Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024

Về thôi, về với tết quê!

Nhật Linh

Năm nào cũng thế, trước tết có khi cả 4-5 tháng, những người bạn của tôi – giống tôi – xa quê, cứ gặp nhau là hỏi tết này có về quê không, không biết vé tàu xe năm nay thế nào nhỉ?... Càng gần đến tết, câu hỏi ấy càng như giục giã.

Ẩn chứa trong những lời hỏi thăm, những câu trả lời là nỗi nhớ quê khắc khoải 365 ngày hoặc còn hơn số ngày đó; là niềm mong, ước muốn được trở về để có những ngày tết đoàn viên.

Những đứa con lầm lũi, bon chen cả năm trời phương xa, lần trở về nhà, mang theo tâm trạng nôn nao được gặp lại cảnh quê, người quê, được sống trong không khí quê.

Noi-banh-chung-Tet
Tết ở quê, công việc nấu bánh chưng bao giờ cũng mang lại sự háo hức cho các thành viên trong gia đình.

Tết quê, tôi được đắm mình trong phiên chợ quê những ngày cuối năm, lao xao những lời hỏi thăm nhau. “Cháu/em/chị mới về quê ăn tết đấy à? Ở nhà có được lâu không? Năm nay nhà cháu/chị/em ăn tết có to không? Gói bao nhiêu cái bánh chưng đấy?...”. Có tham dự phiên chợ giáp tết với đào thắm, cúc vàng, với í ới tiếng gọi nhau, với quang quác tiếng gà vịt ấy, mới cảm nhận rõ ràng cái tình của người quê. Gặp nhau đã ríu rít thăm hỏi, người ở xa về lại càng được quan tâm. Đi từ đầu chợ đến cuối chợ, miệng dạ vâng, trả lời không ngớt. Ai cũng níu lại hỏi thăm, thân tình sẻ chia, tựa như một gia đình.

Tết quê, tôi được cùng người thân sum vầy. Mỗi người một chân một tay dọn dẹp, trang hoàng, sắm sửa nhà cửa đón tết. Việc chọn bày mâm ngũ quả và nấu bánh chưng bao giờ cũng mang lại sự háo hức cho các thành viên. Cảm giác ngồi ở sân nhà mình, bên bờ giếng, tỉ mỉ rửa từng cái lá dong gói bánh, cùng những người ruột thịt thật đặc biệt, ấm áp. Nếu bảo, có khung cảnh nào tôi không thể quên, tôi luôn muốn được sống ở đó, nơi tôi thấy yên bình, hạnh phúc hơn cả thì đó là khung cảnh không khí cuối năm se lạnh, gió xào xạc bụi tre sau nhà, ở góc vườn bố loay hoay cắt tỉa, sửa lại chậu hoa hải đường; mẹ vừa kể chuyện nhà vừa thoăn thoắt gói bánh; hai đứa em vừa trang trí cành đào rừng vừa tán chuyện yêu đương...

Rồi đêm 28, 29 tết ngồi trông nồi bánh chưng, lửa nồng đượm, nổ tí tách, mùi khói bếp làm mũi cay cay, soi tỏ mặt, cả gia đình quây quần, trò chuyện. Ngọn lửa trong thời khắc chuyển giao ấy như mang một ý nghĩa thiêng liêng, là sự mong mỏi, cầu nguyện cho năm sau người thân lại được khỏe mạnh, an lành mà ngồi bên nhau như thế.

Ở quê tôi, chiều 30 bao giờ mẹ cũng chuẩn bị một nồi nước tắm bằng các loại lá bưởi, lá sả cho cả nhà. Tôi nhớ, những đêm giao thừa xưa cũ ấy, ngoại bảo, “tắm nước lá để sạch sẽ, xua tan mọi phiền muộn, ưu tư của năm cũ, đón một năm mới may mắn”. Mùi thơm của lá bưởi, lá sả quyện vào nhau, thoảng hương thơm ngái của củi vẫn còn vương vất quanh người. Đôi khi, những ngày ở xa, tôi nhớ đến quay quắt cái mùi đặc trưng ấy. Tôi biết, nó không chỉ là mùi của lá, của củi, nó là mùi nhớ, mùi quê hương, mùi gia đình.

Tết quê – là đêm 30 trong cái lạnh hoang vu của vùng núi phía Bắc các thành viên trong gia đình ở bên nhau. Mùi hương trầm trên bàn thờ ông bà, tổ tiên lan tỏa. Ấm lắm. Ấm mùi hương trầm. Ấm tình thân.

Tết quê – là trưa mùng 1, ngày đầu tiên của năm mới, một bác có tuổi, có uy tín, có gia đạo an hòa, yên ấm trong xóm sẽ đi tới một nhà chúc tết. Rồi cứ thế, ở mỗi nhà, sẽ lại có thêm một hai hoặc ba người hòa cùng đoàn khách đi chúc tết các nhà khác. Hết xóm mình ở, sẽ sang các xóm khác. Trẻ con xúng xính quần áo mới, người lớn rôm rả trò chuyện, có khi cả ngày, ngày rưỡi mới hết những nhà, xóm lân cận. Đoàn đi tới đâu, giống như mang lời chúc thành tâm, mang ngọn gió xuân, mang tết bình an tới cho gia chủ. Cái sự đi đến, chúc mừng này không phải chỉ là nghi lễ, phép xã giao mà còn là tấm lòng của những người “tối lửa tắt đèn có nhau”.

Tết quê – là thanh bình, yên tĩnh, là sum vầy, đoàn tụ trong từng ngõ xóm; trong từng căn nhà nhỏ và trong rộn ràng lòng người.

Cứ thế, cứ thế, tết năm nào cũng có vẻ giống năm nào nhưng kỳ thực lại không hề giống.

Tết quê – dù đi muôn phương cũng không thể không nhớ!

Tết quê – mỗi năm một lần, níu chân, níu bước, níu lòng, đưa tôi trở về!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối