NHƯ QUỲNH -
Có lẽ ít có ngôi chợ nào lại được đặt lên bàn họp nhiều như chợ Kim Biên (quận 5, TPHCM). Và lần này, với sự vào cuộc quyết tâm của lãnh đạo thành phố, nhiều người hy vọng sẽ có sự chuyển biến tích cực trong việc sắp xếp, quản lý ngôi chợ hóa chất nổi tiếng và cũng đầy tai tiếng này.
Trong mắt nhiều người, chợ Kim Biên là kẻ đáng sợ, thậm chí có người còn gọi đó là chợ “thần chết”. Bởi lẽ, đây là nơi gieo rắc sự bất an trong cuộc sống nói chung và lĩnh vực an toàn thực phẩm nói riêng thông qua việc cung cấp các loại hóa chất cho những người kiếm tiền bằng mọi giá.
Và có lẽ cũng chẳng ở đâu người ta có thể tiếp cận, mua các loại hóa chất dễ như mua kẹo tại ngôi chợ này. Những can hoá chất tẩy rửa sủi bọt, những thùng hóa chất tẩy trắng, những bịch chất phụ gia tẩm ướp thực phẩm, những chai hương liệu thơm phức…, tất cả đều có thể tìm mua ở đây. Thậm chí, có nơi người bán còn hướng dẫn cả công thức pha chế nếu người mua có nhu cầu.
Đã có không ít người bức xúc, cho rằng tại sao một ngôi chợ đáng sợ như vậy bao năm qua vẫn tồn tại trong lòng thành phố? Đâu phải lúc này việc siết chặt quản lý mới được đặt ra, thế nhưng tại sao ngôi chợ này vẫn ngày ngày hoạt động đầy thách thức? Sao chính quyền thành phố không dẹp đi cho xong?
Công bằng mà nói, ngoại trừ những chất đặc biệt, nhiều loại hóa chất được nghiên cứu, chế tạo ra là để phục vụ con người. Vấn đề là mục đích, cách thức và liều lượng sử dụng. Có thể do thiếu hiểu biết, và cũng có thể do biết mà làm ngơ nhiều người đã sử dụng hóa chất bừa bãi, bất chấp sức khỏe của người tiêu dùng. Một khi đã lạm dụng thì thuốc bổ cũng trở thành thuốc độc.
Quy hoạch lại, di dời chợ ra một trung tâm kinh doanh hóa chất ở ngoại ô thành phố là giải pháp đang được bàn đến vào lúc này. Song, nhiều người cho rằng vấn đề quan trọng nằm ở khâu quản lý, chứ không chỉ là dời địa điểm bán. Đó là chưa nói, hóa chất đâu chỉ bán ở chợ Kim Biên mà còn ở nhiều cửa hàng hóa chất trên nhiều tuyến đường trong thành phố.
Quản lý ở đây là quản lý cả người bán lẫn người mua bằng một quy trình chặt chẽ, tựa như quy định bán rượu cho người chưa đủ tuổi hay bán thuốc phải có toa bác sĩ. Nói cách khác, phải làm sao có được hành lang pháp lý với những biện pháp chế tài đủ mạnh để làm cho cả người bán và người mua hiểu rằng họ sẽ vướng vào rắc rối, bị rút giấy phép kinh doanh, thậm chí bị khởi tố, nếu họ vi phạm quy định.
Việc di dời chợ không kèm theo quy định quản lý chặt chẳng khác nào “bắt cóc bỏ dĩa”, sẽ không giải quyết được vấn đề. Bởi lẽ, cho dù có dời chợ đến chỗ nào đi nữa, một khi có nhu cầu thì người mua vẫn tìm đến.