Từ ngày 9-7 các loại hình chở khách bằng xe máy (bao gồm cả 'xe ôm' công nghệ) sẽ phải tạm dừng hoạt động theo quy định mới nhất về phòng chống dịch Covid-19 tại TPHCM, tuy nhiên xe máy chở hàng kết nối với các ứng dụng vẫn được hoạt động để vận chuyển hàng hóa cho người dân.
- Sáng 9-7 thêm 425 ca Covid-19, TPHCM chính thức thí điểm cách ly F1 tại nhà
- TPHCM dừng dịch vụ ăn uống ‘bán mang về’, bán vé số, xe công nghệ
Theo văn bản hướng dẫn của Sở Giao thông Vận tải TPHCM, hoạt động chở hành khách bằng xe máy (bao gồm cả xe ôm công nghệ) phải tạm dừng hoạt động từ ngày 9-7.
Tuy nhiên, dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng xe máy (shipper) vẫn được phép hoạt động và phải thực hiện các biện pháp phòng dịch.
Đối với lái xe, phải luôn đeo khẩu trang trong quá trình vận chuyển, mua, nhận sản phẩm và giao cho khách hàng (giữ khoảng cách 2m trong quá trình giao, nhận sản phẩm); khai báo y tế theo quy định.
Đối với hành khách sử dụng dịch vụ mua hàng phải đeo khẩu trang khi nhận hàng hoá, sau khi nhận hàng hoá loại bỏ bao bì, rửa tay ngay bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn, vệ sinh sản phẩm vừa nhận (nếu là hàng hóa). Khuyến khích sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt…
Các đơn vị cung ứng dịch vụ ứng dụng công nghệ, lập và lưu trữ trên phần mềm danh sách phương tiện, lái xe, hành khách đặt hàng, tuyến đường và các địa điểm trong quá trình di chuyển, để cung cấp thông tin cho cơ quan có thẩm quyền (nếu có yêu cầu).
Liên quan đến tình hình giãn cách xã hội theo chỉ thị 16, tối 8-7, UBND TPHCM đã họp báo để thông tin thêm thông tin cho người dân. Tại cuộc họp báo, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết, trong thời gian giãn cách xã hội, thành phố chỉ duy trì những hoạt động dịch thiết yếu và hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các dịch vụ không cần thiết sẽ tạm dừng hoạt động.
Trả lời câu hỏi của báo chí về việc các cửa hàng tạp hóa có được coi là dịch vụ thiết yếu hay không, ông Đức cho biết, tạp hóa có rất nhiều loại, nếu bán những mặt hàng thiết yếu thì được mở cửa. "Khi quyết định dừng hoạt động các loại hình kinh doanh lãnh đạo thành phố rất đắn đo, cân nhắc. Lúc này, cần những biện pháp quyết liệt nên rất mong sự chia sẻ, ủng hộ của người dân", ông Đức nói.
Xung quanh vấn đề xử phạt người dân ra đường khi không cần thiết thì việc thực hiện ra sao? Phó chủ tịch TPHCM cho biết theo quy định, áp dụng chỉ thị 16 chỉ được ra đường để giải quyết các nhu cầu cấp thiết. Nếu không lý giải được việc di chuyển với lý do chính đáng thì chắc chắn không được phép đi.
Việc xử phạt người dân ra đường khi không có nhu cầu thiết yếu được quy định trong Nghị định 117 năm 2020, thẩm quyền xử phạt chủ tịch UBND cấp xã, chánh thanh tra sở y tế, trưởng phòng công an cấp tỉnh.
Lê Anh
Theo KTSG Online