Thứ tư, Tháng mười hai 4, 2024

Về Hưng Yên đắm mình trong không gian Phố Hiến xưa

(SGTT) - Phố Hiến xưa hay Hưng Yên nay trải qua bao biến thiên thăng trầm của lịch sử, song cho đến ngày nay, vẫn mang trong mình giá trị văn hoá của một nơi nức tiếng chỉ đứng sau Thăng Long - Hà Nội xưa.

“Nhất Kinh Kỳ, nhì Phố Hiến” hẳn là câu người đời truyền tụng nhau biết bao đời về hai vùng đất nổi tiếng nhất khi xưa của Bắc Bộ.

Văn miếu Xích Đằng từ chính điện nhìn ra Tam quan. Ảnh: Vương Lộc.

Thành phố Hưng Yên giờ đây đã thay da đổi thịt, khác biệt hơn rất nhiều so với năm xưa. Dọc theo con đường nhựa khang trang, kết nối những vùng trong thành phố, chiếc xe lăn bánh đều và cảm nhận rõ rệt những đổi thay của một vùng đất từng là nơi giao thương sầm uất, phát triển đô thị mạnh mẽ trong lịch sử vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Hoa sứ vương lối đi trong Văn miếu Xích Đằng. Ảnh: Vương Lộc.

Văn miếu Xích Đằng được cho là biểu tượng của vùng Phố Hiến xưa, tương tự Văn Miếu - Quốc Tử Giám, linh hồn của Thăng Long - Hà Nội. Văn miếu Xích Đằng được xây dựng năm 1701, hiện nằm ở đường Lê Quý Đôn, phường Lam Sơn, TP Hưng Yên.

Hàng bia đá trong Văn miếu Xích Đằng. Ảnh: Vương Lộc.

Nơi đây thờ Khổng Tử, Chu Văn An của đạo Nho cũng như các vị khoa bảng nổi tiếng của vùng Trấn Sơn Nam (tiền thân của đất Phố Hiến – Hưng Yên).

Văn miếu Xích Đằng được cho là biểu tượng của vùng Phố Hiến xưa. Ảnh: Vương Lộc

Sau cơn mưa, Văn miếu Xích Đằng trông cổ kính hơn vì màu rêu phong trên bức tường, lối đi trở nên rõ nét. Không gian yên tĩnh nơi đây cùng với mùi hương thơm ngát của hoa sứ, rợp bóng cây xanh càng làm cho tâm hồn người ghé thăm được bình yên, thanh tịnh.

Chùa Chuông nằm tại phường Hiền Nam, TP Hưng Yên. Ảnh: Vương Lộc

Về Hưng Yên du khách còn có thể ghé tham quan chùa Chuông – ngôi chùa cổ trong Quần thể di tích Phố Hiến. Di tích này được xây dựng từ thời Hậu Lê (thế kỷ XV) và có cuộc trùng tu lớn vào năm 1707 để có được diện mạo như ngày nay.

Ngôi chùa có hai cổng vào, phần cổng chính Tam quan được xây dựng lâu đời, rêu phong phủ kín được nhiều người yêu thích. Trong khuôn viên chùa thoáng đãng, có chiếc cầu đá dẫn lối tới phần không gian Thượng điện, Tiền đường và Nhà mẫu.

Không gian chùa Chuông. Ảnh: Vương Lộc

Trong không gian của Phố Hiến xưa, bạn có thể đến hồ Bán Nguyệt, hồ có hình nửa vầng trăng, cách chùa Chuông không xa. Mùa này, xung quanh hồ hoa phượng nở, soi bóng xuống mặt hồ. Bạn có thể chọn cho mình một chỗ ngồi ưng ý để dừng chân, nghỉ ngơi và cảm nhận bầu không khí mát lành.

Một góc hồ Bán Nguyệt trong TP Hưng Yên. Ảnh: Vương Lộc.

Một địa điểm ở Hưng Yên trong khu vực thành phố bạn có thể ghé qua nếu muốn một chút sôi động hơn là chợ Phố Hiến, nằm gần vòng xuyến rẽ vào thành phố.

Chợ Phố Hiến có hình chữ U khá rộng. Nơi đây bày bán đủ loại sản phẩm, nhu yếu phẩm phục vụ việc mua sắm, trao đổi hàng hoá của bà con trong và ngoài thành phố. Chợ đông nhất vào thời điểm từ sáng sớm đến khoảng 11:00 trưa.

Cổng vào chợ Phố Hiến. Ảnh: Vương Lộc

Ngoài ra, khi đến Phố Hiến – Hưng Yên là bạn đừng quên thưởng thức bún thang lươn, một trong những đặc sản nơi đây.

Bún thang lươn cuốn hút người ăn bởi có sự hoà quyện hợp vị của bún thang, lươn chiên giòn, giò lụa thái chỉ, tóp mỡ, một chút trứng chiên bào sợi cùng rau thơm.

Bún thang lươn là đặc sản trứ danh tại vùng đất Phố Hiến. Ảnh: Vương Lộc.

Vị nước thanh ngọt cùng những món ăn kèm trong bát bún thang lươn tạo nên hương vị khó quên, đậm đà tròn vị như tình người Phố Hiến.

Vương Lộc

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối