Công tác phục dựng, phát huy và bảo tồn di sản Huế phải được diễn ra mãi mãi, qua nhiều thế hệ và luôn trong tình trạng tốt nhất.
- Đến Huế, trải nghiệm trekking, cắm trại qua đêm trên đỉnh Hòn Vượn
- Huế học kinh nghiệm bảo tồn di sản văn hóa từ Pháp
Ý kiến này được bà Audrey Azoulay, Tổng giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO), đưa ra trong chuyến thăm đầu tiên tới Quần thể di tích Cố đô Huế, thành phố Huế – nơi đầu tiên được xếp bằng di sản thế giới sau khi Việt Nam gia nhập UNESCO cách đây 30 năm – vào sáng 7-9.
Theo bà Azoulay, UNESCO sẽ đồng hành cùng Thừa Thiên Huế để bảo toàn và phát huy giá trị di sản của Huế. UNESCO không những giúp đỡ Huế trong lĩnh vực kỹ thuật, đôi khi còn có cả lĩnh vực tài chính.
“Chúng tôi luôn quý mến Huế và sẽ cùng đồng hành, phát triển với Huế. Tôi ngưỡng mộ đất nước Việt Nam. Một đất nước gìn giữ văn hóa truyền thống hàng ngàn năm văn hiến của mình”, bà Azoulay cho hay.
Theo thông tin từ UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, thời gian qua, với sự hỗ trợ tích cực và hiệu quả về kỹ thuật, tài chính cũng như vận động quốc tế tài trợ cho di tích Huế từ UNESCO trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá Huế, công cuộc bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã được triển khai và đạt nhiều kết quả. Di sản văn hoá Huế đã vượt qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp và đang từng bước được hồi sinh, diện mạo ban đầu của một Cố đô lịch sử.
Trong khi đó, theo đánh giá của UNESCO, công cuộc bảo tồn di tích Huế hiện đang chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững. Công tác trung tu di tích được tiến hành chuyên nghiệp, tuân thủ nghiêm túc Công ước quốc tế về bảo tồn di tích, Luật Di sản Văn hóa và các Quy chế bảo quản, tu bổ phục hồi di tích lịch sử văn hóa – danh lam thắng cảnh, các quy định trong xây dựng cơ bản, đảm bảo chuẩn mực về bảo tồn, tính chân xác của các công trình.
Đặc biệt, công cuộc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa tại cố đô Huế luôn gắn chặt với quá trình khai thác, phát huy giá trị di sản và tạo điều kiện cho việc phát triển kinh xã hội của tỉnh và khu vực miền Trung, trọng tâm là kinh tế du lịch, dịch vụ.
Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết Thừa Thiên Huế là tỉnh duy nhất ở Việt Nam có 7 di sản đã được UNESCO vinh danh, trong đó Quần thể di tích cố đô Huế là Di sản thế giới được UNESCO công nhận đầu tiên của Việt Nam (1993 – di sản vật thể), Nhã nhạc – âm nhạc cung đình Việt Nam (2003 – di sản phi vật thể), Mộc bản triều Nguyễn (2009 – di sản tư liệu), Châu bản triều Nguyễn (2014 – di sản tư liệu), Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016 – di sản tư liệu) và 2 di sản chung với các địa phương khác là Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ và Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ (Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại).
Nhân Tâm