(SGTT) - “Để hiểu một thành phố, bạn phải hiểu người dân sống ở đó, hãy hỏi họ xây dựng nó như thế nào”, Andrew Swanson, quốc tịch Mỹ, 33 tuổi, chia sẻ về chuyến đi đến vùng đất Ninh Thuận đầy nắng gió.
- Gợi ý hành trình 3 ngày khám phá Ninh Thuận
- Đến Ninh Thuận, du khách không nên bỏ qua những món ăn này
- Vườn quốc gia Phước Bình – điểm đến mát lành giữa “chảo lửa” Ninh Thuận
Sống ở Việt Nam được một năm với nhiều công việc khác nhau, đi nhiều nơi trên dải đất hình chữ S nhưng Andrew vẫn chưa đặt chân đến Ninh Thuận. Qua lời kể của bạn bè về vẻ đẹp nơi đây, anh và vợ càng nôn nóng muốn khám phá vùng đất này.
Sau khi đáp chuyến bay xuống sân bay Cam Ranh, Khánh Hòa, vợ chồng anh nghỉ đêm tại một resort. Ngày tiếp đó, hai người cùng những người bạn Việt Nam thuê xe máy nhắm hướng vịnh Vĩnh Hy mà tiến.
Tỉnh lộ 702 chạy dọc bờ biển Ninh Thuận đã khiến Andrew mê mẩn. Anh nói mình bị sốc trước những ngọn núi, cung đường phẳng mịn thênh thang. Cảnh sắc ở đây làm anh nhớ đến miền nam California.
Khi đến vịnh Vĩnh Hy, người dân địa phương nhiệt tình chỉ cho anh và nhóm bạn đường tắt băng qua một trang trại tư nhân, men theo một con đường mòn dưới rặng xoài chín ngọt thơm trộn lẫn vị mặn của biển. Tiếp theo, cả nhóm lên một con tàu kính lướt ra khơi ngắm san hô và dùng bữa tại một nhà hàng nổi.
Vịnh Vĩnh Hy nằm ở Đông Bắc tỉnh Ninh Thuận, cách thành phố Phan Rang - Tháp Chàm 42km, mang vẻ đẹp do thiên nhiên ban tặng với những ngọn núi bao quanh. Trong đó, vườn quốc gia Núi Chúa được thành lập năm 2003, là một quần thể núi tạo cho tỉnh Ninh Thuận có một địa thế đặc biệt hơn so với các tỉnh khác của vùng duyên hải.
Tại Vĩnh Hy, cả nhóm may mắn đến đúng lúc người dân đang bán mẻ cá vừa bắt được từ biển. Vị thuyền trưởng giải thích thêm cho nhóm “Ninh Thuận là một trong 18 điểm hiếm hoi trên thế giới có hiện tượng nước trồi (là một hiện tượng hải dương nói về dòng nước lạnh, nhiều dinh dưỡng và đặc quánh di chuyển từ phía sâu lên vùng nước nông, thay thế cho dòng nước nóng hơn), vì thế hải sản Ninh Thuận rất giàu dinh dưỡng”.
Điểm đến tiếp theo của nhóm Andrew là bãi biển Vĩnh Hải, sau khi thưởng ngoạn bãi đá san hô cổ nghìn năm tuổi tại Hang Rái và một xưởng làm sản phẩm nho truyền thống.
Khi tiếp xúc với người dân địa phương, Andrew bị người dân trêu đùa vì chiều cao quá khổ so với người Việt khi anh lom khom cúi người dưới những chùm nho trĩu quả. Anh còn được họ mời thử rượu nho và ăn mứt nho.
Ninh Thuận không chỉ có biển, mà ngọn tháp Po Klong Garai của dân tộc Chăm đã khiến hai vợ chồng anh phải trầm trồ. Anh kinh ngạc vì kỹ thuật xây dựng tháp cùng những câu chuyện lịch sử bi hùng của một vùng đất đã từng được gọi là Panduranga.
Sự giao thoa văn hóa giữa người Việt và người Chăm, cũng như sự khô cằn nắng rát của tự nhiên bên cạnh vẻ đẹp trời ban của Ninh Thuận đã mê hoặc tâm trí anh.
Ninh Thuận rộn ràng mùa khách du lịch từ tháng 11 năm này cho đến tháng 3 năm sau. Nhờ lợi thế gió mạnh, nhiều du khách nước ngoài mê các môn thể thao trên biển đều tập trung về đây. Một số khác thích nằm dài phơi nắng trên bãi biển.
Theo lời hướng dẫn viên cho nhóm, rồi đây, Ninh Thuận sẽ càng thu hút nguồn đầu tư hơn nữa với những gì mà nơi này đang sở hữu. Andrew cùng nhóm bạn rảo những vòng xe về hướng ga Tháp Chàm để kịp bắt chuyến tàu về lại Sài Gòn, kết lại một kỷ niệm đẹp về miền đất "nắng như phan, gió như rang".
Thanh Thu