VŨ YẾN -
Mới đây, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường (PC49) Công an TPHCM đã kiểm tra, tạm giữ 5 tấn đường hóa học, chất tạo ngọt trái phép. Trước hết, những sản phẩm này không rõ nguồn gốc xuất xứ. Kế đến, qua kiểm tra cũng phát hiện có những loại đường hóa học bị cấm vì có hại cho sức khỏe người sử dụng. Phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị tìm hiểu trên thị trường thì được biết loại đường như vậy vẫn đang được mua bán khá nhiều.
Muốn mua thì có
Sản phẩm đường hóa học có nhãn hiệu Tang Jing cùng với loại đường không có nhãn mác được bán tại một số chợ, cửa hàng ở TPHCM.
Mặc dù đây là sản phẩm đường hóa học, có thể nguy hại đến sức khỏe của người tiêu dùng, tuy nhiên theo ghi nhận của Sài Gòn Tiếp Thị, chúng vẫn được bán dù không công khai.
Tại một sạp bán gia vị ở chợ Bình Tây, quận 6, TPHCM khi được hỏi về loại đường hóa học, có độ ngọt cao, dùng để nấu chè, làm mứt, người bán hàng sau vài giây nhìn quanh ra chừng thăm dò cũng đưa ra một túi đường loại nửa ký có tên Tang Jing. Trên bao bì của sản phẩm chỉ có tiếng Trung Quốc chứ không có nhãn phụ tiếng Việt. Người chủ sạp hướng dẫn, với khoảng 5 lít nước hay 5 kg sản phẩm nguyên liệu chỉ cần bỏ 1-2 viên đường là sẽ đủ độ ngọt.
Ở sạp hàng khác cũng tại chợ này, chủ sạp cho biết đường hóa học có vài loại nhưng loại có tên gọi Tang Jing là loại một, tốt hơn cả, giá bán 280.000 đồng/kg, nếu mua trên 50 kg sẽ giao hàng tận nơi. Cũng theo người chủ này, đường hóa học thường được bán sỉ cho các cơ sở làm bánh, mứt kẹo, cho người bán chè chứ người tiêu dùng lẻ hầu như không mua.
Cũng ở chợ Bình Tây, một người bán hàng còn nói thêm rằng thời điểm này, gần tết, nhu cầu mua về làm mứt, bánh kẹo tăng cao nên nhiều lúc phải chờ đường nhập về mới có hàng. “Bên đại lý báo giá bữa nay lên 295.000 đồng/kg chứ không còn giá 250.00- 270.000 đồng/kg như trước nữa”, người bán hàng này nói, đồng thời dặn thêm: “Bán mua mấy loại này phải kín đáo một chút, chứ bị cấm vì độc hại đó!”.
Ngoài các sạp hàng ở trong chợ Bình Tây thì một số cửa hàng chuyên bán đường các loại bên ngoài chợ cũng có bán đường hóa học Tang Jing. “Cửa hàng tôi chuyên bỏ mối cho các nơi nấu chè, làm mứt. Cứ đặt hàng, bao nhiêu tôi cũng có”, một chủ cửa hàng giới thiệu. Theo những người bán, sở dĩ loại đường có tên Tang Jing được bán nhiều vì độ ngọt cao, có nhãn mác bao bì nên người mua tin tưởng. Bên cạnh đó họ cũng bán loại đóng bịch nhỏ, không nhãn mác, tên tuổi, trọng lượng 100-300 g.
Sản phẩm đường hóa học có tên nêu trên, trùng tên với một trong các sản phẩm đường hóa học mà các trinh sát Đội 4 Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường (PC49) Công an TPHCM đã từng kiểm tra, tạm giữ trước đó.
Chuyên gia: “Bản chất vẫn là chất hóa học”
Sau khi quan sát bao bì sản phẩm, TS. Phan Thế Đồng, giảng viên khoa Khoa học công nghệ của trường Đại học Hoa Sen TPHCM, nói rằng theo thông tin ông được biết thì “Tang Jing” (chữ màu đen trên bao bì) phiên âm từ tiếng Trung Quốc 糖精 (chữ màu đỏ trên bao bì) có nghĩa là “Saccharine”. Saccharine là một loại đường hóa học có vị ngọt gấp 300-400 lần so với đường ăn nhưng có hậu vị đắng khi dùng ở liều cao.
Saccharine là loại đường hóa học, không có trong tự nhiên, không sinh năng lượng, có vị ngọt gần giống với đường ăn nhưng độ ngọt cao gấp 300-400 lần, bền và không gây phản ứng với các thành phần khác của thực phẩm.
Ông Đồng cũng cho biết, saccharine được dùng trong thực phẩm như một chất phụ gia tạo vị ngọt (sweetener) với mã số E954, chủ yếu dùng trong chế biến bánh, kẹo, nước giải khát.
Về mức độ nguy hại hay an toàn của sản phẩm, ông Đồng cho hay, trước đây trong những năm 1970 kết quả nghiên cứu trên chuột ở liều cao cho thấy saccharine gây nên ung thư túi mật. Y học xếp saccharine vào nhóm 2B (nhóm có khả năng gây ung thư cho người). Vì thế, hầu hết các nước đều khuyến cáo không nên sử dụng hoặc cấm không cho sử dụng saccharine. Hiện nay, một số công trình nghiên cứu sau đó chứng minh rằng cơ chế gây ung thư trên chuột của saccharine không thể xảy ra đối với người và kết luận saccharine không có nguy cơ gây ung thư cho người. Vì vậy, hiện nay saccharine được cho phép sử dụng trở lại trong thực phẩm. Y học hiện nay xếp saccharine vào nhóm 3 (nhóm không có nguy cơ gây ung thư cho người).
Tuy nhiên, ông Đồng nhấn mạnh, vì bản chất là chất hóa học nên loại đường này vẫn có những độc tính nhất định, có nguy cơ gây hại đối với sức khỏe con người chứ không hoàn toàn an toàn như đường có trong tự nhiên.
Trao đổi qua điện thoại, một cán bộ của PC49 cho biết, đầu tháng 12 Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường (PC49) Công an TPHCM cũng đã kiểm tra, tạm giữ 5 tấn đường hóa học, chất tạo ngọt trái phép, trong đó có sản phẩm đường hóa học mang tên Tang Jing. Tuy nhiên, loại đường này xuất xứ ở đâu, có công bố hợp quy, có được phép sử dụng hay không, nếu sử dụng thì liều lượng ra sao… thì còn phải chờ kết quả từ phía Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế.
Tuy nhiên, theo vị cán bộ này, sản phẩm trong bao bì cũng có thể không chính xác với tên gọi được ghi bên ngoài, bởi qua kiểm tra cũng đã phát hiện nó là một loại đường hóa học khác, bị cấm, có hại cho sức khỏe người sử dụng nhưng được ơn vị sản xuất nhập về, đóng gói và gắn nhãn sản phẩm là Tang Jing.