Mỹ Huyền-
Số lượng người nước ngoài đến Việt Nam làm việc đã tăng nhanh trong vòng năm năm gần đây, theo số liệu thống kê từ Cục Việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội). Và TPHCM đã trở thành một trong những điểm đến cho mục tiêu “an cư-lạc nghiệp” của những người lao động nước ngoài này.
Thông tin được cung cấp trên trang web của Cục Việc làm cho thấy, số lượng người nước ngoài làm việc tại Việt Nam đã tăng từ 63.557 người vào năm 2011 lên 83.046 người vào năm 2016. Trong đó, số lao động nước ngoài làm việc theo hợp đồng lao động chiếm hơn 90% số người thuộc diện cấp giấy phép lao động. Đa số người nước ngoài đến Việt Nam làm việc là người châu Á, với tỷ lệ 73%. Nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài khá ổn định, với chỉ 4,4% người nước ngoài có hợp đồng làm việc dưới một năm, còn lại đều từ một năm trở lên.
Giáo viên tiếng Anh là một trong những công việc có tính thu hút đối với những người nước ngoài tìm việc làm ở Việt Nam. Ảnh: rmit.edu.vn
Đa dạng các kênh tìm việc làm
Theo sự ghi nhận của Sài Gòn Tiếp Thị, nhiều người nước ngoài tìm thông tin về việc làm ở Việt Nam thông qua trang web của các công ty toàn cầu như Robert Walters (robertwalters.com), RGF HR (rgf-hr.com) hoặc các trang tuyển dụng nhân sự trực tuyến nổi bật ở Việt Nam như Careeelink.vn, Anphabe.com, VietnamWorks.com, CareerBuilder.vn hay Jobstreet.vn. Bên cạnh đó, các trang mạng xã hội phổ biến như Facebook và LinkedIn cũng trở thành công cụ hỗ trợ hữu hiệu cho việc tìm kiếm những công việc phù hợp ở Việt Nam.
Một trong những công việc bậc trung có tính hấp dẫn đối với người lao động nước ngoài ở Việt Nam hiện nay là làm giáo viên dạy tiếng Anh tại các trung tâm ngoại ngữ hoặc các cơ sở giáo dục. Để tìm công việc trong ngành nghề này, trang mạng được đánh giá cao là Chroniclevitae.com. Một nhóm không nhỏ ứng cử viên chọn cách nộp đơn tìm việc thông qua trang web của các cơ sở giảng dạy. Hiện tại, nhiều trường đại học, trung học có chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh có sự liên kết với các tổ chức giáo dục ở nước ngoài nên người tìm việc có thể dễ dàng tìm hiểu thông tin về công việc trước khi đến Việt Nam.
Chị Olivia Võ, người vừa trở về Mỹ vào tháng 6 vừa qua sau khi đã trải qua các vị trí quản lý văn phòng và giáo viên tiếng Anh ở TPHCM. Các công việc này có mức lương hơn 1.000 đô la Mỹ (khoảng 22,5 triệu đồng) mỗi tháng và theo chị Olivia Võ, mức lương này thấp hơn nhiều lần so với cùng vị trí công việc tại Mỹ. Thế nhưng, tìm việc ở Mỹ khó hơn ở Việt Nam, nhất là đối với các chức danh quản lý tầm trung. Do đó, chị Olivia Võ chọn cách thức làm việc ở Việt Nam trong vài năm để có kinh nghiệm, sau đó quay về Mỹ tìm việc sẽ thuận lợi hơn bởi trong hồ sơ của chị có quá trình làm việc ở một môi trường đầy thử thách như Việt Nam.
Giáo viên là công việc phổ biến
Anh Joshua Hall, sau khi tốt nghiệp đại học ở Nam Phi đã ứng tuyển vào vị trí giáo viên tiếng Anh tại trường Cao đẳng Quốc tế Kent (Kent International College) ở TPHCM và bắt đầu làm việc tại thành phố từ tháng 3 vừa qua. Thông qua bạn bè đang sống ở TPHCM, anh Joshua Hall đã gửi hồ sơ tìm việc đến các trang web tuyển dụng và trang tư vấn việc làm trực tuyến ngay từ khi đang học ở Nam Phi.
Giáo viên tiếng Anh là một công việc thu hút nhiều sự quan tâm của cộng đồng người nước ngoài tìm việc làm ở TPHCM. Trên trang tuyển dụng trực tuyến VietnamWorks.com, British Council – một trong các cơ sở giảng dạy ngoại ngữ lớn ở TPHCM – đã thu hút 1.433 lượt người tìm việc quan tâm đến bản tin tuyển dụng giáo viên bản ngữ của trường trong 12 ngày đăng tải thông tin. Tương tự, bản tin tuyển dụng của trường Đại học RMIT Việt Nam thu hút 560 người xem trong 16 ngày đăng tuyển. Điều kiện đối với các ứng cử viên người nước ngoài cho công việc giáo viên tiếng Anh là bằng đại học, chứng chỉ hành nghề CELTA (chứng chỉ về giảng dạy tiếng Anh cho người lớn) hoặc DELTA (chứng chỉ về đào tạo tiếng Anh sau đại học dành cho người lớn). Các giáo viên bản ngữ được ký hợp đồng lao động và được bảo đảm các điều kiện phúc lợi nhân viên.
Theo chị Phùng Ngọc Phú Quí của trung tâm giảng dạy tiếng Anh cho trẻ em Bell English School ở quận 7 (TPHCM), chị thường đăng tin tuyển dụng giáo viên trên các diễn đàn trực tuyến, trang mạng xã hội của cộng đồng người nước ngoài tại Việt Nam. Đây là các kênh truyền thông hữu hiệu và ít tốn kém trong việc tìm các giáo viên bản ngữ phù hợp cho trung tâm của chị Quí. Một trong những điểm khác biệt lớn giữa các trung tâm Anh ngữ nhỏ lẻ và các trường chính quy là các trung tâm nhỏ không đặt ra nhiều yêu cầu về bằng cấp đối với giáo viên.
Chỉ cần dạo qua các trang cộng đồng trên Facebook, có thể cảm nhận được một thị trường tuyển dụng việc làm khá sôi nổi. Ví dụ trên trang fanpage của nhóm Expat in Ho Chi Minh City (Sai Gon), trong tuần lễ đầu tiên của tháng 7 này đã có năm mẩu tin đăng tuyển tìm giáo viên tiếng Anh. Trong đó, một tin là của người có nhu cầu học nâng cao, còn lại là của bốn trung tâm khác nhau tìm giáo viên bản ngữ. Trong đó, Trung tâm 3A Education Technology JSC cung cấp hợp đồng cho giáo viên với mức lương 1.500-2.200 đô la/tháng, 40 giờ làm việc mỗi tuần. Trung tâm này cũng yêu cầu bằng cấp và chứng chỉ hành nghề từ người xin việc. Còn Trung tâm CMN chỉ yêu cầu chứng chỉ giảng dạy TESOL (Chứng chỉ dạy tiếng Anh cho những người nói ngôn ngữ khác), mức lương 19-20 đô la cho một giờ dạy học. Các nơi còn lại không đòi hỏi bằng cấp của giáo viên bản ngữ và cũng không đưa ra hợp đồng lao động, chỉ tính lương theo giờ làm việc.
Anh Micheal Maceda, quốc tịch Philippines, từng dạy học tại Trung tâm Yaffle English ở TPHCM kể rằng sau một thời gian đi làm thuê anh và một số người bạn đã tự lập nhóm chuyên dạy tiếng anh tại nhà khách hàng hoặc tại các quán cà phê cho những người chỉ có nhu cầu học Anh văn giao tiếp.
Anh Võ Thế Ngọc, người có công ty chuyên cung cấp giáo viên dạy tiếng Anh cho các trung tâm ngoại ngữ, nói rằng anh thường xây dựng mối quan hệ với các khách du lịch lưu trú tại khu phố Tây ba lô ở quận 1 và quận 7 (TPHCM). Đây là nhóm người có nhu cầu tìm việc ngắn hạn trong khoảng thời gian đi dụ lịch và trải nghiệm cuộc sống ở nhiều địa phương.
Ngoài nghề giáo viên, những công việc khác giúp đem lại nguồn thu nhập trung bình và không đòi hỏi quá nhiều bằng cấp đối với người nước ngoài ở Việt Nam là ca sĩ, nhạc công, nhân viên thiết kế web, nhân viên du lịch, nhân viên nghiên cứu và khảo sát thị trường… Ngoài việc tìm việc qua các kênh tuyển dụng trực tuyến, người lao động còn được giới thiệu công việc thông qua chính những người đồng hương của họ đang sống và làm việc tại Việt Nam.