Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Việt Nam ngày trở lại: Hướng dẫn viên phấn khởi chuẩn bị quay lại đường tour

(SGTT) - Việt Nam đã chính thức mở cửa hoàn toàn du lịch trở lại kể từ ngày 15-3. Chia sẻ cùng Sài Gòn Tiếp Thị, nhiều hướng dẫn viên bày tỏ niềm vui, phấn khởi trở lại đường tour, phục vụ du khách.

Hiện nay, ngành du lịch Việt cũng đang có dấu hiệu khởi sắc sau quãng thời gian dài “lao đao” do ảnh hưởng của đại dịch. Với các hướng dẫn viên, những người trực tiếp phục vụ du khách, hơn ai hết, họ mong muốn du lịch sớm lấy lại phong độ như giai đoạn trước khi Covid-19 xuất hiện.

Hoàng Hà Sơn, sinh năm 1994, quê ở Bình Dương, đã có sáu năm kinh nghiệm dẫn tour. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm TPHCM, Sơn không chọn nghề giáo mà chuyển sang sự nghiệp “cầm míc, cầm cờ” phục vụ du khách với niềm yêu thích được trải nghiệm ở nhiều điểm đến hấp dẫn trên mảnh đất hình chữ S.

Hướng dẫn viên Hoàng Hà Sơn (bìa trái) và du khách tại chùa Vĩnh Tràng (Tiền Giang). Ảnh: NVCC

Nhưng khi đại dịch Covid-19 ập đến, cuộc sống của Sơn bị đảo lộn giống như biết bao nhiều đồng nghiệp hướng dẫn viên khác. Bình Dương, quê hương của Sơn, ở ngay cạnh TPHCM nên Sơn quyết định quay về với gia đình trong thời gian tránh dịch.

Hơn hai năm ở nhà với bố mẹ, mãi đến tháng 2-2022, Sơn mới quay trở lại Sài Gòn để tiếp tục công việc yêu thích của mình. Hiện Sơn đang đầu quân cho một công ty du lịch ở quận 1, nhưng khối lượng công việc vẫn khá khiêm tốn.

“Hiện tại, mỗi tuần, tôi dẫn từ một đến hai tour, chủ yếu là khách Việt. Thỉnh thoảng, cũng có một số tour có cả khách Tây tham gia nên khi đó tôi sẽ dẫn song ngữ”, Sơn chia sẻ.

Vốn là hướng dẫn viên Inbound (dẫn khách nước ngoài đi du lịch Việt Nam) nên Sơn rất mong trong thời gian tới, khách nước ngoài sẽ đến Việt Nam đông hơn, để anh có nhiều cơ hội dẫn tour hơn. Sơn vốn xuất thân từ hướng dẫn viên Nội địa (dẫn khách Việt đi du lịch trong nước) rồi chuyển sang hướng dẫn viên Inbound nên anh có thể đảm trách tốt cả hai vai trò này trong giai đoạn hiện nay.

Khác với Sơn, anh Nguyễn Hoàng Anh, 29 tuổi, ở quận 7 TPHCM, là hướng dẫn viên chuyên thị trường Inbound với bảy năm kinh nghiệm. Khi dịch bệnh xuất hiện, tour tuyến ít dần, thậm chí có thời điểm dừng hẳn, cô chuyển sang công việc của một nhân viên văn phòng kiêm bán hàng online.

Khách nước ngoài chụp ảnh lưu niệm tại Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi. Ảnh: Tuyết Hằng

“Tôi nghĩ chỉ trong một hai tháng tới, ngành du lịch sẽ dần khởi sắc. Tôi hy vọng sớm được làm việc với 100% công suất trở lại, đi đến các miền đất mới và gặp gỡ những người bạn mới sau 2 năm khó khăn”, Hoàng Anh chia sẻ.

Với hướng dẫn viên Lê Nguyên Dona, 33 tuổi, anh lại có kế hoạch khác cho riêng mình trong thời gian tới. Chàng trai quê ở Long An này từng có chín năm làm việc chính thức cho công ty lữ hành Saigontourist.

Hướng dẫn viên Lê Nguyên Dona (bìa trái, hàng ngồi) và các học sinh. Ảnh: NVCC

Trong thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát, khối lượng công việc dẫn tour của anh giảm dần rồi dừng hẳn. Nhưng không vì thế mà Dona nhàn rỗi bởi anh phải tất bật cho công việc dạy tiếng Đức cho sinh viên cũng như học Thạc sĩ.

Dona vẫn rất yêu thích công việc hướng dẫn viên Inbound và Outbound (dẫn khách Việt đi du lịch nước ngoài) mà anh đã trải nghiệm trong nhiều năm qua. Dona chia sẻ, anh đã sẵn sàng cho công việc dẫn tour trở lại và hy vọng trong thời gian tới, anh sẽ nhận được các tour Inbound và Outbound.

Anh Lý Bôi Hạnh, hướng dẫn viên du lịch tự do tại TPHCM, từng có 13 năm kinh nghiệm dẫn khách Việt đi du lịch nước ngoài. Anh Hạnh là Cử nhân tiếng Trung. Trong thời gian dịch bệnh diễn ra, khi không thể dẫn tour, anh kiếm sống bằng nghề dạy tiếng Trung online, dịch văn bản, tiểu thuyết trên mạng, phiên dịch hiện trường ở các công trình…

Giờ đây, khi Việt Nam mở cửa du lịch trở lại, anh Hạnh cảm thấy phấn khởi những vẫn xen chút lo lắng. "Sau hai năm chật vật để kiếm sống và tồn tại, tôi và các đồng nghiệp rất vui khi sắp được trở lại công việc quen thuộc, đúng đam mê và nghiệp vụ. Lo lắng vì sau thời gian khá lâu mới quay lại nghề thì phải chuẩn bị nhiều hơn kiến thức, tìm hiểu các đường tour mới... đặc biệt là việc đảm bảo an toàn cho bản thân và du khách khi đi du lịch", anh Hạnh chia sẻ.

Anh Nguyễn Quang Trung, sinh năm 1986 ở quận Gò Vấp, TPHCM, từng có 17 năm gắn bó với nghề hướng dẫn viên. Trong thời gian Covid-19 bùng phát, anh buộc phải ở nhà tránh  dịch. Khi tình hình tạm lắng xuống, anh Trung tranh thủ lái xe ô tô phục vụ du khách có nhu cầu và đón khách từ Campuchia về Việt Nam.

Hướng dẫn viên Nguyễn Quang Trung (bìa phải, hàng ngồi) và du khách tại khu du lịch Chuồn Chuồn, Đà Lạt (Lâm Đồng). Ảnh: NVCC

Hiện tại, khi Việt Nam mở cửa du lịch trở lại, công việc hướng dẫn viên của anh ở công ty lữ hành Saigontourist cũng đã tất bật trở lại. Anh Trung chia sẻ: “Tôi là hướng dẫn viên chuyên mảng nội địa nên trong giai đoạn vừa qua, tình hình vẫn dễ thở hơn so với các đồng nghiệp hướng dẫn viên ở mảng Inbound và Outbound, bởi chúng tôi vẫn có nhiều tour để phục vụ”.

Anh Trung mong muốn, du lịch sớm hồi sinh để anh và các bạn có thể cải thiện thu nhập, có được cuộc sống tốt hơn.

Hiện nay, nhiều hướng dẫn viên cho biết họ mong có một lộ trình an toàn cho du khách yên tâm đi du lịch. Bên cạnh đó, các hướng dẫn viên cũng cần thêm tiêu chuẩn về công tác phí, chế độ làm việc, giá tour ổn định và hợp lý, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh sau dịch hoặc mức phí công tác không cân xứng với công sức mà họ bỏ ra.

Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2020 doanh nghiệp du lịch cắt giảm 70-80% lực lượng lao động. Năm 2021 số lượng người làm đủ thời gian còn 25% so với năm 2020. Từ đầu tháng 3, theo thống kê của Hotel Job, một trong những trang web tuyển dụng hàng đầu ngành du lịch Việt Nam, nhu cầu tuyển nhân sự tăng gấp đôi trước Tết và cũng gấp đôi so với cùng kỳ trước dịch. Lượng hồ sơ xin tuyển tăng gấp ba lần. Các thông tin tuyển dụng tập trung vào mảng khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, khu vui chơi, các vị trí quản lý, buồng, bàn, bếp…

Đinh Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối