Thứ ba, Tháng mười hai 3, 2024

“Ứng trước” hệ thống điện mặt trời

CHÍNH PHONG -

Một dự án điện mặt trời hiện đang được triển khai tại TPHCM với kỳ vọng thu hút ngày càng nhiều người tham gia sử dụng. Thực ra, việc sản xuất điện từ các nguồn năng lượng sạch và vô tận là gió và mặt trời đã được đặt ra từ lâu nhưng đến nay các dự án này vẫn gặp nhiều khó khăn.

Nguyen-lyTrong nước hiện chưa sản xuất được tế bào quang điện và pin mặt trời, đa phần doanh nghiệp phải nhập pin từ nước ngoài với giá cao.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực, một trong những lý do khiến việc phát triển hệ thống điện mặt trời khó khăn là do số tiền đầu tư ban đầu khá lớn đối với nhiều công ty và hộ gia đình. Trong nước hiện chưa sản xuất được tế bào quang điện và pin mặt trời. Đa phần các doanh nghiệp cung cấp và lắp đặt hệ thống điện mặt trời đều phải nhập pin từ nước ngoài với giá cao.

Ví dụ, để có 10 kWh điện mỗi ngày, tức 300 kWh mỗi tháng, người tiêu dùng phải chi khoảng 65 triệu đồng đầu tư cho hệ thống pin, khung giá lắp đặt và bộ inverter chuyển đổi điện một chiều thành điện xoay chiều. Với giá điện lưới sinh hoạt trung bình 2.000 đồng/kWh, mỗi tháng người đó tiết kiệm được 600.000 đồng, tức gần 10 năm mới hoàn lại vốn lắp đặt.

Để giải bài toán chi phí đầu tư ban đầu cho những người muốn sử dụng điện mặt trời, Tổng công ty Điện lực TPHCM (EVN HCMC) cùng Công ty Giải pháp sinh thái Việt Nam (VES) và Công ty Năng lượng Libra từ Hà Lan đã kết hợp đưa ra chương trình lắp đặt hệ thống điện mặt trời hòa lưới miễn phí. Đổi lại, hàng tháng liên doanh trong dự án có tên là ESCO này sẽ thu tiền điện (sản xuất từ hệ thống điện mặt trời) của khách hàng theo một mức giá cố định ghi trong hợp đồng, căn cứ vào điện kế được kiểm định của EVN, cam kết không tăng giá trong suốt thời gian hợp đồng. Mức giá điện từ 1.900 đồng đến 2.700 đồng/kWh, giá thỏa thuận theo hợp đồng càng cao thì thời hạn kết thúc hợp đồng càng ngắn, và ngược lại.

Sau khi thời hạn hợp đồng kết thúc, khoảng 10-12 năm tùy từng hợp đồng, liên doanh không thu tiền hàng tháng nữa, khách hàng được sở hữu toàn bộ hệ thống để dùng miễn phí trong hơn 20 năm còn lại. Trong thời gian sử dụng, khách hàng có thể theo dõi hệ thống điện mặt trời của mình qua tài khoản trên trang web và ứng dụng di động để biết hệ thống này có trục trặc gì không và làm việc hiệu quả ra sao. Công ty cũng nắm dữ liệu này qua điện toán đám mây để biết và lên phương án kịp thời chỉnh sửa, bảo dưỡng cho khách.

Ông Nguyễn Đức Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty VES, cho biết dự án ESCO đã triển khai được gần hai tháng, và đến nay đã nhận được khoảng 100 hồ sơ xin tham gia chương trình. Hiện nay, công ty đang tiến hành khảo sát 30 hồ sơ. Quá trình thẩm định hồ sơ, khảo sát thực địa, lên phương án kỹ thuật, thương thảo hợp đồng và lắp đặt thiết bị cho mỗi khách hàng mất khoảng 2-3 tháng. Ông Anh cho biết sẽ giải quyết số hồ sơ với tổng giá trị 40 tỉ đồng trong năm nay.

Hai trong số các hệ thống điện mặt trời ESCO chuẩn bị thực hiện là ở trường Đại học Tôn Đức Thắng với công suất 122 kWp (tức khoảng 600 kWh), với hệ thống bao gồm 472 tấm pin mặt trời loại 260 Wp, kích thước 1,6 x 1 m của hãng Heckert (Đức), và hệ thống thứ hai là nhà xưởng của Công ty Anh Khoa Brother tại Củ Chi có công suất 45 kWp, với 174 tấm pin.

Giải pháp này được đánh giá là phù hợp với các công ty, văn phòng, những nơi có mặt bằng rộng để lắp hệ thống điện mặt trời lớn. Trong khi đó, về mặt tiêu thụ điện thì các văn phòng chủ yếu dùng điện vào ban ngày, khi có ánh nắng mặt trời nên hiệu suất sử dụng hệ thống cao hơn. Ông Phạm Quốc Bảo, Phó tổng giám đốc EVN HCMC, một đối tác trong dự án ESCO, cho biết ngành điện lực TPHCM luôn khuyến khích nhiều thành phần kinh tế tham gia sử dụng điện mặt trời và nhiều công ty trong ngành năng lượng thực hiện các dự án “ứng trước” cho người sử dụng như này.

IMG_0162[box] Để tính toán công suất pin mặt trời, người ta dùng đơn vị watt peak (Wp), và cao hơn là kWp = 1.000 Wp. Lượng Wp mà pin mặt trời tạo ra tùy thuộc vào khí hậu của từng vùng trên thế giới. Cùng một tấm pin mặt trời nhưng đặt ở nơi này thì mức độ hấp thu năng lượng sẽ khác với khi đặt nó nơi khác.

Để thiết kế chính xác, người ta phải khảo sát từng vùng và đưa ra một hệ số gọi là “panel generation factor”, tức là hệ số phát điện của pin mặt trời. Hệ số phát điện của pin mặt trời trung bình của Việt Nam là khoảng 4,58 kWh/m²/ngày, của TPHCM là 5,2 kWh/m²/ngày, của Hà Nội là 3,84 kWh/m²/ngày, của Đà Nẵng là 4,88 kWh/m²/ngày.

Muốn có 10 kWh điện sinh hoạt mỗi ngày, phải lắp đặt một hệ thống pin mặt trời cung cấp được 10 x 1,3 = 13 kWh (1,3 là hệ số an toàn khi xét đến hao tổn điện trên hệ thống). Nếu tại TPHCM, để tạo ra 13 kWh mỗi ngày cần có 13/5,20 = 2,5 kWp, tức là 2.500 Wp. Như vậy cần lắp 10 tấm pin mặt trời loại 250 Wp mỗi tấm. Loại tấm 250 Wp xuất xứ Đài Loan nặng 19 kg, kích thước 1,65 x 1 m, đang có giá khoảng 4,5 triệu đồng/tấm.[/box]

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối