(SGTT) - Thời điểm này, số bệnh nhi nhập viện vì bệnh hô hấp trên địa bàn TPHCM tăng cao, trong đó có nhiều ca chuyển nặng phải thở máy. Theo các bác sĩ, bệnh hô hấp lây qua không khí, đặc biệt dễ lan trong môi trường tập thể như trường học. Điều này có thể khiến nhiều trẻ nhỏ dễ nhiễm bệnh hơn trong giai đoạn này.
- TPHCM: cảnh báo nguy cơ mắc bệnh ngoài da ở trẻ nhỏ do nắng mưa thất thường
- Các trạm y tế tại TPHCM sẽ có đến 300 loại thuốc cung cấp cho người bệnh
Theo thống kê của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), từ đầu năm đến nay, trung bình mỗi tuần, TPHCM ghi nhận khoảng 17.000 ca bệnh viêm hô hấp cấp tính. Đây là bệnh diễn tiến theo mùa. Số ca bệnh cao nhất có thể rơi vào khoảng từ tháng 10 đến tháng 12 với hơn 20.000 ca/tuần, trong đó khoảng 60% tổng số ca bệnh là trẻ em.
Trẻ nhập viện tăng, nguy cơ quá tải giường bệnh
Tại phòng cấp cứu của Khoa Hô hấp 1 thuộc Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM), chị Yến Phúc (ngụ ở tỉnh Long An), cho biết con trai 5 tháng tuổi của chị mắc bệnh hô hấp. Trước đó một vài ngày, bé nhỏ xuất hiện nhiều cơn ho, mệt lả và chỉ số SpO2 (độ bão hòa oxy trong máu) giảm nên gia đình lập tức đưa lên TPHCM cấp cứu. Kết quả chẩn đoán là bé bị viêm phổi nặng. Hiện bé vẫn đang nằm cấp cứu vì biến chứng viêm phổi nặng.
Ngồi cạnh giường bệnh để chăm con gái 5 tháng tuổi mắc bệnh hô hấp, chị Nguyễn Giang (ngụ tại tỉnh Bình Phước), chia sẻ gần một tháng nay, bé nhỏ bị nóng sốt và tím tái toàn thân. Sau khi điều trị tại bệnh viện địa phương, bé được chuyển cấp cứu xuống Bệnh viện Nhi đồng 2.
Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi này bị viêm phổi nặng, cần nhập viện điều trị. Sau một thời gian điều trị, bé vẫn gặp tình trạng tiêu chảy kèm nôn ói. Hiện tình trạng sức khoẻ dần ổn định hơn và cần theo dõi thêm tại bệnh viện.
Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, bác sĩ, chuyên khoa 2 Nguyễn Hoàng Phong, Trưởng khoa Hô hấp 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết khoảng hai tuần gần đây, đơn vị tiếp nhận số bệnh nhân đến thăm khám các bệnh hô hấp tăng cao. Lượng bệnh nhi nhập viện nội trú tăng 20-25% so với một tháng trước đó. Một số trẻ nhập viện nặng phải nằm phòng cấp cứu do suy hô hấp nặng, thậm chí nhiều trẻ phải hỗ trợ thở oxy, thở máy.
“Hiện khoa đang điều trị nội trú cho khoảng 200-210 bệnh nhi mắc bệnh hô hấp, trong đó có khoảng 10-15% trong tình trạng nặng phải điều trị tích cực”, bác sĩ Phong thông tin thêm.
Bên trong phòng cấp cứu của khoa Hô hấp 1 của Bệnh viện Nhi đồng 2 hơn 20 giường bệnh đã gần kín chỗ, trong đó nhiều bệnh nhi mới chỉ vài tháng tuổi.
Theo bác sĩ Phong, hiện số ca bệnh hô hấp bắt đầu tăng nhưng vẫn chưa phải đỉnh dịch. Trước đây, những giai đoạn cao điểm, khoa hô hấp có thể tiếp nhận khoảng 350-400 bệnh nhân. Để đối phó với tình trạng bệnh tăng cao, bệnh viện đã chủ động các biện pháp sẵn sàng về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân sự, các kịch bản đối phó với bệnh nặng. Dự kiến có thể xảy ra vào quý 4 hàng năm.
Còn tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM), số lượng trẻ em nhập viện do các bệnh lý hô hấp cũng có xu hướng tăng lên. Ghi nhận đến thời điểm hiện tại, số bệnh nhi bị viêm tiểu phế quản là hơn 4.693 ca và viêm phổi là 8.176 ca.
Để giải quyết tình trạng quá tải, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã lên phương án dự phòng như bổ sung thêm các giường bệnh; tăng cường công tác điều trị, theo dõi ngoại trú; trưng dụng, mở rộng một số khoa liên quan bệnh hô hấp để tiếp nhận và điều trị bệnh nhi. Các bệnh nhi có thể điều trị ngoại trú và chỉ nhập viện khi thực sự cần thiết.
Dự báo ca bệnh tăng, đỉnh dịch rơi vào tháng 11
Nói về bệnh hô hấp ở trẻ nhỏ hiện nay, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TPHCM, cố vấn chuyên môn Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết thông thường bệnh hô hấp có hai mùa tăng cao. Đó là mùa trời mát chuyển sang trời nóng và mùa trời nóng chuyển sang trời hơi se lạnh (khoảng tháng 10 đến tháng 12). Vào thời điểm cuối năm, số ca bệnh hô hấp sẽ tăng cao hơn. Vì vậy, đây không phải đợt bệnh hô hấp mới, mà là đợt tăng bệnh hô hấp do các siêu vi thông thường theo mùa hàng năm.
Bác sĩ, chuyên khoa 2 Nguyễn Hoàng Phong, Trưởng khoa Hô hấp 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng dự báo số ca bệnh có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới, đỉnh dịch sẽ rơi vào tháng 11.
Theo các bác sĩ, có nhiều yếu tố dẫn đến bệnh hô hấp tăng cao. Trong đó, thời tiết chuyển mùa phù hợp cho virus phát triển. Bên cạnh đó, trẻ em bắt đầu đi học trở lại cũng là điều kiện thuận lợi để các bệnh liên quan đến hô hấp lây lan. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu do các siêu vi thông thường như Rhinovirus, virus hợp bào hô hấp (RSV), Adeno, cúm mùa…
Về triệu chứng, bác sĩ Phong cho biết khi trẻ nhỏ xuất hiện tình trạng như ho, sổ mũi, sốt, ho đàm, nghẹt mũi…, phụ huynh nên đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám. Khi trẻ nhỏ xuất hiện những triệu chứng ban đầu, nhiều phụ huynh thường bỏ qua khiến trẻ nhập viện muộn, gây khó khăn cho quá trình điều trị, nguy cơ gặp các biến chứng nguy hiểm tăng cao.
Ngoài ra, phụ huynh tuyệt đối không được chủ quan với bệnh hô hấp, không tự ý mua thuốc điều trị. Đặc biệt, trường hợp có những dấu hiệu cảnh báo nặng như khó thở, thở nhanh, sốt cao khó hạ…, phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ nhỏ đến bác sĩ chuyên khoa nhi gần nhất để được điều trị kịp thời.
Theo Sở Y tế TPHCM, trong thời điểm giao mùa và đầu năm học, phụ huynh cần phòng ngừa và hạn chế gia tăng bệnh hô hấp ở trẻ em bằng cách bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, thực hiện tốt vệ sinh cá nhân cho trẻ và tiêm chủng đủ các loại vắc-xin theo khuyến cáo của ngành y tế.