Chủ Nhật, Tháng mười hai 15, 2024

Uống cà phê, nuốt hóa chất

TÂM THANH -

Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam vừa công bố kết quả khảo sát về thức uống cà phê tại bốn tỉnh, thành gồm Hà Nội, TPHCM, Bình Dương và Sóc Trăng. Kết quả cho thấy, hơn một phần ba mẫu được khảo sát có hàm lượng caffeine rất thấp, thậm chí có mẫu hoàn toàn không chứa cà phê.

Cà phê không có cà phê

cafeCông an phát hiện một cơ sở sản xuất cà phê bột bằng bắp, đậu nành, hương liệu và hóa chất ở thành phố Buôn Ma Thuột năm 2015. Ảnh: H.Quang

Việt Nam là một trong những nước sản xuất cà phê hàng đầu thế giới, với lượng xuất khẩu ra thị trường quốc tế chỉ sau Brazil. Thị trường tiêu thụ cà phê trong nước cũng không hề nhỏ. Thế nhưng, một thực tế đáng buồn là danh tiếng cà phê Việt Nam đang bị tổn thương nghiêm trọng, bị người tiêu dùng cảnh giác trước nạn cà phê “bẩn”, cả phê giả, cà phê tẩm hóa chất tràn lan.

Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam vừa thực hiện cuộc khảo sát với 253 mẫu cà phê đen được chọn ngẫu nhiên. Các điểm lấy mẫu gồm những quán lớn, quán nhỏ (quán cóc), căn tin bệnh viện, cà phê vỉa hè, cà phê bệt và các loại cà phê được bán trên xe đẩy di động tại Hà Nội, TPHCM, Bình Dương và Sóc Trăng. Kết quả khảo sát cho thấy, có tới 1/3 lượng cà phê được tiêu thụ có hàm lượng caffeine rất thấp, dưới 1 g/1 lít. Đặc biệt, trong đó có tới năm mẫu hoàn toàn không chứa caffeine. Các mẫu này được tìm thấy từ những điểm bán nhỏ như cà phê bệt, vỉa hè, quán cóc.

Theo thông tin từ Trung tâm Phân tích và Chứng nhận chất lượng thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng, tháng 6 vừa qua, trung tâm đã lấy 100 mẫu cà phê bột tại các cơ sở sản xuất cà phê trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng để phân tích. Kết quả cho thấy có 28/100 mẫu được phân tích có hàm lượng caffeine dưới 1% (không đạt yêu cầu), trong đó có hai mẫu không tìm thấy hàm lượng caffeine.

Trước đó, vào tháng 5-2016, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cũng khảo sát nhanh 25 mẫu nước cà phê, trong đó mua 16 mẫu tại các quán cà phê thuộc một số quận và khu công nghiệp ở TPHCM cùng 9 mẫu tại tỉnh Bình Dương. Kết quả thử nghiệm cho thấy có 1/16 mẫu mua tại TPHCM và 1/9 mẫu mua tại tỉnh Bình Dương không thấy có caffeine.

Chờ một quy chuẩn

DSC_1524-e1419693869329

Theo báo cáo về ngành cà phê Việt Nam do Bộ Nông nghiệp Mỹ xuất bản hồi đầu năm nay, niên vụ 2015-2016, tiêu thụ cà phê rang xay nội địa tại Việt Nam ước đạt 2,25 triệu bao, tương đương 135 triệu ký cà phê nguyên liệu. Nếu tính bình quân theo chuẩn ly cà phê espresso (của Mỹ), một ly cà phê pha chế mất 8 g cà phê nguyên liệu, trung bình trong vòng một năm, thị trường Việt Nam có thể tiêu thụ hơn 16,8 tỉ ly cà phê. Đây là một con số ấn tượng và đồng thời đặt ra nhiều câu hỏi liệu trong 16,8 tỉ ly cà phê ấy, có bao nhiêu ly được làm từ cà phê nguyên chất.

Theo những thông tin mà báo chí đăng tải cũng như từ các cơ quan chức năng công bố, riêng tại khu vực các tỉnh Tây Nguyên, nhiều vụ sản xuất cà phê bẩn bị cơ quan chức năng phát hiện. Chẳng hạn, vụ kiểm tra tại tỉnh Đắk Lắk gần đây, lực lượng kiểm tra một cơ sở rang xay tại thành phố Buôn Ma Thuột đã phát hiện nguyên liệu để cơ sở này sản xuất ra cà phê bột có tới 90% là đậu nành và bắp, cùng các loại hóa chất, hương liệu. Số “cà phê” này được rang xay rồi đem đi bỏ mối cho nhiều tiệm cà phê, quán tạp hóa ở Đắk Lắk, Đắk Nông và TPHCM.

Theo thống kê từ các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk, từ cuối năm 2012 đến nay đã có hơn 20 cơ sở sản xuất, chế biến cà phê bột không đạt tiêu chuẩn bị phát hiện, phạt hành chính và buộc ngưng hoạt động. Thế nhưng trước lợi nhuận khổng lồ từ việc sản xuất gian dối này, nhiều cơ sở đã hoạt động trở lại.

Hồi tháng 5-2015, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông đã lấy 15 mẫu cà phê bột đóng gói trên thị trường đem đi kiểm nghiệm hàm lượng caffeine. Kết quả cho thấy chỉ có một mẫu có hàm lượng 1,35% caffeine, 11 mẫu hàm lượng caffeine chỉ từ 0,1% đến 0,66% (thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu công bố trên bao bì), ba mẫu còn lại không phát hiện caffeine, tức là không có chút cà phê nào. Điều này có nghĩa, nhiều cơ sở rang xay cà phê không sử dụng hạt cà phê mà chỉ là bắp, đậu nành và hóa chất, hương liệu tạo mùi.

Cà phê làm bằng đậu nành, bắp, hương liệu, thế nhưng chủ các cơ sở sản xuất này luôn “nổ” là nguyên chất 100% để lòe người tiêu dùng. Có cơ sở ghi trên bao bì là cà phê được đặc chế từ những hạt cà phê ngon nhất Buôn Ma Thuột, sản phẩm có nước pha màu đậm, hương thơm nồng, thích hợp với những người có gu cà phê đậm... Thế nhưng, qua kiểm nghiệm của ngành chức năng, ly cà phê của cơ sở này lại vắng bóng caffeine.

Là một chuyên gia về kiểm soát cà phê, có thời gian làm việc nhiều năm tại Việt Nam, ông William Robert Frith Jr, thành viên Hiệp hội Cà phê và Liên đoàn pha chế Hoa Kỳ (BGA), cho biết ở nhiều nơi tại Mỹ, luật pháp bắt buộc phải liệt kê danh sách các thành phần được dùng trong thực phẩm, sau đó phải được sự chấp thuận của các thanh tra y tế. Các thanh tra viên sẽ quay lại kiểm tra một năm một lần hoặc nhiều hơn để chắc chắn rằng mọi thứ luôn trong tình trạng tốt.

Theo ông Frith, nếu như các cơ sở sản xuất cà phê trộn ở Việt Nam cũng được kiểm soát một cách chặt chẽ như vậy, buộc phải minh bạch thành phần, bao nhiêu hàm lượng cà phê nguyên chất, bao nhiêu chất phụ gia, xuất xứ ở đâu thì cà phê Việt Nam sẽ lấy lại dần uy tín đáng có của mình ở thị trường trong nước.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối