Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024

Vẻ đẹp yên bình của biển Kep, cách Việt Nam chỉ 20km

(SGTT) - Không ồn ào, náo nhiệt, cũng chẳng có bãi cát vàng lấp lánh hay mặt nước trong xanh màu cẩm thạch như Sihanoukville, nhưng biển Kep lại có vẻ đẹp rất riêng làm mê hoặc lòng người.

Tỉnh Kep một thời vàng son

Bờ biển Kep khá sạch và thoáng đãng, xa xa là núi Bokor. Ảnh: Đặng Trung Thành

Biển Kep thuộc tỉnh Kep, Campuchia, cách cửa khẩu biên giới Hà Tiên, Việt Nam khoảng 20km. Kep được Pháp xây dựng phồn thịnh từ năm 1908, lúc ấy gọi là Le Cap, có nghĩa là “mũi đất nhô ra biển” và được nâng cấp thành các khu resort cạnh biển từ những năm 1960. Thời nhà Nguyễn, Kep được gọi là “Quảng Biên”, còn trong tiếng Khmer, Kep có nghĩa là “yên ngựa”.

Trong thời Khmer đỏ chiếm đóng, các công trình cổ kính, resort của người Pháp ở Kep bị phá hủy rất nhiều, gần như chỉ còn tàn tích. Nhưng dấu ấn vàng son một thời của Kep vẫn còn lưu dấu ít nhiều cho đến tận hôm nay. Đó là những ngôi nhà, cây cầu cổ kính hơn trăm tuổi nằm rải rác khắp nơi quanh thành phố.

Đường biển Kep khá ngắn, nhưng đủ làm níu chân du khách khám phá. Bãi biển khá sạch, đẹp dịu dàng và bình yên đến lạ. Mỗi ngày đều có người nhặt những mảnh rác do sóng xô vào bờ nên biển Kep lúc nào cũng thoáng đãng. Thêm nữa, dân ở đây có ý thức bảo vệ môi trường tốt, cứ hễ thấy rác là nhặt cho vào sọt ngay mà không lờ đi.

Thường người ta đến Kep ngoài việc tắm biển còn để trải nghiệm sự bình yên. Kep là nguồn cảm hứng cho những họa sĩ, thi sĩ, nhạc sĩ tìm đến đây để phóng bút, múa cọ. Đi bộ dưới hàng phượng trải dài trên bờ biển Kep trong buổi bình minh thật mát rượi.

Tầm 5:00-6:00 giờ sáng, rất đông người chạy bộ quanh bãi biển và hít lấy khí trời trong lành. Từ tượng nàng Srey Sor, cho phép du khách ngắm toàn cảnh biển.

Phía bên phải cách 40km là vườn quốc gia Bokor, người Việt gọi là núi Tà Lơn với dãy núi xanh rì ẩn hiện trong làn mây trắng. Bên trái, xa xa là đảo Koh Tonsay (Đảo Thỏ), xa hơn nữa là đảo Phú Quốc, Hòn Tre của Việt Nam...

Sóng biển Kep không dữ dội mà mơn man từng đợt êm dịu như bản nhạc du dương. Từ Kep, du khách có thể thuê ca-nô ra đảo Koh Tonsay mất 30 phút để nghỉ dưỡng và có thể ngắm nhìn đảo Phú Quốc từ xa thực tế hơn.

Biển Kep nổi tiếng ghẹ ngon

Tượng nàng Srey Sor vọng phu. Ảnh: Đặng Trung Thành

Tượng nàng Srey Sor và biểu tượng con ghẹ (Crab Statue) khổng lổ nằm giữa biển luôn là điểm check-in của những người mê chụp ảnh. Srey Sor là cả một sự tích đau thương về người phụ nữ chờ chồng đi biển không trở lại (như “Hòn Vọng Phu” ở Việt Nam), trong khi bức tượng con ghẹ lại nói về đặc sản của tỉnh Kep.

Ở Campuchia có một nét văn hóa thú vị, ở mỗi tỉnh, thành đều có bức tượng gắn liền với đặc sản, truyền thuyết của nơi đó. Vì vậy khi du khách đặt chân đến, có thể nhận ra sự khác biệt ấy.

Biểu tượng con ghẹ là đặc sản ở biển Kep. Ảnh: Đặng Trung Thành

Vùng biển này khá kỳ lạ, ghẹ xanh kéo về sinh sống rất đông và thịt của chúng cũng rất ngon. Đến đây nhất định du khách phải ăn ghẹ vì là đặc sản của biển Kep. Từ mờ sáng, ngư dân đã ra xa bờ mang theo những chiếc lồng rập thủ công bằng tre. Và mấy tiếng sau vào bờ thì trên ghe đã đầy ắp ghẹ xanh tươi rói.

Theo luật ở Campuchia, người dân không được bắt ghẹ con, vì vậy chẳng may chúng chui vào lồng thì phải mang thả về với biển cả. Ở đất liền, thương lái đã chờ ngư dân từ sớm để mua ghẹ tươi, họ buộc dây cẩn thận để bán lại cho du khách.

Thương lái thu mua ghẹ vừa đánh bắt gần chợ hải sản Kep. Ảnh: Đặng Trung Thành

Một ký ghẹ ngon tầm 5-7 đô-la Mỹ tùy theo lớn nhỏ. Du khách có thể mang ghẹ đến quán nhờ họ rửa sạch và chế biến giúp. Phí dịch vụ không đắt lắm, tầm 1 đô-la Mỹ là có ngay dĩa ghẹ đỏ au, kèm theo nước chấm.

Dân nơi đây đa phần là người Chăm hòa đồng, hiếu khách, có thể trao đổi tiếng Anh nếu du khách không rành tiếng Khmer. Ghẹ ở Kep săn chắc, đầy ắp thịt, ngọt đậm đà, khác hẳn với ghẹ mà khách tham quan đã từng ăn ở những nơi khác. Ngoài ghẹ ngon, chợ hải sản ở Kep còn bán mực, bạch tuộc, tôm tít, sò huyết… cũng ngon không kém gì.

Chia tay biển Kep, du khách có thể dạo quanh thành phố để tìm hiểu văn hóa và đời sống sinh hoạt của người Chăm, cũng như thăm chùa cổ Samot Reangsey, chùa cổ Samathi Pagoda, Vườn quốc gia Kep, nông trại Flying Dog Farm, nông trại Flying Dog Farm, các tàn tích thời Pháp còn sót lại...

Ghẹ xanh tươi ngon ở biển Kep. Ảnh: Đặng Trung Thành

Hoặc du khách đi theo hướng tỉnh Kampot để thăm cánh đồng muối, hang động đá vôi tự nhiên, vườn tiêu, sầu riêng trù phú hoặc chiêm bái núi thiêng Bokor. Đường từ Kep đến Kampot chỉ cách 30km, rất đẹp, và xe cộ vắng người, dễ dàng di chuyển.

Di chuyển đến Kep

Từ Việt Nam, du khách có thể đến Kep bằng nhiều hướng. Nếu đi bằng đường hàng không, du khách đặt vé máy bay đến thủ đô Phnom Penh, sau đó đón xe khách đi về tỉnh Kampot (80km). Các hãng xe khách Giant Ibis, Kim Seng, Ekareach... giá tầm 9 đô-la Mỹ. Từ Kampot đón TukTuk truyền thống, Grab TukTuk, taxi hoặc thuê xe máy về thành phố Kep (giá thuê xe máy 5 đô-la Mỹ/ngày). Từ tỉnh Kampot về biển Kep tầm 30km.

Nếu đi đường bộ, khách tham quan có thể đón xe khách qua Phnom Penh hay qua những tỉnh ở Campuchia, thủ tục xuất nhập cảnh nhà xe sẽ lo hết. Khi xe đỗ bến phía Campuchia, du khách đón tiếp xe về tỉnh Kampot như hướng dẫn trên. Vì Kampot là thành phố du lịch nổi tiếng nên bất kỳ tỉnh nào ở Campuchia cũng có xe khách đến.

Nếu ở Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, du khách đi xe khách về thành phố Hà Tiên (Kiên Giang), nhờ xe trung chuyển ra Cửa khẩu Hà Tiên, làm thủ tục xuất cảnh, rồi nhập cảnh vào Campuchia dễ dàng. Sau đó đón xe ôm hoặc TukTuk về biển Kep tầm 5 đô-la Mỹ. Đây là tuyến đường qua biển Kep gần nhất, chỉ mất 20km.

Du khách cũng có thể qua cửa khẩu bằng ô tô, xe máy riêng nếu đầy đủ giấy tờ. Ở đây, chi phí khách sạn, ăn uống không đắt, không “chặt chém” phù hợp với mọi người tham quan.

Đặng Trung Thành

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối