Thứ bảy, Tháng Một 11, 2025

“Vị đắng” của nước đường

VŨ YẾN -

Giới chuyên môn khuyến cáo lượng đường nạp vào cơ thể nhiều quá sẽ không tốt cho sức khỏe, tiềm ẩn nguy cơ bệnh tật sau này. Nhưng trong khi đó, nước uống có đường lại ngày càng tràn ngập trên các kệ hàng nước giải khát. Nhiều người tiêu dùng, nhất là những người trẻ, đang ngất ngây trong vị ngọt của chai nước đường mà quên mất “vị đắng” của đường có thể sẽ đến ngay sau đó.

Nghiện đường

Chỉ vào hai thùng nước ngọt có gas ở góc nhà, anh Minh cho biết anh đang phải giấu mấy đứa con, không cho chúng uống. Anh kể, tuần rồi vợ chồng anh mời bạn bè đến nhà ở quận Gò Vấp, TPHCM để ăn liên hoan nhân dịp anh nhận một giải thưởng. Bạn bè tham dự mang theo mỗi người một món quà, trong đó có ba thùng nước ngọt. Anh khui một thùng, và chỉ quay qua quay lại là mấy đứa trẻ đã uống hết sạch.

Nước giải khát nói chung và nước có đường nói riêng luôn chiếm diện tích lớn tại quầy kệ trong hệ thống các siêu thị.
Nước giải khát nói chung và nước có đường nói riêng luôn chiếm diện tích lớn tại quầy kệ trong hệ thống các siêu thị.

“Tôi phải giấu vào chỗ khuất, chứ không hai đứa nó ngày nào cũng đòi uống”, anh Minh cho biết. Mà không chỉ có con anh, bạn bè anh cũng gặp tình trạng mấy đứa nhỏ mê nước ngọt, thấy là đòi uống cho bằng được.

Giống anh Minh, chị Hòa, nhà ở quận Thủ Đức, cho biết hai đứa con chị, đứa 10 tuổi, đứa 6 tuổi, rất mê nước ngọt. Mặc dù đã hạn chế hết mức, nhưng vì chúng cứ đòi, thậm chí có lúc khóc ăn vạ để được uống nên trong tủ lạnh nhà chị lúc nào cũng có vài lon hay chai nước ngọt loại 1,5 lít.

Không chỉ trẻ nhỏ, nước ngọt có gas, nước tăng lực còn mê hoặc người lớn. Năm năm trở lại đây, anh Hải, nhà ở quận Tân Bình, đều uống ít nhất hai lon nước tăng lực mỗi ngày. Anh Hải cho biết, làm nghề lái xe, thường xuyên đi trên đường, thấy quảng cáo nước tăng lực có tác dụng giúp tỉnh táo, tăng sức khỏe nên anh sử dụng loại nước này.

Anh Hải cho biết khi uống vào anh thấy tỉnh táo hơn, còn có khỏe hơn hay không thì anh không kiểm chứng được. Vì vậy, nước tăng lực trở thành thức uống giải khát không thể thiếu của anh. “Uống riết rồi quen, giống như bị nghiện vậy, ngày nào không uống tôi không chịu được, thèm lắm”, anh Hải cho biết.

Theo ghi nhận của phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, tại hệ thống các siêu thị lớn, các cửa hàng tiện lợi, các tiệm tạp hóa cũng như các điểm bán hàng di động trên đường phố, kệ hàng dành cho các sản phẩm nước uống nói chung và nước giải khát có đường nói riêng chiếm diện tích khá lớn. Tương ứng với đó là sự đa dạng, phong phú về chủng loại các sản phẩm này.

Chị Hồng, chủ một cửa tiệm tạp hóa trên đường Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức, cho biết các loại nước ngọt có gas, nước tăng lực là mặt hàng bán khá chạy, với doanh thu trung bình khoảng 5 triệu đồng/tháng, những tháng hè con số này tăng lên 6-7 triệu đồng. Khách hàng tập trung ở những người trẻ tuổi và học sinh.

Một đại diện của một siêu thị lớn cho biết, các loại nước giải khát là ngành hàng có doanh thu ổn định trong hệ thống. Theo số liệu bán hàng trong một tuần gần đây nhất của siêu thị này, trong số 20 loại nước giải khát có doanh số bán hàng cao, nước giải khát có đường chiếm chín loại.

Cẩn thận với đường

Cựu phó tổng giám đốc của một doanh nghiệp sản xuất nước giải khát có tiếng, không muốn nêu tên, cho biết thực chất nguyên liệu, công thức sản xuất nước uống có đường của hầu hết các doanh nghiệp là giống nhau. Thành phần sẽ bao gồm đường, nước, axit citric, chất bảo quản, màu tổng hợp, chất tạo hương vị…

[box type="bio"] Theo tài liệu “Nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam” của Viện Dinh dưỡng quốc gia, mỗi người trưởng thành chỉ nên tiêu thụ 500 g đường trong một tháng, hay 20 g đường mỗi ngày (tương đương bốn muỗng cà phê đường).

Bác sĩ CK1 Đào Thị Yến Thủy, Trung tâm dinh dưỡng TPHCM[/box]

Với các loại nước có các tên như nước yến sào, nhân sâm, thì trong nguyên liệu sẽ có thêm một lượng rất nhỏ nguyên liệu yến sào, nhâm sâm. Với các loại nước được giới thiệu là trà, chẳng hạn như trà hoa cúc, trà ô long, trà lài… thì ngoài nguyên liệu cơ bản sẽ có thêm nguyên liệu trà. Với các loại nước ngọt có gas, nước tăng lực, ngoài các thành phần nguyên liệu nói trên có thêm một lượng caffeine khá lớn.

Theo vị này, đường là thành phần không thể thiếu, nếu không muốn nói là thành phần quyết định tạo nên nước giải khát có đường. Tuy nhiên việc sử dụng loại đường nào, chất lượng ra sao để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng thì không phải đơn vị nào, nhà sản xuất nào cũng tuân thủ nghiêm ngặt.

Ông cho biết, thông thường những đơn vị sản xuất có uy tín sẽ sử dụng đường mía hay các loại đường tự nhiên, ví dụ đường củ cải. Đường hóa học hay các chất tạo ngọt tổng hợp, mặc dù được cho phép, nhưng nhà sản xuất sẽ không sử dụng hoặc ít sử dụng vì khách hàng thường có phản ứng nhạy cảm với loại này. Nếu sử dụng, nhà sản xuất phải ghi rõ ràng trên nhãn mác loại đường, hàm lượng cụ thể để người tiêu dùng lựa chọn.

Ông cũng nói thêm, lượng đường trong một lít nước giải khát thành phẩm thường là 100-150 g, tùy theo sản phẩm. Đây là lượng đường phù hợp để có độ ngọt vừa phải. Nghĩa là, trong mỗi chai hay lon nước giải khát có dung tích 250-330 ml thì có chứa lượng đường khoảng 30-35 g.

Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy của Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM cho biết, theo tài liệu “Nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam” của Viện Dinh dưỡng quốc gia, mỗi người trưởng thành chỉ nên tiêu thụ 500 g đường trong một tháng, hay 20 g đường mỗi ngày (tương đương bốn muỗng cà phê đường). Lượng đường này chiếm khoảng 10% năng lượng từ bột đường, có nghĩa 90% năng lượng bột đường còn lại là từ chất bột như cơm, bún, mì, khoai, bắp... Lượng bột đường nên chiếm 55-60% tổng năng lượng khẩu phần (còn lại 15% từ đạm và 25-30% từ béo).

Bà nêu ví dụ, một lon nước giải khát chứa 11 g đường, như vậy mỗi ngày chỉ được uống tối đa hai lon và không ăn uống thêm đường khác. Nhưng thực tế chúng ta vẫn “nạp” đường qua thức ăn có nêm đường như thịt, cá kho hay canh chua, sử dụng mật ong hay đường từ trái cây, bánh, kẹo, kem, chè, sô cô la, nước chanh đường, hay từ các thực phẩm và nước uống chứa đường khác.

Bác sĩ Thủy cho biết, nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy việc sử dụng đường tinh nhiều và thường xuyên sẽ làm tăng nguy cơ thừa cân béo phì và tăng nhanh tốc độ lão hóa cùng với các bệnh lý thoái hóa mạch máu. Do đó đường tinh được khuyến cáo hạn chế sử dụng tối đa cho mọi đối tượng chứ không riêng gì với người bệnh đái tháo đường.

Tháng 3-2015, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã kêu gọi hạn chế tiêu thụ “đường giấu mặt” có trong hầu hết các loại thực phẩm, nước giải khát... WHO khuyến cáo lượng đường tiêu thụ chỉ được chiếm khoảng 5% tổng năng lượng mà con người nạp vào mỗi ngày. Tỷ lệ này tương đương với việc mỗi người không nên sử dụng quá 25 g đường/ngày, tương đương sáu muỗng cà phê đường.

[box] Có hay không có đường cũng cần lưu ý

Trao đổi về việc sử dụng nước ngọt có ga và nước ngọt không có gas, TS.BS. Nguyễn Hữu Toản, nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM, cho biết nước ngọt có gas được nhiều người yêu thích, nhưng nếu dùng nhiều và dùng thường xuyên sẽ không tốt cho sức khỏe.

Nước ngọt có gas là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng béo phì, đái tháo đường, tim mạch, rối loạn chuyển hóa ngày càng sớm ở trẻ em. Tác hại của nước ngọt có gas là chứa rất nhiều đường và năng lượng, do đó cán cân đường huyết không bình thường làm hoóc môn tuyến tụy lộn xộn, gây tăng đường huyết.

Nếu uống soda hoặc nước ngọt có gas liên tục mỗi ngày trong sáu tháng sẽ tích tụ mỡ thừa xung quanh gan và xương gây nguy cơ kháng insulin trong cơ thể, gây nguy cơ mắc tiểu đường cao hơn người bình thường. Không những thế, nước ngọt có gas còn gây lão hóa da nhanh, tăng nguy cơ sỏi thận, làm hỏng hệ tiêu hóa do có nhiều phụ gia, hóa chất và chất bảo quản làm tổn thương bề mặt của ruột và dạ dày, tổn thương niêm mạc dạ dày.

Đây là loại thực phẩm gây sâu răng vì chứa các axit và đường sinh axit trong thức uống làm yếu men răng. Nếu kết hợp với việc đánh răng không đúng cách sẽ dẫn đến sâu răng.

Nói về việc nước uống thảo dược có đường, ông Toản cho rằng nếu sử dụng đường thì nguy cơ cũng giống nước ngọt có gas. Nếu nhà sản xuất công bố rằng dùng chất ngọt thay thế đường cũng cần xem xét lại thực hư của sản phẩm ra sao, bởi họ có thể quảng cáo một đàng và sản xuất một nẻo.

Bình An[/box]

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối