Vào một buổi tối thứ Ba mưa gió, tôi được mời tham dự một chương trình diễn kịch của lớp Văn học Mỹ hệ đào tạo Văn bằng 2 ngành Ngôn Ngữ Anh của cô Dương Đoàn Hoàng Trúc tại Đại học Mở TP.HCM. Trên đường đến với buổi diễn, tôi tưởng tượng đây sẽ là một buổi sắm vai nhân vật bình thường như tất cả các buổi học tiếng Anh khác.
Tuy nhiên, khi bước vào lớp học, tôi vô cùng ngạc nhiên vì mọi thứ được chuẩn bị nghiêm túc và cẩn thận. Lớp học đã được sáng tạo thành một sân khấu nhỏ với bàn ghế được di chuyển và sắp xếp gọn gàng bên ngoài cửa lớp, thay vào đó là các đồ dùng (cả thật và giả) cần thiết cho vở kịch Sorry, Wrong Number của tác giả Lucille Fletcher mà lớp sẽ diễn.
Trao đổi với Sài Gòn Tiếp thị, cô Trúc cho biết sau khi lấy bằng Thạc sĩ tại Đại học York, Anh Quốc năm 2011, khi trở lại để làm việc tại Đại học Mở nơi cô đã tốt nghiệp bằng cử nhân, cô Trúc đã tình nguyện hỗ trợ thầy Lê Quang Trực trong việc áp dụng phương pháp Theater in Education trong các lớp Văn học Anh và Văn học Mỹ dành cho các sinh viên văn bằng 1 (highschool leavers). Với kinh nghiệm và kiến thức tích lũy được sau nhiều năm hỗ trợ người thầy tiên phong trong vận dụng phương pháp này, cô quyết định mở rộng hình thức học này vào các lớp Văn học Mỹ buổi tối dành cho sinh viên văn bằng 2 là những người lớn đã có một bằng đại học và đang đi làm dù cô biết sẽ đối mặt với nhiều thách thức hơn khi áp dụng Theater in Education với nhóm đối tượng người học này,
Theo phương pháp Theater in Education này, thay vì chỉ ngồi đọc các tác phẩm văn học và viết một bài luận càng-dài-càng-tốt, khi hóa thân vào các nhân vật, sinh viên sẽ hiểu hơn về tác phẩm và các giá trị nhân văn mà tác giả muốn truyền tải. Sinh viên sẽ được đánh giá theo 5 tiêu chí: kiến thức cơ bản về tác giả và tác phẩm, tinh thần làm việc tập thể, nhận thức về giá trị nhân văn của tác phẩm qua việc thực hiện buổi biểu diễn, khả năng nói và phát âm tiếng Anh, và tính sáng tạo.
Một điều thú vị của phương pháp này là sinh viên được phát huy tất cả mọi tiềm năng thông qua việc thực hiện các công việc khác nhau: trang trí sân khấu, tìm kiếm âm thanh – âm nhạc, thiết kế ánh sáng. “Khi cần một chiếc giường cho vở kịch, các bạn đã nghĩ ra cách ghép các chiếc ghế lại với nhau rồi phủ drap trải giường lên thay vì phải tìm kiếm một chiếc giường thật cồng kềnh. Khi cần có một chiếc tủ, các bạn đã dùng một thùng giấy rồi cắt dán và trang trí lại cho giống một chiếc tủ. Các bạn còn nghĩ ra cách nối thêm dây điện và lắp đặt bóng đèn để tạo ra ánh sáng phù hợp cho vở kịch mà không dùng hệ thống đèn của lớp học…” cô Trúc nói.
“So với những hoạt động học tập khác, hoạt động diễn kịch đòi hỏi cả giáo viên và sinh viên phải tiêu tốn rất nhiều thời gian, công sức. Tuy nhiên, các sinh viên sẽ có được những kỉ niệm đáng nhớ cùng nhau trong quá trình chuẩn bị cho vở kịch. Điều này rất đáng trân trọng đối với các sinh viên hệ văn bằng hai. Khi nhìn thấy những thành quả mà sinh viên đạt được trong học kỳ này, tôi cảm thấy rất hạnh phúc và tự tin hơn. Chắc chắn tôi sẽ tiếp tục duy trì hoạt động mới mẻ này cho sinh viên văn bằng 2 trong thời gian sắp tới,” cô Trúc nói.
Minh Tuấn