Chủ Nhật, Tháng mười hai 1, 2024

Viết tiếp chuyện đi hay ở

LÊ THƯ -

Vừa rồi đọc bài viết Có nên canh cánh chuyện đi hay ở? đăng trên báo Sài Gòn Tiếp Thị ra ngày 11-12-2015 tôi thấy khá thú vị khi bạn Thảo Nguyên có cái nhìn phản biện, trái ngược với nhiều người suy nghĩ nhân tài thay vì đi ra nước ngoài làm việc thì hãy về và ở lại để cống hiến tài năng cho đất nước mình.

Theo ý kiến của bạn Thảo Nguyên, chuyện sinh sống và làm việc ở đâu không nên bận tâm quá mà quan trọng là có đóng góp gì cho sự phát triển của đất nước hay không. Nhiều người dù ở nước ngoài nhưng họ vẫn đóng góp bằng cách này cách nọ cho đất nước; đồng thời họ có điều kiện để phát huy tài năng của mình (bạn gọi là có đất dụng võ).

Tôi không có ý định làm một chuyện phản biện lại phản biện vì nhìn nhận bạn có lý lẽ riêng và được hỗ trợ bằng những lập luận, dẫn chứng chặt chẽ, chỉ là tôi hơi có chút bi quan nếu thực tế đi theo những diễn biến như vậy. Tôi đã thử nối tiếp suy nghĩ của bạn Thảo Nguyên và bỗng lo ngại rằng nếu mọi người tài ai cũng có suy nghĩ ra nước ngoài sinh sống và làm việc hết thì đất nước đó quả thật bất hạnh. Bởi, có gì đó hơi khắc nghiệt, cứ phải nghèo thì đi đôi với khó. Trong hoàn cảnh này là một quốc gia nghèo lại rơi rụng chất xám, tài năng. Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách, huống chi họ là những người tài giỏi, nếu có họ đóng góp bàn tay, khối óc thì tôi nghĩ rằng đất nước đỡ vất vả hơn trong chặng đường phát triển. Một nước Nhật bị tàn phá sau chiến tranh đã khôi phục thần kỳ nhờ đâu, nếu không phải từ sự đồng lòng và nghị lực phi thường của toàn thể dân Nhật để quyết tâm làm lại từ đầu.

Vẫn biết, như bạn Thảo Nguyên nói, làm việc ở đâu thì cũng đóng góp cho đất nước được, nếu muốn. Nhưng theo tôi, phần đóng góp đó ít nhiều bị giới hạn, san sẻ, không thể bằng sự tập trung toàn lực cho đất nước mình. Bạn có nhắc đến khái niệm giá trị thặng dư nhưng có lẽ phần giá trị dôi ra đó sau khi trả cho bản thân người lao động thì cũng còn phải đóng góp cho đất nước đã tạo ra công ăn việc làm cho họ.

Bạn Thảo Nguyên cũng nói đến việc về nước không có “đất dụng võ”, tôi rất chia sẻ. Bởi, phải nhìn nhận còn nhiều khó khăn, trong đó có cả nguyên nhân về cơ chế khiến người tài không phát huy được tài năng. Nhưng, chính trong hoàn cảnh đó đất nước càng cần họ hơn. Chính họ, với kiến thức và bản lĩnh của một trí thức, sẽ đột phá, thay đổi để mọi thứ tốt hơn. Khi những tinh hoa đất nước mà không làm thì trông chờ vào ai làm thay đây? Nếu nhìn lại lịch sử thì cũng thấy rằng những năm 1940 khá nhiều trí thức ở nước ngoài đã trở về nước để tham gia kháng chiến và sau khi cách mạng thành công đã cùng chung tay xây dựng đất nước. Họ đã từ bỏ sự giàu sang, ổn định và dấn thân vào hiểm nguy, gian khổ để được cống hiến hết sức mình cho nước nhà.

Hoàn cảnh mỗi thời mỗi khác, nên những liên tưởng quá khứ để so sánh với hiện tại sẽ có phần khập khiễng. Tôi chỉ là góp thêm vào câu chuyện nhân tài đi hay ở từ ý kiến của bạn Thảo Nguyên.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối