Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024

Vất vả xây dựng thương hiệu thịt sạch

Ngọc Hùng -

Nhu cầu về thịt sạch đạt tiêu chuẩn VietGAP (Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) được đánh giá là rất lớn trên thị trường. Chẳng vậy mà nhiều hợp tác xã, công ty chăn nuôi đang hướng dòng sản phẩm của họ theo xu hướng này. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp cho biết đang gặp khó khăn trong việc xây dựng thương hiệu thịt sạch trên thị trường.

heovietgapNhu cầu về thịt heo sạch đạt tiêu chuẩn VietGAP được đánh giá là rất lớn trên thị trường.  Ảnh: Thành Hoa

Sau một thời gian tung sản phẩm thịt heo VietGAP ra thị trường, bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ, cho biết vừa mở thêm bốn điểm bán hàng, nâng tổng số cửa hàng bán thịt heo của công ty lên bảy điểm. Mỗi ngày công ty cung cấp cho thị trường khoảng 200-300 con heo VietGAP. Trước nhu cầu thị trường, công ty đang rốt ráo tìm kiếm những địa điểm mới ở TPHCM để tiếp tục mở rộng chuỗi cửa hàng.

Bà Cao Thị Ten, Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp Phú Ngọc ở Đồng Nai, cho biết sau khi thẩm định chất lượng gà thảo mộc của hợp tác xã, Công ty San Hà muốn hợp tác xã cung cấp khoảng 1.000 con gà mỗi ngày. Do chưa có đủ nguồn tài chính để đầu tư mở rộng quy mô đàn, nên hiện nay hợp tác xã chỉ có thể ký hợp đồng cung cấp 300 con gà thảo mộc mỗi ngày. Bà Ten cho biết, trong thời gian tới, hợp tác xã sẽ tìm cách mở rộng đàn gà thảo mộc, bằng cách liên kết với những cơ sở, trang trại khác để cùng nuôi nhằm đáp ứng đủ đơn hàng cho công ty phân phối.

Cách đây khoảng hai tuần, Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) ra mắt sản phẩm “thịt heo thảo mộc”. Theo lời giới thiệu của công ty này, đây là sản phẩm an toàn vì heo được nuôi bằng thức ăn có nguồn gốc thảo mộc, với 140 loại thảo dược thiên nhiên như hương thảo, đinh lăng, oải hương…

Ông Võ Văn Thiện, Giám đốc điều hành Công ty Chăn nuôi và Chế biến thực phẩm Sài Gòn (Sagrifood) thuộc (Sagri), cho biết lượng tiêu thụ thịt heo thảo mộc trên thị trường đang tăng dần. Lúc mới đưa sản phẩm ra thị trường, trung bình mỗi ngày công ty bán được bốn con heo hơi, nay số lượng đã tăng lên 10 con. Theo ông Thiện, tiềm năng thị trường còn nhiều nhưng do nguồn cung hạn chế nên công ty không đủ hàng để bán. “Từ nay đến tết, chúng tôi dự kiến bán ra thị trường khoảng 15 con mỗi ngày, những ngày giáp tết nhu cầu có thể tăng mạnh nhưng chúng tôi không thể tăng thêm vì nguồn cung có hạn”, ông Thiện cho biết.

Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, một số doanh nghiệp cho biết, nhu cầu thịt sạch trên thị trường là có, song để xây dựng thương hiệu cho dòng sản phẩm này không đơn giản.

Bà Thắm của An Hạ cho biết, do nguồn cung heo VietGAP của công ty lớn, không thể bán hết qua hệ thống bảy cửa hàng của công ty nên An Hạ phải chấp nhận bán cho các sạp, cửa hàng khác trên địa bàn thành phố. Những cửa hàng này lấy nguồn thịt heo từ nhiều nơi, nên không đồng ý treo bảng thịt heo VietGAP An Hạ, nghĩa là thịt heo VietGAP đã không được nhận diện thương hiệu.

Bà Thắm cho biết, để làm thương hiệu thịt heo VietGAP, công ty phải mở rộng hệ thống bán hàng càng nhiều càng tốt. Song, vấn đề hiện nay là chi phí mở điểm bán hàng. Trung bình mỗi cửa hàng bán được 1-2 con heo VietGAP mỗi ngày. Việc mở rộng các điểm bán hàng để tiêu thụ hết số heo VietGAP của công ty là điều phải tính toán, bởi chi phí mặt bằng lớn khiến thu không đủ chi.

Bà Ten của Hợp tác xã nông nghiệp Phú Ngọc cho biết khó khăn bà gặp phải hiện nay là nguồn cung thảo mộc tăng giá khiến chi phí chăn nuôi tăng lên. Về đầu ra sản phẩm, hợp tác xã đã có được hợp đồng dài hạn với Công ty San Hà. Đây là cách giúp cho cả bên sản xuất lẫn bên bán hàng chủ động được nguồn cung và có những kế hoạch dài hơi trong việc xây dựng thương hiệu.

Bà Ten cho biết, trước đây nguyên liệu thảo mộc nhập về có giá 27 đô la Mỹ (khoảng 600.000 đồng)/kg, nay đã tăng lên 33 đô la Mỹ (khoảng 735.000 đồng)/kg. “Để đảm bảo chất lượng thịt gà, chúng tôi phải sử dụng một công thức về cho ăn, tức là không thể thêm hay bớt lượng thảo mộc cho mỗi con gà trong cả quá trình nuôi. Vì thế, giá nguyên liệu thảo mộc tăng, tức là chi phí đầu vào tăng trong khi giá bán đã được cố định”, bà Ten cho biết.

Trong khi đó, Sagrifood đang tự tin trước nhu cầu thị trường tăng, một phần là do công ty này đăng ký độc quyền với bên cung cấp thức ăn thảo mộc tại Việt Nam, nên thịt heo thảo mộc gần như chỉ có Sagrifood sản xuất và bán ra thị trường. Ông Thiện cho biết, lâu nay nhiệm vụ của Sagrifood là cung cấp nguồn thịt heo cho chương trình bình ổn thị trường của Sở Công Thương TPHCM, nên khó có thể chuyển toàn bộ trang trại chăn nuôi hiện nay sang nuôi heo thảo mộc mặc dù nhu cầu thị trường đối với sản phẩm này đang tăng lên.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối