Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Việt Nam sắp nhận vắc-xin Covid-19

Những ngày gần đây, cơ quan chức năng liên tục đưa ra thông tin tích cực về việc nhập khẩu và sản xuất vắc-xin ngừa Covid-19. Theo đó, có thể trong năm nay Việt Nam sẽ có hàng chục triệu liều Người tình nguyện đăng ký thử nghiệm lâm sàng vắx-xin Covid-19 của Việt Nam. .

Ngày 28-2: lô vắc-xin Covid-19 đầu tiên về Việt Nam

Người tình nguyện đăng ký thử nghiệm lâm sàng vaccine Covid-19 của Việt Nam. Ảnh: trang tin về dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 của Bộ Y tế.

Theo thông tin từ Cục Y tế Dự phòng, Cục Quản lý dược đã chấp thuận cho Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam nhập khẩu vắc-xin ngừa Covid-19 AstraZeneca, số lượng 204.000 liều. Vắc-xin này được nhập khẩu để sử dụng cho nhu cầu cấp bách trong phòng chống dịch.

Dự kiến ngày 28-2 tới, lô vắc-xin đầu tiên này sẽ về đến Việt Nam. Thêm vào đó, khoảng 4,88 triệu liều vắc-xin của COVAX Facility (một cơ chế được thiết lập nhằm đảm bảo các quốc gia được tiếp cận công bằng với vắc-xin Covid-19) cũng dự kiến sẽ về đến Việt Nam vào cuối tháng này.

Sau đó khoảng 3 tháng, Việt Nam sẽ có thể có thêm hơn 5 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19.

Trước đó, theo thông báo của COVAX, Việt Nam sẽ được nhận vắc-xin Covid-19 giai đoạn đầu tiên với số lượng vắc-xin dự kiến sẽ được nhận là từ 4.886.400 liều đến 8.253.600 liều. Trong đó, 25 -35% số liều sẽ được cung cấp trong quí 1 còn 65 -75% sẽ đến trong quý 2-2021. Vắc-xin được sử dụng trong đợt này là cũng là của hãng AstraZeneca.

Theo báo Sức khỏe & Đời sống, cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long vừa thông tin, Bộ Y tế đã đàm phán với các đơn vị, theo đó chương trình COVAX Facility cam kết cung cấp cho Việt Nam 30 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19 trong năm 2021, chủ yếu dành cho 6 tháng cuối năm.

Công ty AstraZeneca cũng cam kết cung cấp 30 triệu liều, nâng tổng số liều vắc-xin mà Việt Nam có thể có trong năm 2021 là có 60 triệu liều. Trong khi đó, để đảm bảo tiêm đủ cho người dân, Việt Nam cần 150 triệu liều. Bộ đang tích cực đàm phán với các công ty khác, một số nước khác để có thêm vắc-xin.

Bộ Y tế khuyến khích các đơn vị có nguồn vắc-xin trao đổi với bộ vấn đề nhập khẩu để có vắc-xin cho người dân. Bộ Chính trị đã có chỉ đạo cụ thể, Chính phủ cũng sẽ có văn bản chỉ thị cụ thể, cố gắng để người dân tiếp cận được vắc-xin nhằm tái khởi động kinh tế.

Ngày 26-2: tiêm mũi vắc-xin đầu tiên của giai đoạn 2

Cùng với việc đẩy nhanh nhập khẩu vắc-xin, cơ quan chức năng cũng đang đẩy mạnh quá trình sản xuất vắc-xin trong nước.

Cổng thông tin điện tử của Chính phủ dẫn thông tin từ ông Nguyễn Ngô Quang, Chánh Văn phòng Chương trình Quốc gia nghiên cứu phát triển vắc-xin, cho biết vào ngày 18-2 vừa qua, Công ty cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen đã hoàn thành tiêm mũi thứ 2 và lấy máu sau 7 ngày tiêm mũi thứ 2 để đánh giá tính sinh miễn dịch cho 60 tình nguyện viên được tiêm ở 3 mức liều 25mcg, 50mcg và 75mcg.

Kết quả nghiên cứu ở cả 3 mức liều tiêm là vắc-xin ngừa Covid-19 Nano Covax an toàn, không có biến cố bất lợi, nghiêm trọng nào.

Để đẩy nhanh tiến độ và rút ngắn thời gian nghiên cứu, Bộ Y tế đề xuất, không chỉ tổ chức triển khai nghiên cứu vắc-xin tại Học viện Quân y mà sẽ phối hợp với Viện Pasteur TPHCM cùng tham gia nghiên cứu, thực hiện tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An.

Qua tính toán sơ bộ, với số lượng nghiên cứu giữ nguyên, đảm bảo cỡ mẫu giai đoạn 2, việc nghiên cứu tại hai địa điểm có thể rút ngắn 50% thời gian nghiên cứu, chỉ còn ba tháng thay vì sáu tháng.

Đến nay, số lượng tình nguyện viên đăng ký nghiên cứu giai đoạn 2 đã đạt gần 1.000 người. Ngay trong đầu tuần tới, có thể sàng lọc, chọn lựa đối tượng đủ tiêu chuẩn, đáp ứng cỡ mẫu của tiến độ giai đoạn 2.

Dự kiến, ngày 26-2 sắp tới sẽ tổ chức tiêm mũi vắc-xin đầu tiên của giai đoạn 2; vào cuối tháng 3 sẽ tiêm mũi vắc-xin thứ 2, đến cuối tháng 4 tới có kết quả nghiên cứu của giai đoạn 2 để chuyển sang giai đoạn 3, dự kiến là trong đầu tháng 5-2021.

Ở giai đoạn 3, vắc-xin Nano Covax sẽ thử nghiệm lâm sàng trên 10.000 đến 15.000 người, có thể mở rộng việc lựa chọn các đối tượng tham gia để đảm bảo tính phổ rộng cũng như những vấn đề liên quan đến tính khoa học.

Minh Duy

Theo TBKTSG Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối