Chủ Nhật, Tháng mười hai 15, 2024

Về Đà Nẵng trải nghiệm “Ẩm thực Đà Nẵng – hương vị và ký ức”

(SGTT) - Chúng tôi rất ấn tượng khi đến tham quan, trải nghiệm những đặc sản Đà Nẵng tại Ngày hội Di sản Văn hóa Đà Nẵng năm 2022 với chủ đề “Ẩm thực Đà Nẵng – hương vị và ký ức”, đang tổ chức trong hai ngày (25, 26-11-2022) tại Bảo tàng Đà Nẵng, TP Đà Nẵng.
Một khu vực phục vụ ăn uống tại chỗ trong ngày hội. Ảnh: Tiên Sa

Qua ghi nhận, ngày hội gồm một số hoạt động như triển lãm ảnh Ẩm thực phố Đà Nẵng, trải nghiệm Không gian văn hóa ẩm thực Đà Nẵng, tọa đàm Mì Quảng và câu chuyện văn hóa ẩm thực… Qua đó, du khách như biết thêm về ăn hóa ẩm thực của người Đà Nẵng, từ xa xưa cho đến góc nhìn hiện đại ngày nay.

Cụ thể, không gian văn hóa ẩm thực Đà Nẵng là khu phức hợp với trên 12 gian hàng giới thiệu các món ăn truyền thống nơi đây như mì Quảng Túy Loan, bánh tráng Túy Loan, gỏi cá Nam Ô, mì Quảng Phú Chiêm, cá nục cuốn bánh tráng, bánh tráng cuốn thịt heo, bánh tráng đập, bánh đúc, bánh canh (cháo chờ), bánh khô mè Bà Liễu Mẹ… Không chỉ là thưởng thức, du khách và các em sinh viên, học sinh còn có dịp ghi hình các mẹ, các chị chế biến các món ăn truyền thống nêu trên.

Dừng chân trước gian hàng ẩm thực cháo chờ của chị Bùi Thị Ánh (52 tuổi, trú số nhà 692, Nguyễn Lương Bằng, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), chúng tôi thấy thực khách thưởng thức khá đông, nhiều người còn mua mang về nhà. Qua trao đổi, chị Ánh cho hay, chị có trên 20 năm bán bánh canh (còn gọi là cháo chờ) tại nhà, và trung bình mỗi ngày bán khoảng 500 tô với giá từ 20.000 - 30.000 đồng/tô. Nguyên liệu chính để nấu bánh canh thơm ngon và đầy hương vị là cá nục tươi của biển Đà Nẵng.

Gian hàng ẩm thực cháo chờ của chị Bùi Thị Ánh. Ảnh: Tiên Sa

Qua tiếp gian hàng có tên bánh khô mè Bà Liễu Mẹ, chúng tôi được nghe tâm sự của anh Huỳnh Đức Khiển về món ăn đặc sắc này. Theo đó, mẹ anh là người làm nên thương hiệu bánh khô mè Bà Liễu Mẹ và nay đến anh là thế hệ thứ 2 duy trì nghề này. Trung bình mỗi ngày cơ sở của anh sản xuất ra 3 tạ bánh thành phẩm, mùa cao điểm như tết lên đến 5 tạ. Về bánh, đa dạng các loại như bánh khô mè đen, bánh khô mè trắng, bánh khô nổ... có giá bán khoảng 80.000 đồng/kg đã đóng bao bì. Đặc biệt, sản phẩm của doanh nghiệp anh Đức Khiển còn được công nhận OCOP 4 sao, và luôn nằm trong top 10 đặc sản bánh quà tặng Việt Nam.

Anh Huỳnh Đức Khiển giới thiệu bánh khô mè Bà Liễu Mẹ. Ảnh: Tiên Sa

Khi bụng đã dần đói, chúng tôi ghé thưởng thức mì Quảng Phú Chiêm tại gian hàng ẩm thực có tên Mì Quảng Phú Chiêm đang được các bạn trẻ đừng chờ đông đúc. Qua trao đổi, chị Đinh Thị Thuận (45 tuổi, trú thôn Thanh Chiêm 1, xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), cho hay gia đình chị có nhiều đời chế biến món mì Quảng Phú Chiêm. Riêng chị có trên 25 năm bán mì Quảng Phú Chiêm tại quê nhà, và mỗi ngày bán khoảng 100 tô.

Chị Đinh Thị Thuận giới thiệu món mì Quảng Phú Chiêm. Ảnh: Tiên Sa

Mì Quảng Phú Chiêm có nét riêng biệt là nguyên liệu nấu nồi nước nhưn là thịt heo ba chỉ và tôm sông, ngày nay có thêm trứng cút. Ngoài ra, nồi nước nhưn truyền thống của mì Quảng Phú Chiêm còn có hương vị riêng biệt của nước cốt con rạm đồng sau khi giã nhỏ vắt lấy nước rồi đánh nhuyễn với lòng đỏ trứng gà cho vào nồi nhưn nấu cùng.

Các bạn sinh viên, học sinh thưởng thức mì Quảng Túy Loan. Ảnh: Tiên Sa

Được biết, chủ đề “Ẩm thực Đà Nẵng – hương vị và ký ức” nằm trong chuỗi chương trình Ngày hội Di sản Văn hóa Đà Nẵng được Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức thường niên vào tháng 11 hằng năm.

Tiên Sa

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối