Thứ năm, Tháng mười một 28, 2024

Việt Nam bắt đầu tính kế hoạch nối lại thị trường du lịch quốc tế

Ngày càng nhiều điểm đến đưa ra kế hoạch nối lại mảng du lịch quốc tế trong bối cảnh vắc-xin ngừa Covid-19 được tiêm chủng ở quy mô rộng hơn và ngành du lịch, hàng không có nguy cơ không thể gượng dậy nếu cứ phải "ngồi không" dài ngày. Việt Nam tuy chưa có kế hoạch cụ thể nhưng những động thái mới đã bắt đầu xuất hiện.

Sức ép ngày càng tăng

Chiến dịch "Mở cửa Thái Lan An toàn" do một số công ty du lịch lớn ở Thái Lan phát động vào ngày 2-3 nhằm kêu gọi chính phủ cho phép đón du khách quốc tế trở lại từ ngày 1-7 tới và tiếp sau đó là thông tin Thủ tướng Thái Lan cho biết, nước này đang nghiêm túc nghiên cứu về ý tưởng "hộ chiếu vắc-xin" để chuẩn bị sử dụng trong tương lai đã khiến giới kinh doanh du lịch Việt Nam bàn đến việc mở cửa du lịch quốc tế nhiều hơn.

Theo ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, không chỉ Thái Lan mà các điểm đến gần Việt Nam đã có những kế hoạch rõ ràng, thậm chí đã bắt tay vào việc nối lại thị trường.

Trong đó, Singapore, một điểm đến rất gần với Việt Nam đã mở cửa dần cho khách hội nghị, cho phép các hội nghị lớn kết hợp hình thức trực tiếp và trực tuyến; Indonesia công bố kế hoạch mở lại thiên đường du lịch Bali với “Hành lang không Covid”... tạo ra sức ép lớn cho điểm đến Việt Nam nếu mở cửa muộn.

"Nếu không chuẩn bị ngay từ bây giờ thì sẽ chậm vì những nước này có cùng thị trường nguồn với du lịch Việt Nam", ông  nói với KTSG Online vào chiều 5-3.

Nhiều doanh nhân khác cũng cho rằng, mở cửa càng muộn, lợi thế để quảng bá điểm đến và thu hút du khách quốc tế càng ít. "Việt Nam sẽ có lợi thế truyền thông điểm đến tốt hơn nếu mở cửa trước Thái Lan nhưng có thể điều này khó xảy do cần nhiều thời gian chuẩn bị", ông Phạm Hà, CEO của Lux Group nói.

Doanh nhân này kỳ vọng, chính phủ sẽ cho phép mở cửa vào quý 3 tới để quý 4 bắt đầu có khách du lịch. Thành công trong việc chống đại dịch, bảo vệ sức khỏe người dân cùng kế hoạch tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 sẽ giúp điểm đến tạo sức hút với du khách nước ngoài.

Tuy nhiên, đó chỉ mới là lợi thế ban đầu, để có thể nối lại thị trường thành công thì chính phủ, cơ quan quản lý du lịch và doanh nghiệp du cần phải thực hiện rất nhiều công việc. Trong đó, có việc đưa ra các tiêu chí an toàn để đón khách, phục hồi các chính sách miễn thị thực đã tạm ngưng để ngăn dịch hồi tháng 3-2020, thực hiện các chương trình tiếp thị, xây dựng sản phẩm phù hợp với thị trường, bán hàng...

"Tiêu chí an toàn là cực kỳ quan trọng để doanh nghiệp tính toán kế hoạch đón khách. Theo tôi, Việt Nam cũng nên xem xét "hộ chiếu vắc-xin" như là biện pháp quan trọng để mở cửa", ông Thọ nói.

Gần đây, khi thảo luận về vấn đề nối lại đi lại, du lịch quốc tế, nhiều ý kiến đề cập đến việc cho phép những người có "hộ chiếu vắc-xin", hay chứng nhận đã được tiêm chủng ngừa Covid-19 được phép nhập cảnh mà không cần phải cách ly. Doanh nghiệp cho rằng, nếu còn cách ly y tế thì việc nối lại đường bay và cho phép khách nước ngoài nhập cảnh chưa đủ khuyến khích du khách đi du lịch trở lại.

Việt Nam bắt đầu chuyển động

Một thông tin tích cực liên quan đến việc nối lại thị trường du lịch quốc tế là Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã đề cập đến kế hoạch cho người đã tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 ở nước ngoài được nhập cảnh.

Trong cuộc họp Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 vào sáng nay, Phó thủ tướng đã đề nghị Bộ Y tế chủ trì, cùng với Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch khẩn trương nghiên cứu, xây dựng, ban hành các hướng dẫn tạo điều kiện cho những người đã tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 ở nước ngoài được nhập cảnh vào Việt Nam bảo đảm an toàn, phục vụ mục tiêu kép, tức vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.

Du khách từ Nga, thị trường quốc tế lớn thứ hai của Khánh Hòa vui chơi tại bãi biển Cam Ranh Khánh Hòa trước khi dịch Covid-19 ảnh hưởng đến du lịch. Ảnh: Đào Loan

Trò chuyện với KTSG Online, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cũng cho biết cơ quan quản lý du lịch đang bàn với Hiệp hội Du lịch về kế hoạch nối lại mảng du lịch quốc tế. Tuy chưa có kế hoạch chi tiết nhưng có thể nói, việc mở cửa sẽ được tính toán hết sức thận trọng với tiêu chí đầu tiên là an toàn.

Ban đầu, du lịch có thể sẽ mở với những thị trường nguồn có lượng khách lớn, dễ tiếp cập để thu hút khách. Thêm vào đó, khách đi theo tour trọn gói, đến các khu nghỉ dưỡng biệt lập có thể sẽ là những khách được chào đón đầu tiên trong kế hoạch mở cửa lại.

"Tuy nhiên, đó mới là tính toán ban đầu, chúng tôi còn thảo luận rất nhiều để có kế hoạch chi tiết và phù hợp", bà nói.

Theo ông Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Việt Nam nên mở cửa trước với những thị trường thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương vì đây là thị trường nguồn, chiếm đến 75% trong tổng số khách quốc tế của du lịch Việt. Đây cũng là những thị trường gần, dễ tiếp cận bằng đường hàng không để thu hút khách và nhiều nước trong khu vực này đã kiểm soát dịch Covid-19 tốt.

Một số doanh nhân cho rằng, trong thời gian qua, du lịch Việt Nam đã thực hiện khá tốt các chương trình tiếp thị trực tuyến để giữ tương tác với khách hàng; điểm đến cũng xây dựng lòng tin cho du khách về khả năng phản ứng với dịch bệnh.

Để khách hàng tin tưởng hơn khi mở cửa, điểm đến nên tiếp tục cung cấp thông tin rõ ràng hơn về các bước thực hiện kế hoạch này, các biện pháp an toàn để bảo vệ du khách nhằm bảo đảm khách có thể đi du lịch mà không bị lây nhiễm hay ảnh hưởng bởi các biện pháp ngăn dịch. Thêm vào đó, cần xây dựng các sản phẩm phù hợp với xu hướng du lịch mới của khách hàng trong và sau đại dịch.

Đào Loan

Theo Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối