Thứ bảy, Tháng Một 11, 2025

Việt Nam phải là một trạm đến của nghệ thuật đương đại

Dự án THE IN/VISIBLE STATION khai mạc ngày 28-8 tại TPHCM có gần 20 nhà giám tuyển (curator), các nghệ sĩ đương đại, nhà phê bình nghệ thuật trên khắp châu Á và khoảng 25 nghệ sĩ trẻ Việt Nam gặp gỡ nhau trong một chương trình đồng hành, thực hành nghệ thuật kéo dài trong một năm.

Dự án THE IN/VISIBLE STATION do ZeroStation thiết kế, Japan Foundation Asia Center tài trợ và cùng tổ chức. Phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị đã có cuộc trao đổi ngắn với nghệ sĩ và giám tuyển Nguyễn Như Huy, Giám đốc nghệ thuật của ZeroStation.

Sài Gòn Tiếp Thị: Thưa ông, việc kết nối những nghệ sĩ đương đại trong nước và quốc tế tại Sài Gòn, trong một dự án nghệ thuật như THE IN/VISIBLE STATION có ý nghĩa gì?

ngh_-s_-va-gißm-tuy_n-Nguy_n-Nh²-Huy,-Gißm-=_c-ngh_-thu_t-c_a-ZeroStation

- Nghệ sĩ Nguyễn Như Huy: Nghệ thuật đương đại, trước hết, là một hệ thống mang tính hội nhập toàn cầu. Bao gồm cả toàn cầu hóa về ý tưởng lẫn việc làm ra tác phẩm. Nhưng lâu nay, chúng ta vẫn quen hiểu hội nhập theo nghĩa mọi thứ sáng tạo phải được phương Tây công nhận, đáp ứng những tiêu chuẩn hay định chế phương Tây đưa ra. Qua dự án này, tôi nghĩ sẽ giúp nhiều người thay đổi cách nghĩ rất lạc hậu đó.

Chúng ta có thể hội nhập về tư duy nghệ thuật ngay tại đây, tại châu Á, tại Việt Nam. Thông qua dự án, giới sáng tạo nghệ thuật đương đại có thể gặp gỡ, chuyện trò, cùng thực hành nghệ thuật, tương tác, tạo ra những dự án mới và chính họ sẽ là những người đưa ra nhìn nhận về tác phẩm của nhau. Một nghệ sĩ trong nước khi muốn tác phẩm của mình đi ra thế giới, không nhất thiết phải sang phương Tây (dù điều đó cũng tốt thôi), nhưng ngược lại, anh ta có thể tỏa sáng tại châu Á. Người phương Tây phải sang châu Á, sang Việt Nam để tiếp cận những giá trị địa phương tại đây.

Những hoạt động trong khuôn khổ dự án sẽ diễn ra nhiều nơi tại TPHCM, không tập trung một chỗ, ông có thể cắt nghĩa nguyên do?

- Đúng vậy, các hoạt động sẽ diễn ra nhiều nơi, bao gồm trò chuyện, hội thảo, thực hành nghệ thuật, giới thiệu tác phẩm… Tất cả diễn ra với hình thức thật sự mới mẻ và tự do. Hội thảo sẽ không diễn ra trong phòng kín với máy lạnh và những bài phát biểu to tát, mà đi vào đời sống. Ví dụ một nhóm nghệ sĩ có thể vừa đi dạo phố, tham quan, vừa trao đổi về một đề tài nào đó và họ tự ghi âm lại để công chúng và các nghệ sĩ khác theo dõi. Hoặc chúng tôi tổ chức những cuộc nói chuyện ở các quán cà phê, quán cháo hay một gallery... với không gian thực sự cởi mở. Khai mở khả năng thực hành nghệ thuật ở khắp mọi nơi trong đời sống, đánh thức mọi không gian. Nghệ thuật đương đại không phải là cái gì quá xa xôi, chỉ dành cho giới nghệ sĩ trong các gallery chuyên biệt, mà nó thuộc về công chúng, diễn ra ở mọi không gian bình thường trong đời sống.

The In/Visible phải chăng còn nằm ở sự ẩn và hiện của những tiềm năng sáng tạo trong môi trường Việt Nam?

- Có thể cắt nghĩa điều này như sau: chúng ta có tiềm năng, đời sống nghệ thuật đương đại, có nhiều nghệ sĩ trẻ giỏi, dấn thân cho sáng tạo nghệ thuật. Có người phải bán nhà, bán đất, tốn công sức để theo đuổi một dự án sáng tạo độc lập. Nhưng trước thế giới, họ ẩn đi, không được biết đến. Thì đây là một dịp để họ tương tác với bên ngoài, họ cùng làm việc với các đối tác, đồng nghiệp để hội nhập, để tự tin khẳng định mình. Làm được điều này, cá nhân tôi và những đồng nghiệp ở ZeroStation cũng nỗ lực trong nhiều năm, thâm nhập vào thế giới sáng tạo nghệ thuật đương đại trong khu vực, học hỏi các mô hình của họ, kết nối quan hệ và học cách trình bày, thuyết phục tài trợ để một dự án dài hơi có thể diễn ra.

Như bạn thấy, trong dự án này, Việt Nam cùng với Myanmar và Thái Lan là ba trạm (station) đến của nghệ thuật đương đại. Ẩn và hiện cũng là số phận của nghệ thuật đương đại của châu Á, của Việt Nam trước các giá trị hay thước đo phương Tây. Và sau cùng, ẩn và hiện cũng mang một ý nghĩa khác, với riêng nhà tổ chức, là ZeroStation, trong trường hợp này, ZeroStation cũng phải ẩn đi, “biến mất” để cho những điểm diễn ra chương trình được tỏa sáng. Nghệ thuật không còn thuộc về những gallery nữa, nghệ sĩ có thể sáng tạo, trò chuyện, xuất hiện ở nhiều nơi trong đời sống.

Vậy có thể đo lường thành công của dự án bằng cách nào?

- Ngay việc dự án diễn ra một cách tốt đẹp, với tôi đã là một thành công. Trong một năm chạy dự án, tôi nghĩ sẽ có hàng trăm cuộc giao lưu tiếp xúc, làm việc giữa giám tuyển với giám tuyển, giám tuyển với nghệ sĩ, giới phê bình với tác phẩm và các nghệ sĩ với nhau. Cùng với Myanmar, Thái Lan, Việt Nam là điểm đến của những nghệ sĩ đương đại và công chúng quan tâm đến những thể nghiệm nghệ thuật đương đại.

Nguyễn Tịnh Thạch thực hiện

 

Caption: Nghệ sĩ và giám tuyển Nguyễn Như Huy, Giám đốc nghệ thuật của ZeroStation.

 

Box 1

ZeroStation là không gian nghệ thuật phá cách ở TPHCM, kết nối nghệ thuật đương đại với công chúng, bao gồm studio làm việc/không gian trưng bày và phòng ở dành cho các nghệ sĩ lưu trú, tạo thêm nhiều cơ hội thảo luận, tư duy và làm việc cho nghệ sĩ trẻ tại TPHCM. ZeroStation điều hành bởi ba thành viên: Nguyễn Như Huy (giám tuyển, nghệ sĩ thị giác, dịch giả), Phan Minh Tuấn – Liar Ben (nghệ sĩ đường phố) và Trương Minh Quý (người làm phim).

 

Box 2

Một số nghệ sĩ Việt Nam tiêu biểu tham gia dự án như Phan Quang (contemporary photographer, tạm gọi là nhiếp ảnh đương đại), Lưu Thị Hoài Trang (performance art, tạm gọi là nghệ thuật trình diễn), Lê Thanh Tùng (visual mapping, tạm dịch nghệ thuật trình diễn trực quan), Nguyễn Đức Tú (video artist, video nghệ thuật), Trương Minh Quý (filmmaker)…

Các trung tâm nghệ thuật châu Á có thành viên, nghệ sĩ sẽ đến Việt Nam trong dự án như New Zero Space (Myanmar), Art Conversation Chiengmai (Thái Lan), Koganecho Bazaar, 3331 Arts Chiyoda (Nhật Bản), Post-Museum (Singapore), Lost Generation (Malaysia)…

Tại TPHCM, các chương trình sẽ diễn ra ở Cà phê thứ Bảy, Chaosdowntown, Artfolio, Japanese Elites Club…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối