Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024

Về Kiên Giang thăm hòn Phụ Tử

(SGTT) - Hòn Phụ Tử từng là một trong những điểm du lịch nổi tiếng bậc nhất của tỉnh Kiên Giang. Mặc dù sau khi hòn Phụ bị đổ, nơi đây đã kém sức hút với nhiều du khách, nhưng hòn Phụ Tử vẫn là điểm đến du lịch đáng ghé thăm vì những giá trị văn hóa, lịch sử.
Sau khi hòn Phụ bị đổ, nơi đây đã kém đi sức hút với nhiều du khách. Ảnh: Thanh Thu

Hòn Phụ Tử nằm trên vùng biển của làng Ba Trại, xã Bình An, huyện Kiên Lương, cách trung tâm thành phố Rạch Giá 70km. Nơi đây từng được ví như “vịnh Hạ Long” của Kiên Giang. Năm 1989, hòn Phụ Tử cùng với khu di tích thắng cảnh Hòn Chông được công nhận là Danh lam thắng cảnh cấp quốc gia.

Đây thực chất như một hòn đảo nhỏ bằng đá vôi, có kết cấu dính liền nhau bằng bệ đá chung cao khoảng 5m. Hòn có kết cấu hai khối lớn ( hòn Phụ) nhỏ (hòn Tử) rõ rệt. Chính bởi kết cấu đặc biệt này, mà hòn Phụ Tử được coi là biểu tượng thiêng liêng thể hiện tình cảm giữa cha và con.

Du khách tham quan hòn Phụ Tử. Ảnh: Thanh Thu

Tích xưa kể rằng, vùng biển này khi xưa có con thuồng luồng thường hay đánh chìm tàu thuyền của ngư dân. Bấy giờ, dưới chân ngọn An Hải Sơn cạnh chùa hang, có hai cha con làm nghề đánh cá, do quá bất bình trước cảnh này nên quyết tiêu diệt thuồng luồng trừ hại cho bà con.

Bãi biển tại hòn Phụ Tử có nước biển trong, cát mịn, không có đá ngầm, phù hợp cho hoạt động tắm biển, lặn biển.

Sau nhiều lần giao tranh đều thất bại, người cha bèn tính kế lấy mình làm mồi cho thuồng luồng để bảo vệ dân làng nên ông tẩm thuốc độc khắp mình nằm kế mép biển để dụ ác thú. Sau đó con thuồng luồng từ đáy biển ngoi lên ăn thịt người cha trúng độc mà chết.

Ảnh: Thanh Thu

Người con đi tìm cha thì chỉ thấy còn một phần xác nằm bên bờ biển, liền ôm lấy mà khóc. Không ngờ chất độc thấm vào cơ thể nên người con cũng trúng độc chết. Cảm động trước sự anh dũng của người cha, tình cảm của người con nên trời nổi giông bão liên tiếp nhiều ngày liền; nơi hai cha con chết bỗng mọc nên hai hòn đá một lớn một nhỏ. Dân làng biết ơn hai cha con nên lấy tên Phụ Tử để đặt tên.

Để đến hòn Phụ Tử, du khách phải đi vào Hải Sơn Tự, còn được người dân địa phương gọi với cái tên khác là chùa Hang. Ảnh: Thanh Thu

Để đến hòn Phụ Tử, du khách phải đi vào Hải Sơn Tự, còn được người dân địa phương gọi với cái tên khác là chùa Hang. Sở dĩ được gọi là chùa Hang bởi toàn bộ không gian chùa nằm hoàn toàn trong hang động phía trong núi An Hải Sơn. Hang đá tự nhiên này sâu khoảng 40m. Khu vực hẹp nhất khoảng 1m ước chừng 3 hay 4 người đi lọt. Chùa có hai cửa, cửa chính quay vào đất liền, cửa sau nhỏ hơn thông thẳng ra biển nơi có hòn Phụ Tử.

Bên trong chùa Hang có đặt bức tượng Phật Di Lặc màu trắng, làm bằng đá nặng khoảng 22 tấn. Hai bên có hai chú sư tử trắng. Lư hương và áng thờ đều được làm bằng đá. Ngoài ra, trong hang còn có nhiều thạch đá, nhũ đá với hình dáng độc đáo.

Hàng cây thốt nốt dọc theo bãi biển. Ảnh: Thanh Thu

Thốt nốt là loài cây có nhiều ở khu vực hòn Phụ Tử nói riêng và vùng đất Kiên Lương nói chung. Du khách có thể chứng kiến toàn bộ quá trình tách lấy cùi và mua ly nước thốt nốt mát lạnh với giá khoảng 20.000 đồng. Ngoài ra, bánh xèo, bún kèn, bún canh chả ghẹ, hủ tiếu hấp, gỏi cá trích... giá từ 30.000-60.000 đồng/phần là những món trứ danh khiến du khách nhớ về Kiên Lương.

Thanh Thu

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối