Thứ bảy, Tháng mười một 30, 2024

Vật thể sẽ biết nói

Các nhà nghiên cứu ở Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Microsoft và Adobe vừa phát minh phương pháp tái lập âm thanh qua việc phân tích các rung động bề mặt của vật thể quanh nguồn phát ra âm thanh.

Thí nghiệm được thực hiện bằng cách cho một người đàn ông trong phòng cách âm đọc một vài câu. Trong lúc người này đọc thì các nhà nghiên cứu ghi nhận sự dao động của một bịch bánh phồng tôm trong phòng qua kính cách âm bằng máy quay phim tốc độ cao.

Đối với mắt thường quan sát thì bịch bánh phồng tôm chẳng có dao động gì đặc biệt, tuy nhiên nó thật sự đang hoạt động như một chiếc ống vi âm – chuyển âm thanh thành tín hiệu điện tử, dao động rất nhẹ tương ứng với âm thanh tác động vào nó. Bằng cách sử dụng thuật toán phân tích, các nhà nghiên cứu có thể tái lập được âm thanh từ dao động quan sát được.

Các kết quả tương tự cũng đạt được bằng cách phân tích dao động của các vật thể khác đặt trong phòng như một ly nước, hoặc những chiếc lá cây hay một hộp khăn giấy.

TG1

Nguyên lý hoạt động được giải thích như sau: Khi nguồn âm phát ra âm thanh, âm thanh làm không khí dao động. Những dao động này truyền đến những vật thể gần đó làm chúng dao động tương ứng. Bằng những thuật toán phân tích các dao động của vật thể có thể giúp tái lập được nội dung âm thanh mà nguồn âm phát ra.

Các nhà nghiên cứu MIT không phải là những người đầu tiên nghĩ về vấn đề này. Trước đó, công nghệ dùng tia laser để tái lập âm thanh đã được thực hiện từ năm 2009. Tuy nhiên, theo phương pháp mới này, các nhà nghiên cứu không cần phải dùng đến thiết bị laser hoặc các nguồn chiếu sáng đặc biệt khác.

Trong thí nghiệm nêu trên, các nhà nghiên cứu không cần nguồn sáng đặc biệt nào khác ngoài ánh sáng tự nhiên. Camera được đặt cách bịch bánh phồng tôm khoảng 4,6 m (15 feet), có khả năng ghi được 2.000-6.000 khung ảnh mỗi giây.

Âm thanh sau khi được tái lập có độ trong và chính xác không quá cao nhưng đủ tốt để nghe và hiểu được người đàn ông trong phòng nói gì.

Rõ ràng khi phát minh này được thương mại hóa và ứng dụng rộng rãi, có lẽ người ta sẽ phải cẩn thận hơn trong lời ăn tiếng nói của mình và câu nói “tai vách mạch rừng” xem ra ngày càng đúng hơn.

Nguyệt Lan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối