Thứ tư, Tháng Một 22, 2025

Vẫn nhiều cơ hội vào đại học

Đăng Nam-

Với 15,5 điểm thi THPT quốc gia – vừa bằng mức điểm sàn do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, thí sinh ít cửa vào các trường đại học công lập có tiếng song vẫn còn rộng cửa bước chân vào các trường đại học khác, nhất là các trường đại học ngoài công lập.

Xét học bạ

Hiện tại, thí sinh đang được thay đổi các nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào các trường đại học. Theo dự báo của các chuyên gia tuyển sinh, năm nay, điểm chuẩn tại các trường đại học sẽ tăng nhẹ so với năm 2016. Tuy nhiên, với một số trường đại học ngoài công lập, mức điểm chuẩn sẽ không thay đổi nhiều. Do đó, với mức điểm 15,5 điểm, thí sinh có thể lựa chọn các ngành học yêu thích tại các trường đại học này. Nếu không tự tin với mức điểm đạt được, thí sinh có thể vào đại học bằng phương thức xét học bạ đang được triển khai ở khá nhiều trường.

Cụ thể, trường Đại học Kinh tế Tài chính TPHCM (UEF) thông báo mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển đại học theo kết quả thi THPT quốc gia 2017 với mức điểm 15,5 đối với tất cả các tổ hợp môn xét tuyển.

Với tổng chỉ tiêu tuyển sinh là 1.560, thí sinh có cơ hội trúng tuyển vào các ngành thế mạnh trong lĩnh vực kinh doanh, quản lý, thương mại, tài chính, kế toán... Năm 2017, UEF đào tạo một số chuyên ngành mới như Quan hệ quốc tế, Luật quốc tế, Ngôn ngữ Nhật giúp thí sinh có thêm nhiều chọn lựa.

Năm ngoái, điểm chuẩn nguyện vọng 1 vào trường này vừa bằng mức điểm sàn (15 điểm) với các ngành Công nghệ thông tin, Kế toán, Marketing và nhận mức 16 điểm với các ngành còn lại.

Tương tự, trường Đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH) công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển theo phương thức xét tuyển kết quả kỳ thi THPT quốc gia đối với tất cả các ngành đào tạo bằng ngưỡng điểm sàn của Bộ Giáo dục là 15,5 điểm. Năm nay, trường này tuyển sinh gần 5.000 chỉ tiêu, trong đó 50% để tuyển sinh theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia và 50% chỉ tiêu tuyển sinh theo phương thức xét tuyển kết quả học tập năm lớp 12. HUTECH vừa có thêm nhiều chỉ tiêu đại học các ngành mới Thú y, Kỹ thuật y sinh và Hệ thống thông tin quản lý.

Năm ngoái, hàng loạt các ngành của trường này lấy điểm chuẩn nguyện vọng 1 và các nguyện vọng bổ sung bằng mức điểm sàn như Công nghệ sinh học, Công nghệ thực phẩm, Kỹ thuật điện-điện tử, Kỹ thuật cơ khí, Kế toán, Tài chính-Ngân hàng...Với phương thức xét học bạ, thí sinh phải tốt nghiệp THPT hoặc tương đương và đạt điểm trung bình năm học lớp 12 của 3 môn trong tổ hợp dùng để xét tuyển từ 18 trở lên với tất cả các ngành (trừ ngành Dược lấy từ 20 điểm).

Tại trường Đại học Hoa Sen, với mức điểm từ 15,5 trở lên, thí sinh có nhiều cơ hội trúng tuyển khi  hầu hết các ngành, nhóm ngành bậc đại học là lấy điểm xét tuyển là 15,5. Riêng ngành Toán ứng dụng (Toán nhân hệ số 2) và ngành Ngôn ngữ Anh (tiếng Anh nhân hệ số 2) lấy 18 điểm. Với nhóm ngành Thiết kế (Thiết kế nội thất, thiết kế thời trang và thiết kế đồ họa), trường không sử dụng điểm thi THPT, mà xét tuyển dựa trên kết quả học tập 3 năm THPT đạt từ 6 điểm trở lên kèm điều kiện riêng của trường.

anh-tuyen-sinhThí sinh dự thi THPT quốc gia 2017 tại TP HCM.  Ảnh: Đăng Nam

Hàng ngàn chỉ tiêu

Năm nay, Đại học Hoa Sen xét tuyển 2.510 chỉ tiêu, theo 3 phương thức linh hoạt: dựa trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia (1.500 chỉ tiêu), kết quả học tập 3 năm THPT (600 chỉ tiêu), theo các điều kiện riêng của trường (410 chỉ tiêu). Năm 2016, hầu hết các ngành của trường này cũng lấy điểm chuẩn bằng mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển.

Ngoài ra, còn hàng ngàn chỉ tiêu với những ngành học thuộc lĩnh vực kinh doanh, tài chính, xã hội, luật, du lịch... của các trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Đại học Văn Hiến, Đại học Quốc tế Hồng Bàng cũng có điểm nhận hồ sơ xét tuyển và điểm chuẩn các năm trước bằng mức điểm sàn của Bộ Giáo dục.

Theo ông Phạm Doãn Nguyên, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh UEF, năm nay, với phổ điểm thi cao, các trường tốp trên cũng đã đưa ra mức điểm xét tuyển khá cao so với năm 2016. Nhiều thí sinh sẽ rơi vào tình trạng trúng tuyển ảo, sẽ dẫn đến việc sau khi các trường công bố điểm nguyện vọng 1 thì các thí sinh sẽ vỡ mộng đại học.

“Thí sinh cần hết sức cẩn trọng trong việc điều chỉnh nguyện vọng, đồng thời cũng nên nắm bắt cho mình cơ hội xét tuyển học bạ để chắc suất vào đại học trong năm nay”, ông Nguyên nói.

Hiện nay, nhiều trường đại học áp dụng tổ hợp môn xét tuyển khá đa dạng với 2-3 tổ hợp cho mỗi ngành. Trong giai đoạn điều chỉnh nguyện vọng, thí sinh có thể thay đổi tổ hợp môn dựa trên điểm thi thực tế, qua đó tận dụng tổ hợp môn có điểm cao nhất để tăng khả năng trúng tuyển.

Theo quy chế năm 2017, thí sinh chỉ được điều chỉnh nguyện vọng một lần duy nhất, vì vậy thí sinh cần cân nhắc kỹ điểm số của mình cũng như tham khảo điểm chuẩn qua các năm của các trường “trong tầm ngắm” để lựa chọn thay đổi đúng đắn nhất.

Theo kế hoạch xét tuyển đại học của Bộ Giáo dục, từ ngày 15 đến 21-7, thí sinh thực hiện điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển theo phương thức trực tuyến. Nếu thay đổi bằng phiếu đăng ký, thời hạn kéo dài đến 23-7. Đầu tháng 8, các trường công bố kết quả trúng tuyển đợt 1, sau đó thí sinh phải xác nhận nhập học. Tiếp đó, các trường sẽ tổ chức tuyển bổ sung thành nhiều đợt cho đến khi đủ chỉ tiêu.

Theo các chuyên gia tuyển sinh, từ vài năm trở lại đây, sau xét tuyển đợt 1, nhiều trường đại học ngoài công lập thường thiếu 15-30%, thậm chí là 50% chỉ tiêu. Do đó, cơ hội vẫn còn nhiều cho các đợt tuyển bổ sung. Thí sinh cần theo dõi sát thông tin đăng tải trên trang web tuyển sinh của các trường để có lựa chọn phù hợp.

Trước đó, ngày 12-7, Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo điểm sàn xét tuyển đại học năm 2017 là 15,5 ở tất cả khối, cao hơn 2 năm trước 0,5 điểm và cao nhất kể từ khi thực hiện thi 3 chung (chung đề, chung đợt và chung kết quả thi) tới nay.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối