Thứ sáu, Tháng mười một 29, 2024

Uống trà xanh sai cách, hại nhiều hơn lợi

(SGTTO) – Uống trà xanh cả dùng nóng và dùng lạnh đúng cách sẽ mang lại nhiều lợi ích cho sức khoẻ như: lợi tiểu, đào thải độc tố, giảm cân, thanh lọc cơ thể. Tuy nhiên, nếu bạn uống nước trà xanh sai cách sẽ gây ra những tác hại như: viêm họng, ngộ độc hay già trước tuổi… 

Uống nước trà xanh quá nóng

Theo một nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bất kỳ thức uống nào quá nóng đưa vào cơ thể có nguy cơ gây ung thư thực quản ở con người. Khái niệm quá nóng này là khi nhiệt độ nước khoảng trên 65 độ C. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia y tế, nhiệt độ bắt đầu có nguy cơ cao dẫn đến ung thư cũng có thể tầm trên 60 độ C.

Nước trà xanh là loại thức uống mang lại nhiều lợi ích cho sức khoẻ khi được dùng đúng cách. Ảnh: Vinashin.com.vn

Một cuộc khảo sát cách đây vài năm trên 50.000 người tại Golestan (Iran) có thói quen uống trà thường xuyên. Kết quả, những người uống trà nóng hơn 60 độ C có tỷ lệ hình thành ung thư thực quản cao gấp 2 lần bình thường.

Ung thư thực quản lấy đi sinh mạng của hàng trăm ngàn người mỗi năm, bởi các chấn thương liên tục vào thực quản do khói, rượu, trào ngược axit và cả chất lỏng nóng như  trà nóng gây ra. Cụ thể, nước trà nóng nạp vào thường xuyên sẽ làm hỏng lớp lót niêm mạc thực quản, từ đó tăng kích thích lặp đi lặp lại, tạo ra các hợp chất gây viêm dẫn đến sự hình thành khối u.

Ở Việt Nam, nhất là vào mùa lạnh, nước trà nóng là thức uống phổ biến, ưa thích của không ít người. Vì thế, để đảm bảo thực quản được an toàn, giúp tăng nhiệt cơ thể từ bên trong, bạn hãy đợi khi nó âm ấm để thưởng thức.

Uống nước trà quá lạnh

Nước trà xanh là món đồ uống phổ biến của hầu hết mọi người mỗi ngày. Người ta có thể uống nóng khi trời lạnh hay uống trà đá vỉa hè buổi chiều tối mát mẻ. Tuy nhiên, việc uống trà quá lạnh vô tình đang làm cho các mao mạch ở họng, thực quản dạ dày bị co lại, máu lưu thông kém. Sự trao đổi chất của trà lạnh làm vòm họng dễ tích tụ đờm, từ đó dẫn đến tình trạng bệnh viêm họng gặp phổ biến ở nhiều người.

Tác hại của trà đá vỉa hè còn đến từ khâu an toàn vệ sinh thực phẩm. Mặc dù ly trà đá được chế biến sạch sẽ, nhưng không ai có thể đảm bảo rằng loại đá bạn uống có phải an toàn hay không? Thực tế, nguồn nước làm đá tại cơ sở sản xuất không phải lúc nào cũng được sạch sẽ. Hơn nữa, dụng cụ đựng đá tại quán, hay quá trình vận chuyển có thể kém vệ sinh do bụi bẩn, vi khuẩn bên ngoài bám vào. Việc sử dụng đá bẩn mỗi ngày ảnh hưởng trực tiếp đến hệ tiêu hoá gây nên như: bệnh tiêu chảy, dịch tả…

Bạn không nên dùng nước trà để uống thuốc.

Uống trà đã pha từ lâu

Một sai lầm khác gây hại cho cơ thể là khi bạn uống trà đã pha trước quá lâu hoặc ngâm trà trong thời gian dài. Để lâu, lượng caffeine và tanin trong nước trà tăng lên, tác dụng kích thích cao, gây khó chịu và không tốt với người bị bệnh gout và bệnh tăng acid uric.

Trà ngâm quá lâu còn tiết ra polyphenyles tạo ra quá trình oxy hóa tự nhiên, làm giảm hàm lượng dưỡng chất có trong trà. Không những thế, nếu trà hãm trong nước ấm quá lâu còn làm tăng số lượng vi sinh vật (vi khuẩn và nấm), dễ sinh bệnh cho con người.

Uống nước trà khi bị bệnh

Theo chuyên trang sức khỏe Healthline của Mỹ, trong trà có một chất gọi là muối trà dễ làm tăng nhiệt độ cơ thể, thế nên khi người sốt uống nước trà sẽ khiến nhiệt độ cơ thể không giảm xuống được.

Với những người mắc các bệnh về sỏi thận, loét dạ dày, cao huyết áp, táo bón... trà không phải là một sự lựa chọn phù hợp. Các bệnh nhân cao huyết áp, chất cafein trong trà sẽ kích thích tim đập nhanh hơn và làm cho huyết áp tăng cao thêm.

Trong trà có chất tannin, đây là một chất tốt nhưng khi kết hợp với các dược chất sẽ xảy ra phản ứng hóa học, làm cho thuốc kém hiệu quả và khó hấp thu. Khi uống nước trà phải cách xa giờ uống thuốc có sắt, có alcaloid (như mã tiền, cà độc dược...), có aspirin, ibuprofen, warfarin, paracetamol, phenylpropanolamin, ephedrin, phenytoin, methotrexat. acid folic, nadolol.

Uống trà khi bụng đói, trước hoặc ngay sau khi ăn

Khi bụng đói, uống nước trà vào sẽ làm loãng dịch vị, giảm thấp chức năng tiêu hóa, dễ gây viêm dạ dày. Hơn nữa, trong khi dạ dày trống rỗng, nếu uống trà, chất chát trong trà sẽ đi vào tạng phế và làm lạnh tì, vị.  Khi bụng rỗng, thức uống này sẽ làm tăng mức độ axit trong cơ thể, dẫn đến gia tăng các gốc tự do, làm lão hoá cơ thể nhanh chóng.

Cùng với đó, protein và chất sắt trong thức ăn gặp acid tanna sẽ kết tủa, gây khó tiêu, giảm thấp khả năng hấp thụ protein và chất sắt. Vì lý do này mà trước và sau bữa ăn 20-30 phút, bạn không nên uống trà.

Dung Trần tổng hợp

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối