Thứ sáu, Tháng mười một 29, 2024

Viết văn, thích là học được!

Một nhóm học viên quây quần bên bàn cà phê, cùng giảng viên bàn về vẻ đẹp của văn chương và làm thế nào để sáng tác một truyện ngắn “nhanh gọn lẹ” nhất.

Trong tư cách là một giảng viên của lớp học viết văn do Trung tâm Tư vấn hướng nghiệp và Phát triển nguồn nhân lực (thuộc trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM) tổ chức, dịch giả - nhà văn Mai Sơn chia sẻ với Sài Gòn Tiếp Thị về lớp học viết văn có thể coi là đầu tiên ở Việt Nam theo tinh thần giáo dục khai phóng (liberal education).

Thưa ông, nhiều người cho rằng viết văn thì cần năng khiếu, không thể dạy được?

- Tôi cho rằng viết văn cũng như vẽ tranh, sáng tác nhạc. Trước đây chúng ta cứ nghĩ, chỉ những người được trời cho năng khiếu mới có thể viết văn được. Chúng ta hoàn toàn có thể hướng dẫn người yêu thích văn chương kể câu chuyện của họ dưới hình thức của một truyện ngắn với đầy đủ đặc trưng của thể loại này chứ không phải là viết tản văn hay status thông thường trên Facebook. Chỉ khác nhau ở chỗ, người có năng khiếu sẽ viết hay hơn. Lớp học này dành cho những người thích viết văn, muốn sáng tác một truyện ngắn cho mình, không đòi hỏi phải có năng khiếu. Chúng tôi cũng không đặt ra tiêu chuẩn để chọn học viên. Ai yêu thích cũng có thể tham gia.

Dịch giả - Nhà văn Mai Sơn.
Dịch giả - Nhà văn Mai Sơn.

Có giáo trình cho lớp học dạy viết văn này không?

- Có! Ở Mỹ đã có những lớp dạy viết văn bài bản, thực dụng. Tôi nhờ bạn bè trong giới văn chương đang ở Mỹ gửi về những tài liệu giảng dạy viết văn đó để dịch và nghiên cứu rút gọn lại những ý chính cho phù hợp với học viên Việt Nam cũng như thời gian giảng dạy ngắn, chỉ trong hai tháng.

Ở Việt Nam cũng có những lớp học hay trường dạy viết văn. Điều gì khác biệt ở việc dạy viết văn theo tinh thần giáo dục khai phóng?

- Đúng là chúng ta từng có, đang có những trường lớp dạy viết văn. Trước đây, tôi cũng đã từng tham gia một vài khóa học như thế. Tuy nhiên, tôi nhận thấy rằng, cách dạy của những khóa học ngắn hạn hay dài hạn về viết văn đó thiên về tính lý thuyết, cung cấp những kiến thức nền tảng hơn là chỉ cho người ta cách thực dụng nhất để có thể viết được một truyện ngắn hay.

Ở đây, chúng tôi tự do tranh luận, không có khoảng cách thầy trò. Có buổi, tôi cho học viên viết không suy nghĩ, viết bằng vô thức bất kỳ điều gì hiện ra trong đầu họ lên mặt giấy. Nhiều bạn sau khi viết ra vài trang đã giật mình nói rằng: “Không ngờ em có thể viết được dài như vậy!”. Chúng tôi cũng thường thảo luận những thủ pháp như cách tạo kịch tính, kết thúc, ngôn ngữ… trong nhiều tác phẩm truyện ngắn trong và ngoài nước để tìm hiểu cái hay của tác giả.

Về lâu dài, nếu trung tâm có hướng mở rộng, tôi có thể mời những nhà văn có uy tín đứng lớp thêm.

Xin cám ơn ông.

[box type="bio"] TS. Nguyễn Đức Lộc (giảng viên Khoa Nhân học, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM, đại diện Trung tâm Tư vấn hướng nghiệp và Phát triển nguồn nhân lực) là người tâm huyết với các dự án giáo dục khai phóng. Lớp dạy viết văn theo tinh thần giáo dục khai phóng là một trong số những dự án đó. Cho đến nay, trung tâm đã tổ chức được hai khóa học. Khóa 1 kéo dài hai tháng đầu năm 2014. Học viên không trả học phí mà chỉ trả tiền cà phê. Khóa thứ 2 số học viên đăng ký tăng cao nhưng do giới hạn địa điểm, hiện trung tâm “chốt sổ” với 30 người.[/box]

Thảo Hương thực hiện

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối