Trong thời gian gần đây, sự ra đời của các trang web cho vay tiền nhanh với những lời quảng cáo hấp dẫn thu hút sự chú ý của nhiều người do thủ tục đơn giản và hai bên tự thỏa thuận về lãi suất. Tuy nhiên, cũng giống như các hình thức cho vay “nóng”, luật pháp Việt Nam chưa có quy định về hình thức cho vay ngang hàng này nên người vay gặp nhiều rủi ro, trong đó, rủi ro lớn nhất là lãi suất cao.
Thủ tục rất đơn giản
Việc vay vốn không cần chứng minh nguồn tài chính đã khá quen thuộc với nhiều người trẻ khi các công ty tài chính ra đời. Những thương hiệu quen thuộc như Home Credit, FE Credit, HD Saison… được nhiều người biết đến. Thế nhưng, nếu là người thường xuyên chơi Facebook, các bạn trẻ còn được tiếp cận thêm rất nhiều quảng cáo vay tiền dễ dàng, không cần chứng minh, không lo lãi suất từ những tổ chức mới như Doctor Đồng, Kienbank.com, VaytienAZ, Tima, Olava, vinavay… Những cái tên này thường có thông điệp gây sự chú ý như “không đi xa, vay tại nhà”, “vay tiền nhanh trong ngày online”, “có tiền mặt 30 phút”… Những thông điệp như lãi suất 0%, phí tư vấn 0%, phí dịch vụ 0%... thực sự hấp dẫn đối với những người vay trẻ tuổi.
Những lời quảng cáo trên khiến người vay ngộ nhận rằng có thể do cạnh tranh tìm kiếm khách hàng nên thủ tục cho vay từ các trang web cho vay tiền nhanh dễ hơn nhiều so với những công ty đã hình thành nhiều năm. Thế nhưng, khi tìm hiểu những khoản vay tại các trang web này, người vay mới vỡ lẽ lãi suất cao như lãi suất cầm đồ.
Anh T. (TPHCM) chia sẻ vì cần tiền nên cách đây một năm anh đã thực hiện hai hợp đồng với một trang web cho vay tiền nhanh để đầu tư kinh doanh. Anh vay 3 triệu đồng theo hợp đồng đầu tiên và nếu hoàn trả sau 7 ngày thì sẽ không tính lãi. Tuy nhiên, số tiền thực lĩnh của anh chỉ là 2,5 triệu đồng, số tiền còn lại là 500.000 đồng được chia thành hai phần: dùng để tạo hồ sơ (290.000 đồng) và gia hạn cho 7 ngày đó (210.000 đồng). Nhân viên tư vấn của trang web này cho biết lãi suất của công ty là 1%/ngày. Sau 7 ngày anh T. thanh toán cả tiền gốc và lãi là 3,18 triệu đồng và tất toán hợp đồng lần 1.
Hai ngày sau, anh T. yêu cầu được vay lần 2 với khoản vay 3 triệu đồng với lãi suất 1%/ngày. Rắc rối xảy ra khi đến gần ngày thanh toán, anh nhận được tin nhắn từ công ty cho vay đề nghị anh thanh toán số tiền phạt lãi vì chưa thực hiện hoàn tất hợp đồng đầu tiên. Số tiền thiếu là 30.000 đồng và nợ lãi đã tăng lên hơn 600.000 đồng. Kết quả, số tiền lãi anh T. đóng cho khoản vay lần 2 đã bị công ty cấn trừ vào nợ lãi của lần 1. Còn khoản vay lần 2 cũng lại trở thành khoản nợ quá hạn với số tiền phạt hơn 2 triệu đồng.
Cũng không khác trường hợp của anh T. là mấy, chị P. (TPHCM) cho biết, cách đây một tháng, chị vay thử 3 triệu đồng trên một trang web vì thấy điều kiện vay quá dễ dàng. Đúng như quảng cáo, chỉ sau khi đăng ký vay, có nhân viên tư vấn gọi điện thoại cho chị P. kiểm tra vài thông tin cá nhân và chị đã nhận được tiền vay ngay tại công ty chị làm việc sau đó vài tiếng. Quá trình vay diễn ra thuận lợi cho đến khi chị phải đóng tiền góp. Theo thỏa thuận ban đầu, chị góp mỗi tháng 1,2 triệu đồng, sau 3 tháng sẽ kết thúc khoản vay. Tuy nhiên, sau đó, chị nhận được thông tin là khoản tiền góp hàng tháng là chưa cộng phí. Tính chung cả phí và lãi thì mỗi tháng chị phải góp gần 1,5 triệu đồng. Nếu thanh toán đúng hạn thì sau 3 tháng, số tiền vay chị P. phải trả khoảng 4,5 triệu đồng.
Tự chịu rủi ro
Thực tế, trường hợp của anh T. hay chị P. nêu trên đều bị vướng lãi suất cộng dồn hoặc phí cộng thêm ở các khoản vay. Hiện nay, phần lớn những khoản vay tại các web cho vay tiền nhanh đều có cách tính toán lãi vay khác nhau nhưng thường có điểm chung là lãi suất cao. Hình thức cho vay được hướng dẫn trên website của các công ty khá giống nhau: sau khi xác nhận thông tin đăng ký, nhân viên sẽ liên hệ với khách hàng để giao hợp đồng. Trong khoảng 1 giờ đồng hồ, nếu hợp đồng được duyệt, khách hàng có thể nhận được tiền vay tại những điểm giao dịch của một số công ty có dịch vụ thanh toán điện tử hoặc cũng có thể nhận tiền mặt từ người của công ty mang tới. Về lãi suất, việc vay qua các trang web có lãi suất vay thấp nhất 1%/ngày, 7%/tuần, 30%/tháng.
Trên thực tế, vì thủ tục vay quá đơn giản, dễ dàng, nên rất nhiều người chọn vay qua lời mời quảng cáo trên Internet, trên các trang mạng xã hội để giải quyết nhu cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, hiện chưa có luật nào bảo vệ người vay qua các trang mạng với lãi suất cao. Người vay cần nhận thức rõ việc vay tại những trang web không rõ ràng là một hình thức vay nóng và phải chịu rủi ro, trong đó lãi suất cao là rủi ro lớn nhất. Chưa kể, một số công ty, tiệm cầm đồ,… lợi dụng mô hình này để hoạt động tín dụng đen trá hình hoặc lừa đảo.
Đối với người đi vay, trong trường hợp họ không có khả năng trả nợ có thể sẽ bị người cho vay dùng những biện pháp qua công ty môi giới để thu hồi nợ một cách không chính thống, mang tính ép buộc hay đe doạ... Theo một vị đại diện của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, hiện nay pháp luật chưa có quy định nào về kiểm soát rủi ro khi vay ngang hàng. Do vậy, nếu xảy ra rủi ro cho các bên tham gia mô hình vay và cho vay này thì rất khó được giải quyết quyền lợi, vì không có cơ sở pháp lý để xử lý. Điều này đòi hỏi người tham gia mô hình vay ngang hàng phải thận trọng.
Để đảm bảo lợi ích, người tiêu dùng khi có nhu cầu vốn nên tìm đến các tổ chức cho vay có uy tín, trong đó có các ngân hàng, công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động để tránh tín dụng đen, lãi suất cao.
Vũ Quỳnh