Trần Thu
Khi vay vốn ngân hàng, ngoài lãi suất, người tiêu dùng còn phải trả thêm chi phí bảo hiểm hàng năm cho khoản vay này, nhằm đảm bảo giảm thiểu rủi ro mất vốn của ngân hàng, và bản thân người đi vay cũng giảm bớt gánh nặng trả nợ vay khi xảy ra tai nạn, thiệt hại.
Hiện nay khi đi vay, tài sản thế chấp thường thấy là bất động sản, nhà cửa. Giả sử một người đi vay tiền ngân hàng để mua một căn hộ chung cư, khi ấy tài sản thế chấp thường là chính ngay căn hộ này.
Nếu căn hộ – tức tài sản thế chấp này chưa được hình thành, người đi vay phải mua bảo hiểm con người cho người đi vay, với mức phí khoảng 0,3% tổng số tiền vay/năm, tùy từng công ty bảo hiểm. Mức phí này được tính trước hàng năm dựa trên kế hoạch trả nợ được quy định trên hợp đồng, theo đó mức phí cũng sẽ giảm hàng năm dựa trên số dư nợ.
Nếu không may, người đi vay bị tử vong, công ty bảo hiểm sẽ bồi thường, tức trả 100% số dư nợ. Tuy nhiên, trong trường hợp khách hàng trả cho ngân hàng sớm hơn kế hoạch trả nợ quy định trong hợp đồng, số tiền bồi thường sẽ được trả cho phía khách hàng.
Trong trường hợp tài sản thế chấp đã hình thành, người đi vay phải mua bảo hiểm cháy nổ cho tài sản (chẳng hạn như bảo hiểm cháy nổ cho căn nhà để bảo hiểm cho trường hợp cháy nổ do tai nạn, thiên tai), với mức phí khoảng 0,1% tổng số tiền vay (dư nợ), hoặc của giá trị tài sản. Tùy từng công ty bảo hiểm, mức phí này có thể 0,1% hoặc cao hơn.
Nếu chỉ đóng mức phí 0,1% của dư nợ, trong trường hợp cháy nổ do tai nạn, thiên tai, ngân hàng sẽ nhận được số tiền bồi thường tương đương với dư nợ, hoặc thấp hơn tùy vào giá trị của tài sản thế chấp sau khi được thẩm định giá. Với mức phí là 0,1% của toàn bộ giá trị căn nhà, số tiền bồi thường sẽ tương đương với giá trị căn nhà, hoặc thấp hơn tùy kết quả thẩm định.
Theo nhân viên tư vấn bảo hiểm của một công ty đang cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho người đi vay ngân hàng, khi mua bảo hiểm cho việc vay vốn, khách hàng thường chọn mua gói bảo hiểm có chi phí thấp, tuy nhiên ngân hàng muốn đảm bảo quyền lợi của mình nên muốn khách hàng đóng mức phí cao hơn, do đó lựa chọn đóng mức phí nào (chẳng hạn 0,1% của số tiền đi vay hay giá trị căn nhà) là tùy thỏa thuận của ngân hàng.
Ngoài ra, với một số loại bảo hiểm, như bảo hiểm con người cho người đi vay, một số công ty bảo hiểm thuộc ngân hàng được độc quyền bán loại bảo hiểm này cho khách hàng đi vay tại ngân hàng đó. Tuy nhiên, tùy công ty bảo hiểm, mặc dù độc quyền, mức phí đưa ra có thể vẫn thấp hơn so với các công ty bảo hiểm khác.