Phiên khởi động “Chương trình Tăng tốc phát triển lực lượng lao động trong ngành công nghiệp bán dẫn ATP thuộc quỹ ITSI” không chỉ là cơ hội để đánh giá tình hình nhân lực ngành chất bán dẫn Việt Nam, mà còn là bước ngoặt quan trọng trong xác định lộ trình phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp mũi nhọn này.
Vừa qua, phiên khởi động “Chương trình Tăng tốc phát triển lực lượng lao động trong ngành công nghiệp bán dẫn ATP" thuộc quỹ Đổi mới sáng tạo & An ninh Công nghệ Quốc tế ITSI đã chính thức diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh với sự góp mặt của nhiều cơ quan, tổ chức của Việt Nam và Hoa Kỳ. Được biết, chương trình diễn ra trong vòng ba ngày 16, 17 và 18-9.
Mở đầu chương trình, đại diện phía ITSI và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ giới thiệu về chương trình hợp tác trong dịp kỷ niệm một năm quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam cũng chia sẻ về định hướng phát triển nhân lực trong ngành bán dẫn tại Việt Nam đến năm 2030, và tương lai năm 2050.
Đáng chú ý, trong ngày thứ nhất, đại học Fulbright cũng chia sẻ kết quả nghiên cứu nguồn nhân lực trong ngành công nghiệp chất bán dẫn tại Việt Nam. Báo cáo cũng chỉ ra Việt Nam cần tập trung vào nhu cầu phát triển nguồn lực và sự sẵn có của chương trình đào tạo chuyên nghiệp trong nước.
Bên cạnh việc kết nối tới các bộ, ban ngành, phía Hoa Kỳ còn chủ trương thiết lập quan hệ hợp tác với các Học viện và đại học Việt Nam. Trong sáng ngày 17-9, Hội thảo “Xây dựng quan hệ đối tác giữa Học viện và ngành để phát triển hệ sinh thái chất bán dẫn bền vững” đã được thực hiện và điều phối bởi ông Jeffrey Goss (ITSI, Hoa Kỳ). Đại diện từ các trường đại học Việt Nam và tập đoàn công nghệ lớn như Intel và Onsemi đã chia sẻ những mô hình hợp tác giáo dục giữa các tổ chức và doanh nghiệp.
Ngay sau đó, các hội thảo liên quan đến thách thức trong phát triển nguồn lực cho ngành cũng đã được triển khai. Mục tiêu của hội thảo là giúp người tham dự có thêm hiểu biết về chiến lược đào tạo và vai trò của giáo dục trong việc phát triển ngành bán dẫn. Giáo sư John Fowler (Đại học Arizona State) đã đưa ra những chiến lược phát triển nhân tài, đặc biệt là các kỹ năng cần thiết trong việc lắp ráp, thử nghiệm và thiết kế.
Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, Việt Nam đã và đang có nhiều chiến lược bứt phá ngành chất bán dẫn trong nước và quốc tế. Phiên khởi động “Chương trình Tăng tốc phát triển lực lượng lao động trong ngành công nghiệp bán dẫn ATP thuộc quỹ Đổi mới sáng tạo & An ninh Công nghệ Quốc tế ITS” là bước ngoặt trong việc xác định lộ trình phát triển ngành bán dẫn tại Việt Nam.
Trong đó, Đà Nẵng được coi là một thành phố tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp chất bán dẫn. Tại phiên hội thảo, Đà Nẵng đã có tham luận với chủ đề “Đà Nẵng đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn”. Thành phố dự kiến xác định mục tiêu đào tạo, phát triển nguồn nhân lực thiết kế vi mạch đến năm 2030 là có ít nhất 5.000 kỹ sư thuộc lĩnh vực vi mạch, bán dẫn.
Đại diện Thành phố Đà Nẵng chia sẻ hướng phát triển chính là tập trung phát triển nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo gắn với hợp tác với các doanh nghiệp, đối tác lớn, uy tín trong và ngoài nước để thu hút đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực và hình thành hệ sinh thái vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo thành phố.