướng đầu tư công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh, thay vì ngồi chờ những luật lệ ưu tiên bất bình đẳng.

Trên thực tế, chấp nhận sự tham gia của các công ty nền tảng như Uber, Airbnb chỉ làm tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, trong khi vẫn giải quyết được những lổ hổng tồn tại, từ thuế đến chất lượng và bảo hiểm quyền lợi cho khách hàng. Văn phòng đại diện tại một nước hay một thành phố vẫn có thể là một “pháp nhân” thực hiện việc đóng thuế, chịu trách nhiệm xã hội, và bảo đảm chất lượng. Vấn đề là luật lệ tại nơi đó phải công nhận họ.

Nhiều thành phố trên thế giới đã làm như vậy. Họ coi các nền tảng như một xu hướng phát triển tự nhiên, chưa vội công nhận, cũng không cấm đoán, nhưng luôn canh chừng những tác động bất lợi xảy đến cho xã hội hay cho nền kinh tế, và tránh mọi va chạm giữa các nghiệp đoàn, các doanh nghiệp của nền kinh tế hiện hữu với những con người đang sáng tạo ra nền kinh tế mới.

Tạo nên một cuộc đột phá vào ngành kỹ nghệ đang độc quyền chi phối hệ thống vận chuyển hành khách là điều không dễ. “Anh phải cứng, phải mạnh mẽ chiến đấu cho điều mà anh tin”, đó là nghị lực của Travis Kalanick, và là niềm tin của những người sử dụng dịch vụ đang tập hợp mỗi ngày một đông.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối