Vũ Yến -
Mới đây, dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 37/2006 về hoạt động xúc tiến thương mại đã được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến đóng góp. Bên cạnh các ý kiến đồng tình, không ít doanh nghiệp cho rằng một số điều quy định về khuyến mãi của dự thảo chưa phù hợp.
Muốn giảm giá nhiều hơn mức 50%
Thời trang là ngành luôn có hàng tồn, hàng lỗi mốt nhiều, vì vậy không ít doanh nghiệp muốn nâng mức khuyến mãi lên cao. Trong ảnh, người tiêu dùng mua sắm quần áo mùa tựu trường tại một siêu thị ở TPHCM. Ảnh: Vũ Yến
Theo quy định hiện hành (Nghị định 37/2006/NĐ-CP), mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mãi không vượt quá 50% giá hàng hóa, dịch vụ đó ngay trước thời gian khuyến mãi. Ông N.T., phụ trách truyền thông của Tập đoàn thời trang N., cho rằng từ nhiều năm nay chính quy định này đã gây khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh. Thế nhưng, trong dự thảo sửa đổi, bổ sung thì quy định đó vẫn được giữ.
Theo ông T., thời trang là ngành hàng mà sản phẩm mới được đưa ra liên tục, tất yếu dẫn đến sản phẩm trước đó nhanh chóng bị lỗi mốt. Doanh nghiệp thường phải đẩy mạnh tiêu thụ hàng tồn đọng này, mà muốn vậy thì mức khuyến mãi giảm giá cho người tiêu dùng phải cao, có thể tới 60-70%. Trong khi đó, mức giảm giá theo quy định vẫn không được vượt quá 50%. Như vậy, doanh nghiệp gặp khó khăn, còn người tiêu dùng không được hưởng lợi nhiều.
Ông T. cho rằng, có thể mức quy định trên của cơ quan quản lý là nhằm chống tình trạng bán phá giá của một số doanh nghiệp, tuy nhiên nó lại gây bất lợi cho doanh nghiệp làm ăn chân chính trong nước ngay trên sân nhà, bởi phần nào cản trở sự tiếp cận người tiêu dùng của doanh nghiệp, hạn chế quyền được mua sản phẩm tốt với giá rẻ hơn của người tiêu dùng.
Theo chị Phan Thạch Thứ Lynh, chủ thương hiệu thời trang Miky, thời trang là một ngành khá đặc trưng vì sự thay đổi kiểu dáng, mẫu mã sản phẩm thường rất nhanh, theo mùa. Vì thế, hàng chưa bán được trở thành lỗi mốt, hàng tồn là điều không thể tránh. Nhưng với quy định mức trần khuyến mãi là 50% khiến doanh nghiệp muốn giảm giá nhiều hơn cũng không được.
“Tôi thấy các hãng thời trang lớn trên thế giới họ thường khuyến mãi, giảm giá rất nhiều, lên tới 60-70%, thậm chí nhiều hơn để tiêu thụ hết hàng lỗi mốt, hàng tồn, nhằm thu hồi vốn. Vậy tại sao mình lại quy định mức trần là 50%. Thiết nghĩ, có khi quy định này khiến doanh nghiệp lách luật bằng các hình thức như mua một tặng ba chẳng hạn”, chị Lynh bình luận.
Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Sài Gòn Food, lại cho rằng, với ngành hàng thực phẩm thì quy định trên là khá hợp lý. Bởi nếu doanh nghiệp thực phẩm đưa ra mức khuyến mãi cao quá thì người tiêu dùng có khi lại nghi ngờ chất lượng sản phẩm.
Nhưng theo bà Lâm, nên có những quy định riêng cho những ngành hàng khác nhau chứ không nên gộp chung tất cả các ngành hàng lại, vì mỗi ngành hàng có đặc điểm riêng biệt.
[box] Cũng theo dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 37/2006/NĐ-CP ngày 4-4- 2006 quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại, ở điều 5 có ghi:
Trong các trường hợp tổ chức các chương trình khuyến mãi tập trung (như tuần khuyến mãi, tháng khuyến mãi, mùa khuyến mãi, ngày lễ khuyến mãi...) thì giá trị vật chất dùng để khuyến mãi cho một đơn vị hàng hóa, dịch vụ được khuyến mãi và tổng giá trị của hàng hoá, dịch vụ dùng để khuyến mãi trong một chương trình khuyến mãi có thể lên đến 70%.
Quy định về hạn mức giá trị tối đa dùng để khuyến mãi là 70% cũng được áp dụng đối với các hoạt động khuyến mãi trong khuôn khổ các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại do Thủ tướng Chính phủ quyết định.[/box]
Nên thay đổi một số quy định
Nói về quy trình, thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực xúc tiến thương mại, theo ông N.T., có những điều còn gây bất lợi cho doanh nghiệp. Ông T. lấy ví dụ, theo quy định doanh nghiệp phải niêm yết đầy đủ mã, hình ảnh sản phẩm khuyến mãi, nhưng đối với ngành hàng thời trang có khi trong một đợt khuyến mãi doanh nghiệp đưa ra cả vài ngàn mã sản phẩm, nếu thực hiện đầy đủ theo quy định thì sẽ rất khó khăn, tốn thời gian, công sức, nhân lực và tất yếu kéo theo tốn thêm chi phí.
“Chính vì khó khả thi khi thực hiện nên đôi khi doanh nghiệp chỉ đăng ký cho có. Như vậy chẳng phải tạo cơ hội cho doanh nghiệp đối phó sao?”, ông T. nhận xét.
Cũng theo ông N.T., trong Nghị định 37/2006 quy định tổng thời gian thực hiện chương trình khuyến mãi bằng cách giảm giá đối với một loại nhãn hiệu hàng hóa, dịch vụ không được vượt quá 90 ngày trong một năm; một chương trình khuyến mãi không được vượt quá 45 ngày. Quy định này cũng không được sửa đổi trong nghị định sửa đổi, bổ sung. Ông T. thắc mắc, tại sao lại giới hạn số ngày khuyến mãi của doanh nghiệp?
Đại diện của một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện máy cho biết, đối với thời hạn xét duyệt và trả kết quả chương trình khuyến mãi, ở nghị định sửa đổi đã có sự thay đổi, trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan quản lý nhà nước về thương mại có thẩm quyền xem xét, trả lời xác nhận hoặc không xác nhận việc đăng ký thực hiện chương trình khuyến mãi của thương nhân; trong trường hợp không xác nhận, phải nêu rõ lý do theo quy định của pháp luật. Trước đây thời gian này là 7 ngày.
Tuy nhiên, theo vị này, với sự phát triển của thương mại điện tử như hiện nay thì các cơ quan chức năng nên cho phép doanh nghiệp đăng ký chương trình khuyến mãi qua mạng và cơ quan chức năng cũng trả kết quả thông qua hình thức này.
“Như vậy sẽ đỡ tốn thời gian, công sức, tiền bạc của doanh nghiệp rất nhiều, cơ quan chức năng cũng theo đó mà cắt giảm được chi phí về nhân sự”, vị này đề xuất.