Thứ ba, Tháng mười hai 3, 2024

Ứng phó thông minh với nạn giá vé xe tăng sau tết

Sự gian nan, chật vật của người dân trên đường từ quê nhà quay về các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội để làm việc sau Tết Nguyên đán 2019 vẫn không thuyên giảm so với năm trước dù các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp hỗ trợ. Không chỉ gặp khó khăn do kẹt xe kéo dài trên các tuyến đường quốc lộ, người dân còn phải chịu đựng tình trạng nhà xe tăng giá vé vô tội vạ, theo sự phản ánh của báo đài, mức tăng giá có nơi lên đến hơn 100%.

Theo thông tin từ Bnews.vn (thuộc TTXVN), nhiều nhà xe ở tỉnh Bạc Liêu tăng giá hơn 100%, mặc dù Sở Giao thông Vận tải tỉnh này chỉ cho phép các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tăng giá không quá 40% so với ngày thường, khiến không ít hành khách bức xúc, bất bình. Ngày thường, giá vé xe đi từ Bạc Liêu đến TPHCM là 150.000-160.000 đồng/vé, thì trong những ngày sau tết tăng lên 320.000 đồng/vé. Ngoài ra, do lượng khách tăng mạnh trong những ngày sau tết, các nhà xe tận dụng cả lối đi giữa các dãy ghế kê nệm, ghế cho nằm, ngồi với giá thu ghế phụ từ 150.000 - 200.000 đồng/người.

Do yêu cầu công việc, nhiều hành khách dù rất bất bình vẫn phải “bấm bụng” mua vé với giá cao để quay về thành phố. Tình trạng này cũng xảy ra vào dịp lễ tết mỗi năm, dù trước thời điểm lễ tết Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), cơ quan quản lý ngành vận tải các địa phương, đã chỉ đạo và bắt buộc các doanh nghiệp cam kết tăng giá đúng quy định (40-60% tùy theo từng tuyến đường), không được cơi nới ghế, nhồi nhét hành khách nhưng hành khách vẫn trở thành nạn nhân của việc nâng giá vô tội vạ.

Để khắc phục tình trạng nêu trên, theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng phải có sự chủ động, từ chính bản thân mỗi người tiêu dùng và các cơ quan quản lý ngành. Đơn cử, trong mùa tết này, đơn vị Thanh tra giao thông (Sở Giao thông Vận tải TPHCM) phối hợp với Thanh tra Sở Tài chính đã thực hiện nhiều cuộc kiểm tra việc kê khai, niêm yết, bán vé theo đúng giá. Ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc phụ trách Sở GTVT TPHCM, cũng nói với giới báo chí rằng, các doanh nghiệp vận tải, chủ xe có các hành vi găm vé xe tết nhằm tạo ra tình trạng khan hiếm giả, nhằm nâng giá lên cao quá mức sẽ bị xử lý nghiêm, rút phù hiệu của xe hoặc đình chỉ hoạt động.

Trên thực tế, do tình hình đi lại trong dịp tết tăng cao nên một số hãng xe không đáp ứng đủ theo đúng nhu cầu của người dân. Tại nhiều địa phương, Sở GTVT và các bến xe đã chuẩn bị kế hoạch, đảm bảo huy động tối đa các loại xe khách, đáp ứng đủ nhu cầu đi lại của người dân. Thực tế cũng cho thấy có rất nhiều người tiêu dùng ứng phó với nạn tăng giá vé vô tội vạ này một cách tích cực hơn bằng cách lập ra kế hoạch nghỉ tết, định trước ngày đi, ngày về và dùng các ứng dụng trên điện thoại thông minh để đặt mua vé, tránh tình trạng bị động buộc phải mua vé với giá “cắt cổ’. Nhiều người còn theo dõi thông tin trên web, radio hay ứng dụng được cập nhật theo thời gian thực về giao thông để né các điểm kẹt xe… Tôi nghĩ, trong xu hướng phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, hành khách nên tận dụng tính tiện ích của các trang vé đặt chỗ tàu xe, hoặc trang web bán vé của các doanh nghiệp vận tải, các nhà xe để có thể mua được vé với giá tốt.

Minh Khang (TPHCM)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối