Chủ Nhật, Tháng mười hai 15, 2024

Ung thư chưa hẳn là “án tử”

Hoàng Nhung

Những bệnh nhân bị ung thư vú đến với diễn đàn “Người bệnh ung thư vú” tổ chức tại TPHCM ngày 9-5 vừa qua đã có tinh thần lạc quan hơn khi các bác sĩ cho biết, bệnh ung thư sẽ không hẳn là “án tử” đối với người bệnh khi cơ hội điều trị khỏi bệnh tới 95% nếu được phát hiện sớm.

Khoảnh khắc sinh-tử

Nhiều người khi nhận kết quả xét nghiệm biết mình bị ung thư vú đã sốc và hoang mang tâm lý, như thể đó là dấu chấm hết của cuộc đời mình. Họ suy sụp tinh thần và tìm đến cái chết. Song, cũng có những người, trong tâm trạng chờ thần chết đến dắt đi, đã nghĩ nhiều về gia đình, cố gắng gượng dậy để sống lạc quan hơn, và kết quả là họ đã đẩy lùi được bệnh tật.

Tại diễn đàn, chị H., người đang điều trị tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM, cho biết mặc dù đã trải qua bốn tháng điều trị tại bệnh viện, nhưng tâm trí chị vẫn còn in sâu cảm xúc ban đầu khi biết mình bị ung thư vú. “Tôi đã sốc và hoàn toàn gục ngã. Mắc phải căn bệnh nan y này là chết. Cầm kết quả xét nghiệm, tôi bủn rủn tay chân, và đã có lúc tôi nghĩ sẽ lao đầu vào xe tải để kết thúc cuộc sống”, chị H. chia sẻ.

Một bệnh nhân ung thư vú dùng tay để vẽ lên cây hy vọng tại diễn đàn “Người bệnh ung thư vú” tổ chức tại TPHCM ngày 9-5 vừa qua. Ảnh: Hoàng Nhung
Một bệnh nhân ung thư vú dùng tay để vẽ lên cây hy vọng tại diễn đàn “Người bệnh ung thư vú” tổ chức tại TPHCM ngày 9-5 vừa qua. Ảnh: Hoàng Nhung

Chị H. vừa khóc vừa kể, rằng chị không dám gọi về thông báo cho người thân trong gia đình. Giữa lằn ranh sống-chết, chị nghĩ đến cha mẹ già yếu và đứa con nhỏ. Rồi đây ai sẽ đón con đi học về? Ai sẽ chăm sóc cha mẹ? “Nếu phải chết, sao mình không chiến đấu đến giây phút cuối cùng, mình còn rất nhiều người thân mà…”, chị H. nói và bình tĩnh về nhà không dám nói với bất kỳ ai.

Nhưng rồi gia đình cũng biết chuyện, khuyên chị vào nằm viện điều trị. Những ngày đầu mới vào Bệnh viện Ung bướu TPHCM, chị H. thấy có khá nhiều người bệnh giống mình, ai cũng đầu không còn tóc, trùm khăn đi lại yếu ớt. Giống như chị, nhiều người hoang mang, khủng hoảng tâm lý. Chỉ đến khi được bác sĩ giải thích và điều trị, nhiều người bệnh đã cảm thấy yên tâm hơn, lấy lại nghị lực để chiến đấu với bệnh tật.

Nhờ vậy, đến thời điểm này, mỗi khi gặp người thân trong gia đình, nhiều chị luôn nở nụ cười tươi, lạc quan để gia đình yên tâm và các con không còn lo sợ.

Chữa khỏi nếu phát hiện sớm

GS.BS. Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, cho biết ung thư vú là loại ung thư thường gặp nhất và gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng, cơ hội điều trị khỏi bệnh tới 95%.

Theo vị bác sĩ này, chị em phụ nữ có thể tự kiểm tra và phát hiện những dấu hiệu của ung thư vú. Nếu thấy vú nổi cục, đau, hoặc tiết dịch đầu vú, cần đi khám và làm xét nghiệm. Nếu bệnh được phát hiện ở giai đoạn đầu, khối u chưa xâm lấn có thể cắt bỏ khối u. Với những trường hợp phải cắt bỏ vú, khi điều trị khỏi có thể tính đến việc tái tạo ngực.

Bác sĩ Hùng cho biết, ngày nay ngành y học phát triển, việc phẫu trị, xạ trị hay hóa trị đã giúp bệnh nhân sống lâu hơn. Kỹ thuật mổ tái tạo vú ngày càng thẩm mỹ hơn. Khoảng hai thập niên trước, khi đoạn nhũ rồi phải chờ ít nhất ba năm mới tạo vú mới. Ngày nay, thức dậy sau phẫu thuật, người phụ nữ có thể thấy bộ ngực “còn nguyên”.

Các máy xạ trị hiện đại ngày nay cũng êm ái và chính xác hơn, giết tế bào ung thư và ít gây tổn hại tới các mô lành. Hóa trị cũng hiệu quả hơn. Sau mổ bác sĩ dùng thuốc giết các tế bào ung thư rơi rớt nhằm giảm nguy cơ tái phát hoặc di căn.

Các bác sĩ cho biết, tỷ lệ chữa khỏi bệnh ung thư vú đang tăng lên, một phần là nhờ chẩn đoán sớm, kết hợp với các phương pháp điều trị mới. Hiện trên thế giới có khoảng bốn triệu phụ nữ bị ung thư vú, nhiều người còn sống được khoảng năm năm, nhiều người sống lâu hơn và nhiều người đã khỏi bệnh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối