TƯỜNG VI -
Một chuyến về cù lao Dài ở tỉnh Vĩnh Long, một vùng đất trù phú với rất nhiều vườn cây ăn trái nhưng lại còn lạ lẫm với các dịch vụ du lịch, có lẽ sẽ khiến du khách mang cảm giác mới, khác hẳn những chuyến đi chơi đến những địa danh du lịch nổi tiếng.
Chúng tôi xuống bến phà vàm Vũng Liêm-Thanh Bình để đi qua cù lao Dài của huyện Vũng Liêm vào một ngày mưa. Phùng Hiếu, hướng dẫn viên du lịch và cũng là một người sinh ra ở vùng đất này, giải thích về cái tên của quê hương mình. Anh nói rằng, nhìn từ trên xuống, cù lao có hình dạng như một chiếc giày. Rồi người dân địa phương với cách phát âm đặc thù của người miền Nam đã đọc trại từ “giày” sang thành “dài”, lâu dần cái tên cù lao Dài được quen gọi cho đến ngày nay.
Phà băng qua dòng Cổ Chiên dập dìu sóng nước, đưa chúng tôi sang bờ bên kia để đến với cù lao Dài. Đó là một dải đất phù sa nổi lên trên dòng sông Tiền về phía hạ lưu, tách sông Tiền thành hai nhánh là sông Bang Tra và sông Cổ Chiên. Cù lao Dài bao gồm hai xã là Thanh Bình và Quới Thiện thuộc huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Phía Đông cù lao Dài giáp sông Bang Tra thuộc huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre; phía Tây giáp sông Vũng Liêm thuộc huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long; phía Nam giáp huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh; phía Bắc giáp huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Cù lao Dài có chiều dài gần 20 km với diện tích đất khoảng 4.000 ha.
Ông Điền, một người dân địa phương, đón chúng tôi lên xe đi thăm vườn bưởi da xanh, một trong những cây trồng chủ lực của địa phương. Bưởi da xanh ở đây chỉ đứng sau sầu riêng, với năng suất cao và có tiềm năng kinh tế lớn. Theo ông Điền, bưởi da xanh bán được giá, kỹ thuật chăm sóc cũng đơn giản hơn. Còn sầu riêng đòi hỏi kỹ thuật trồng trọt cao và nếu chẳng may gặp thời tiết không thuận lợi thì vụ mùa đó nông dân coi như trắng tay.
Nếu trước đây bưởi da xanh chỉ có đúng một mùa thì hiện nay người nông dân đã lai tạo ra giống bưởi da xanh mới cho trái quanh năm. “Nếu thời tiết thuận lợi thì cây ra nhiều trái, gặp mùa không thuận thì ít trái nhưng trái của mùa ấy lại chất lượng hơn. Giá bưởi da xanh bán tại vườn trung bình 30.000-40.000 đồng/kg”, ông Điền nói. Bưởi da xanh của vùng đất cù lao Dài có mặt nhiều nơi, từ những ngôi chợ địa phương, các trạm dừng chân ven đường rồi đến các sạp trái cây ở TPHCM, thậm chí bưởi da xanh còn được xuất sang các nước lân cận.
Nhờ vào lợi thế đất phù sa màu mỡ thích hợp cho việc trồng cây ăn trái nên hầu hết dân cư ở đây sống dựa vào nghề trồng trọt với nhiều loại trái cây có giá trị như chôm chôm, măng cụt, xoài, bòn bon, sầu riêng, bưởi da xanh…
Sau khi rời vườn bưởi xanh um lúc lắc trĩu quả, chúng tôi được mời sang vườn sầu riêng của một người dân gần đó để thưởng thức sầu riêng bổ ra ngay tại vườn. Những múi sầu riêng thơm ngọt khiến chúng tôi thích thú. Ông chủ nhà còn hái thêm những trái mít chín đãi khách, và từ chối nhận tiền. Ông nói, khách đến chơi nhà là những người bạn quý và trong nhà có món gì ngon là đem ra mời khách thưởng thức.
Sau khi rời vườn sầu riêng, xe đưa chúng tôi đến quán Vườn Dừa nơi phục vụ những món ăn miệt vườn đặc trưng của người dân Nam bộ. Vì con đường dẫn vào quán khá hẹp, chỉ đủ cho chiếc xe máy lách qua, nên chúng tôi vừa che dù vừa men theo con đường sình lầy lội và trơn trượt ngót gần một cây số. Âm thanh đầu tiên đón chào thực khách là tiếng xèo xèo mà bà chủ quán đang đổ bánh xèo trên bếp lửa. Chẳng giống như món bánh xèo tôm thịt thông thường, bánh xèo hến dùng chung với các loại rau rừng, rau dại khá lạ. Những con hến vớt lên ở cồn to béo được trộn với tôm, thịt ba chỉ, giá và hành làm chúng tôi thấy bụng cồn cào muốn được thưởng thức ngay.
Khách còn được bà chủ quán hướng dẫn cách đổ bánh xèo sao cho bánh mỏng, giòn tan và không bị ngấy vì dầu mỡ, và rồi khách được thực hành ngay trên bếp củi. Thì ra bí quyết để có một chiếc bánh xèo ngon cũng khá đơn giản, sau khi trộn bột bánh xèo hòa tan với nước cốt dừa, người ta còn trộn hỗn hợp này với nước cốt ngò gai để cho bánh có độ giòn, không bị dính khi đổ trên chảo.
Cùng với món bánh xèo hến, có nhiều món ăn rất lạ lẫm mà du khách Sài Gòn chúng tôi lần đầu tiên được thưởng thức. Nào là ốc bươu nướng sốt tiêu và nước mắm đường, nào là lẩu bần chua nấu với cá hú… Vừa ăn, chúng tôi vừa được nghe những bài hát đờn ca tài tử mùi mẫn.
Sau khi no nê với những món đặc sản địa phương, chúng tôi men theo con đường nhỏ lầy lội trở về. Bà chủ quán cùng các cô con gái đi theo tiễn đoàn chúng tôi đến tận xe, không quên nói lời cảm ơn và hẹn gặp lại. Dưới cơn mưa rả rích lành lạnh, nhưng với lòng hiếu khách và chân tình của người dân nơi đây khiến chúng tôi thấy ấm lòng.
Mảnh đất cù lao Dài chưa bao giờ làm du lịch nên dịch vụ ở đây còn đơn sơ. Có điều, người dân thật thà chất phác, hết lòng tiếp đãi khách như thể đón chào những người bạn thân quen từ lâu. Tình cảm của người dân dẫu chỉ được cảm nhận trong khoảng thời gian ngắn nhưng cũng đủ khiến chúng tôi nấn ná rồi hẹn với lòng sẽ trở lại đây vào một ngày không xa.
[box] Có hai cách để đến cù lao Dài. Một là đi đò từ bến đò Vũng Liêm với giá 20.000 đồng/người. Ngày trước có khoảng hơn năm chuyến đò một ngày nhưng bây giờ chỉ còn một chuyến đi và một chuyến về trong ngày. Đi đò mất chừng một giờ mới đến nơi. Đò hiện nay được người dân sinh sống ở cù lao Dài sử dụng để chuyên chở trái cây đi bán. Còn một sự lựa chọn khác là đi phà Thanh Bình-Vũng Liêm chỉ tốn 15 phút. Từ chợ Vũng Liêm đến bến phà là 3 km.[/box]